Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển tỉnh Hà Tĩnh

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển tỉnh Hà Tĩnh do TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Hà Tĩnh) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu tập trung phân tích những thực trạng của kinh tế biển (KTB) tỉnh Hà Tĩnh, chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân trong khai thác tiềm năng kinh tế biển Hà Tĩnh. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hết các tiềm năng kinh tế biển Hà Tĩnh.

Từ khóa: kinh tế biển, tiềm năng kinh tế, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Đặt vấn đề

Hà Tĩnh, một tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, Đông - Tây, với bờ biển dài 137km, nguồn lợi thủy sản dồi dào, có ngư trường rộng lớn để phát triển ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và nhiều bãi biển đẹp thích hợp cho phát triển du lịch. Hà Tĩnh có 3 cảng biển, bao gồm: Cảng biển nước sâu Sơn Dương, cảng Vũng Áng và cảng Xuân Hải, trong đó cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế, có các dự án trọng điểm hình thành cụm công nghiệp nặng, từng bước trở thành khu kinh tế tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Với điều kiện tự nhiên đặc trưng đó, kinh tế biển Hà Tĩnh chủ yếu tập trung vào 3 ngành nghề, hoạt động chính bao gồm: (1) Đánh bắt và nuôi trồng hải sản; (2) Du lịch biển; (3) Vận tải biển và dịch vụ cảng biển. Trong đó, 2 ngành nghề truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu KTB Hà Tĩnh từ trước đến nay vẫn là hải sản và du lịch biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự đầu tư và hiện đại hóa hệ thống cảng biển, nhóm ngành vận tải và dịch vụ cảng biển cũng đã và đang dần trở thành ưu thế mới của tỉnh.

2. Thực trạng khai thác tiềm năng kinh tế biển của Hà Tĩnh

Kinh tế biển Hà Tĩnh hiện nay bao gồm 3 hoạt động cơ bản: (1) Đánh bắt và nuôi trồng hải sản; (2) Du lịch biển; (3) Vận tải biển và dịch vụ cảng biển, với thực trạng như sau:

2.1. Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng hải sản

- Về khai thác hải sản biển: Sản lượng khai thác thủy sản của Hà Tĩnh nhìn chung đều tăng dần qua các năm từ 2015 - 2021. Chỉ riêng năm 2016, sản lượng có sự sụt giảm đột ngột xuống mức 26.166 tấn (tương đương 73% so với năm 2015) nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển miền Trung, thậm chí thấp hơn cả các năm từ 2011 - 2014, tuy nhiên, ngành này đã phục hồi trở lại từ năm 2019 với sự quản lý từ Nhà nước chống đánh bắt bất hợp pháp. Toàn tỉnh đến năm 2022 có 2.957 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m là 2.340 chiếc (chiếm 79,1%), tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 107 chiếc (chiếm 3,6%). Bên cạnh đó, có 2.898/2.957 tàu cá đã thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số đúng quy định đạt trên 98,0%; số lượng giấy phép khai thác tại vùng lộng là lên tới 800 tàu.

Hà Tĩnh năm 2021 có tổng số tàu thuyền 4.294 chiếc; sản lượng khai thác biển đạt trên  38.970 tấn/ năm; giá trị sản xuất các sản phẩm hải sản đạt 990 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh tiếp tục phát triển thêm 20 tàu (công suất trên 90CV), nâng đội tàu xa bờ lên 373 chiếc [1]. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 chỉ đạt 37.000 tấn, ước khoảng 94,6% kế hoạch năm.            

Bảng 1. Sản lượng khai thác thủy sản của Hà Tĩnh giai đoạn từ 2018 - 2022

Đơn vị: Tấn

kinh tế biển

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2021

- Về nuôi trồng thủy sản ven biển: Diện tích thả nuôi mặn, lợ ven biển năm 2015 là 2.768 ha, sản lượng đạt 39.516 tấn  và diện tích này tăng đều đến năm 2021 là 3.200 ha với sản lượng đạt 44.096 ha, tăng 4,8% so với năm 2015; giá trị sản xuất đạt 1.709 tỷ đồng; tăng nhanh diện tích nuôi thâm canh, công nghệ cao, chuyển mạnh hình thức nuôi hộ gia đình sang Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống chất lượng cao; mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát, xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá mú công nghệ cao trên cát.

Bảng 2. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Hà Tĩnh giai đoạn từ 2015 - 2021

Đơn vị: Tấn

kinh tế biển

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2021

- Du lịch biển: Nhìn chung, du lịch Hà Tĩnh đa số đều gắn liền với các hoạt động du lịch biển. Theo số liệu thống kê ở Bảng 3 và Bảng 4 cho thấy, giai đoạn từ 2019 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Hà Tĩnh đều có sự sụt giảm cả về số lượng khách và doanh số.

