Khuyến khích sáng tạo, đổi mới kinh doanh theo giáo lý Công giáo

Những giáo lý của Công giáo hướng đến việc khuyến khích, thúc đẩy con người phát triển các sáng kiến, đổi mới sáng tạo trong các hoạt động kinh tế nhằm hướng đến xây dựng một nền kinh tế có tính luân lý, tích cực, hướng tới mọi người và mọi dân tộc.

Mặc dù những mối quan tâm thực tiễn của Giáo hội Công giáo không nhằm đề xướng bất kỳ lý thuyết kinh tế học hay bệnh vực một chủ nghĩa kinh tế nào, nhưng những giáo lý của Công giáo có đề cập đến những khía cạnh của hành vi con người trong các hoạt động kinh tế.

Là một tôn giáo đạo đức chủ trương sự tiến bộ đạo đức và sự phát triển tâm linh của những cá thể trong xã hội, Công Giáo thấy rõ rằng những khía cạnh đạo đức, hành vi, thái độ ứng xử của con người ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế. Trong đó, sự đổi mới sáng tạo của con người trong các hoạt động kinh tế nổi lên là một trong những vấn đề cần quan tâm nhằm hướng đến xây dựng một nền kinh tế có tính luân lý, tích cực, hướng tới mọi người và mọi dân tộc.

Trước hết, có nhiều khái niệm và định nghĩa về đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tuy nhiên nhìn một cách tổng quan thì đổi mới sáng tạo là những thay đổi một cách có hệ thống, nhằm thích ứng với những thay đổi trên thị trường, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, phát triển và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mang tính đột phá ra thị trường. Từ đó, gia tăng được doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như đem lại những lợi ích cho toàn thể xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, thị trường có nhiều thay đổi về cả công nghệ, quy mô, khách hàng và sự cạnh tranh. Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, sáng tạo, triển khai các sáng kiến kinh doanh mới, ngay cả khi quá trình này diễn ra rất chậm.

Nhìn rộng ra, đổi mới sáng tạo là một phần không thể thiếu trong lịch sử phát triển kinh tế. Đổi mới sáng tạo được xem là một trong những động lực quan trọng, chủ chốt trong sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là khi tiến vào nền kinh tế tri thức.

Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo đề cao sáng kiến cá nhân và sáng kiến kinh doanh. Giáo hội Công giáo ủng hộ và khuyến khích các doanh nhân nói riêng, mọi người nói chung đưa ra các sáng kiến một các tự do và có trách nhiệm trong các hoạt động kinh tế nếu đạt được sự hoà hợp giữa công ích đang theo đuổi với loại hình hoạt động kinh tế do sáng kiến ấy đưa ra. Sự tự do về sáng kiến của con người trong các vấn đề kinh tế là một giá trị căn bản