Bảng 3. Doanh thu ngành Du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2021

Đơn vị: Tỷ đồng

kinh tế biển

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2021

Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng phát triển du lịch vùng ven biển được tỉnh hết sức quan tâm, từng bước kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, trong đó có tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng. Nhiều dự án có quy mô lớn đầu tư ven biển đã được khảo sát và triển khai đầu tư, như: Dự án Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót, huyện Lộc Hà của Tập đoàn Vingroup (vốn đăng ký 300 tỷ đồng); Khu du lịch biển, Trường đua chó và Sân golf 18 lỗ của Công ty Hồng Lam - Xuân Thành tại khu du lịch biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; Dự án Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên tại Khu du lịch biển Thạch Hải - huyện Thạch Hà; nhiều dự án tập trung tại Khu du lịch biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên… Nhờ vậy, Hà Tĩnh đã được cả nước và khu vực biết đến với khu du lịch Quốc gia Thiên Cầm, Khu Du lịch biển Xuân Thành.

Bảng 4. Số lượt khách du lịch nội địa giai đoạn 2015 - 2021

kinh tế biển

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2021

- Vận tải biển và dịch vụ cảng biển:

Hà Tĩnh có 3 cảng, bao gồm: Cảng biển nước sâu Sơn Dương, cảng Vũng Áng và cảng Xuân Hải. Trong đó, cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I trong hệ thống cảng biển Vũng Áng. Theo quy hoạch, cảng Vũng Áng có 17 bến cảng (11 bến tổng hợp và 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xăng dầu); đến nay đã đầu tư và đưa vào hoạt động các cầu cảng số 1, số 2, cảng xăng dầu, cảng than Nhà máy Nhiệt điện 1 với lượng hàng qua cảng đạt trên 5 triệu tấn/năm. Hiện đang đầu tư cảng số 3, số 4, cảng than Nhà máy Nhiệt điện 2, khu dịch vụ hậu cần cảng gắn với Trung tâm Logistic; chuẩn bị khởi công bến số 5, số 6. Cảng Sơn Dương theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành 11 cầu cảng (2 cầu cảng cho tàu 20 vạn tấn, 3 cầu cảng cho tàu 5 vạn tấn 6 cầu cảng cho tàu 1 vạn tấn và 1 bến dịch vụ. Đến nay, đã hoàn thành 10 bến gồm: bến S1, S2, W1, W2, W3, W6, W7, W10, A2, N2, trong đó bến S1, S2 có thể cho tàu đến 200.000 DWT ra vào cảng.

Đầu tư xây dựng 2 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão (2 khu đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng là Thạch Kim và Xuân Hội) với tổng kinh phí gần 400 tỷ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước cho 5 vùng nuôi tập trung trên cát, với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng. Nâng cấp, hoàn thành 162km tuyến đê biển, đê cửa sông; trồng được 75,7ha rừng ngập mặn ven biển.

Ngoài ra, theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng được tuyến đường ven biển đoạn Thạch Khê - Vũng Áng với chiều dài 29km; xây dựng 2 cầu Cửa Nhượng và Cửa Khẩu và đang triển khai thi công đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân; nâng cấp Quốc lộ 8B đoạn từ Nghi Xuân đến Thị xã Hồng Lĩnh phục vụ việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực cũng như từ nước bạn Lào trực tiếp tới cảng Vũng Áng - Sơn Dương [1].

4. Một số hạn chế và nguyên nhân trong khai thác tiềm năng kinh tế biển Hà Tĩnh

Theo đánh giá trong Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2021, tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Hà Tĩnh rất lớn, với diện tích đất nuôi trồng thủy sản 1.135,4 ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất vùng ven biển. Hệ thống cảng biển có Cảng Vũng Áng - Sơn Dương đang xây dựng, cho phép tàu 30 vạn tấn cập cảng, là cảng biển sâu nhất khu vực Bắc Trung bộ, cửa ngõ thuận lợi cho các tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan đi các hải cảng quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó là nhiều bãi biển đẹp có khả năng khai thác du lịch, kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi thu hút du khách cả từ trong và ngoài nước. Qua thực trạng kinh tế biển Hà Tĩnh những năm qua có thể ghi nhận một số kết quả và thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, cũng như đóng góp về mặt sản lượng, giá trị còn ở mức thấp. Nguyên nhân của những hạn chế này có thể kể đến như:

Chất lượng tăng trưởng thấp do năng suất thấp, tỷ trọng đóng góp của công nghệ còn hạn chế. Ngành nghề quan trọng nhất trong kinh tế biển của Hà Tĩnh hiện nay vẫn là nuôi trồng và khai thác hải sản, nhưng chủ yếu vẫn dưới dạng nhỏ lẻ, tự phát, công cụ đánh bắt và phương pháp nuôi trồng thô sơ, lạc hậu. Về đánh bắt chủ yếu tập trung ở gần bờ, số lượng tàu có khả năng đánh bắt hải sản xa bờ rất ít. Chưa có công nghệ hiện đại để sơ chế và bảo quản các sản phẩm đánh bắt hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và giá trị sản phẩm. Về nuôi trồng, mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ, hộ gia đình với diện tích nuôi trồng hạn hẹp; thiếu tính đa dạng về chủng loại, số lượng sản phẩm hải sản nuôi trồng. Đồng thời công nghệ chăm sóc, thu hoạch chế biến lạc hậu, thậm chí người nuôi chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh, các tiêu chí về dư lượng thuốc kháng sinh,... Do đó, sản phẩm chưa có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu dẫn đến thị trường cung ứng bị giới hạn.

Thể chế, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Mặc dù những năm gần đây, Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh đều tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể cho các khu cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ khu vực ven biển cũng như hạ tầng du lịch biển. Song nhìn chung, tốc độ xây dựng còn kéo dài, chậm đưa vào khai thác sử dụng. Việc đầu tư xây dựng còn mang tính cục bộ, chủ yếu tập trung vào một số khu vực, dự án trọng điểm, tính đồng bộ chưa cao.

Chất lượng lao động hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế biển của Hà Tĩnh còn thấp. Mặc dù xét về mặt số lượng, lực lượng lao động của tỉnh tham gia các hoạt động kinh tế biển khá đông đảo và có thành phần đa dạng. Xét về mặt chất lượng và trình độ lao động lại còn thiếu và yếu. Thiếu về lao động lành nghề trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản; du lịch biển và vận tải, cảng biển. Yếu kém về trình độ khoa học công nghệ, kiến thức tổ chức sản xuất - kinh doanh hiện đại.

Những phân tích trên cho thấy, những hạn chế nổi bật kìm hãm sự phát triển của kinh tế biển là ở mô hình tăng trưởng không còn phù hợp. Trong khi đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, việc chuyển hướng sang nghiên cứu và xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh cho kinh tế biển Hà Tĩnh là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với điều kiện khách quan.

5. Một số giải pháp phát triển kinh tế biển Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay

Trước những hạn chế còn trong khai thác tiềm năng kinh tế biển Hà Tĩnh, bài viết đề xuất nhóm giải pháp nhằm giúp tỉnh Hà Tĩnh cải thiện và nâng cao khả năng khai thác tiềm năng KTB Hà Tĩnh trong thời gian tới, cụ thể:

5.1. Nhóm giải pháp theo ngành nghề hoạt động

Thứ nhất, đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

- Đảm bảo tính bền vững trong hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản, cần có các quy định về giới hạn mức độ đánh bắt khai thác cho phép hàng năm.

- Giảm tải gây ô nhiễm chất thải trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ra môi trường biển và ven biển. Xây dựng các đội tàu đánh bắt, ngư trường nuôi trồng hiện đại, có công nghệ tiên tiến trong việc xử lý chất thải ô nhiễm. Nghiêm cấm và có hình thức xử phạt đối với các trường hợp xả chất thải trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản ra môi trường biển.

- Khảo sát, khoanh vùng và có các biện pháp bảo vệ nơi cư trú của các loài sinh vật biển quý hiếm, hạn chế tiếp xúc trực tiếp gây ô nhiễm.

Thứ hai, đối với hoạt động du lịch biển.

- Chú trọng các tour du lịch gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường biển và ven biển. Có các chế tài và biện pháp hợp lý tạo thói quen cho người làm du lịch cũng như du khách ý thức giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi, không sử dụng các sản phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển;

- Nâng cấp hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ ven biển đạt tiêu chuẩn phù hợp nhằm hạn chế vấn đề xả thải và tình trạng kinh doanh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến môi trường;

- Kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt các dự án, công trình xây dựng ven biển phục vụ du lịch, cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường và ảnh hưởng sinh thái cho từng dự án cụ thể.

Thứ ba, đối với hoạt động vận tải và dịch vụ cảng

- Nâng cao trình độ khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng và vận hành hệ thống cảng biển của tỉnh.

- Kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hệ thống tàu thuyền ra vào, hoạt động trên khu vực biển thuộc cảng, hạn chế và ngăn cấm từ xa những tàu thuyền không đủ tiêu chuẩn an toàn biển, vận chuyển hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

5.2. Nhóm giải pháp theo chủ thể hoạt động kinh tế biển

Thứ nhất, đối với các cơ quan chức năng của địa phương

- Nghiên cứu và triển khai thực hiện mô hình quản lý tổng hợp đối với tài nguyên biển. Hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng.

- Chú trọng công tác quy hoạch đối với các ngành KTB của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ổn định, bảo vệ môi trường biển và vành đai xanh ven biển.

- Tổ chức các đội kiểm tra ngành, liên ngành về môi trường, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đo đạc, giám định chất lượng môi trường biển trên toàn khu vực khai thác KTB của tỉnh.

- Xây dựng và áp dụng khung chế tài xử phạt hợp lý, minh bạch đối với các hoạt động đánh bắt nuôi trồng, kinh doanh du lịch, vận tải... gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và ven biển.

- Xây dựng và lập kế hoạch thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức của doanh nghiệp, tập thể, hộ cá nhân tham gia các hoạt động kinh tế biển về nội dung tự giác bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi, không khai thác xâm lấn đa dạng sinh thái biển; có ý thức phát hiện và đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

- Huy động và sử dụng nguồn vốn hợp lý để hiện đại hóa các phương tiện hoạt động khai thác KTB nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Tổ chức đào tạo kiến thức, tay nghề, kỹ năng sử dụng vận hành phương tiện hiện đại, cách thức áp dụng khoa học công nghệ mới vào khai thác, hoạt động cho các đối tượng lao động tham gia các ngành kinh tế biển.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, người dân

- Tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ các quy định pháp luật cũng như hướng dẫn của cơ quan chức năng trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải biển, đặc biệt các yêu cầu về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển, ven biển;

- Học tập, trang bị và áp dụng khoa học kỹ thuật, phương tiện hiện đại vào hoạt động khai thác, kinh doanh các ngành kinh tế biển.

- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển như một phương châm kinh doanh, tự giác phát hiện, báo cáo và đấu tranh chống lại các đối tượng gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi hoạt động của mình.

6. Kết luận

Hà Tĩnh có tiềm năng dồi dào về nguồn lực khai thác, những năm qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về xây dựng và phát triển kinh tế biển trên 3 lĩnh vực chính, gồm: đánh bắt và nuôi trồng hải sản; du lịch biển và vận tải biển và dịch vụ cảng biển. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động kinh tế biển Hà Tĩnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển trong tương lai. Cùng với đó, tác giả hy vọng gợi ý các nhóm giải pháp tích cực theo từng nhóm ngành và từng đối tượng chủ thể sẽ mang lại tính ứng dụng và hiệu quả cho việc phát triển kinh tế biển Hà Tĩnh trong bối cảnh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh (2016). Báo cáo số 923 /BC-SKHĐT ngày 09/11/2016 về Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng biển, đảo; các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế biển, các khu kinh tế tổng hợp trọng điểm đã được phê duyệt.
  2. Trương Quang Học, Hoàng Văn Thắng (2014). Kinh tế xanh, con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Tạp chí Môi trường, 11, 3-13.
  3. Nguyễn Tác An, Bùi Hồng Long (2013). Phát triển xanh lam ở biển Đông: những vấn đề và triển vọng. Kỷ yếu hội nghị quốc tế Biển Đông 2012, (Tr. 370-379). Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thu Trang (2015). Một số vấn đề tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 31(5), 109-113.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2017). Báo cáo số 92/BC-SVHTTDL ngày 10/02/2017 về Kết quả thực hiện quy hoạch phát triển du lịch và huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch biển và ven biển.
  6. Nguyễn Quang Thuấn, Nguyễn Xuân Trung (2012). Kinh tế xanh trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Truy cập tại https://quochoi.vn/thongtinchuyende/Pages/taicautrucnenkinhtevietnam.aspx?ItemID=27116
  7. Vũ Thanh Ca (2017). Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam: Thực trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển bền vững kinh tế biển: từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay (Tr. 42-50). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. Nguyễn Chu Hồi (2017). Các lợi thế chiến lược cho kinh tế biển miền Trung phát triển bền vững. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển bền vững kinh tế biển: từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay, (Tr. 17-30). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

EFFECTIVELY EXPLOITING HA TINH PROVINCE’S

MARINE ECONOMIC POTENTIAL

• PhD. NGUYEN THI THANH HUYEN

Ha Tinh University   

ABSTRACT:

This study analyzes the current marine economy of Ha Tinh province, points out some limitations and causes in exploiting the potential of Ha Tinh's marine economy. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Ha Tinh province fully exploit its marine economic potential.

Keywords: marine economy, economic potential, Ha Tinh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương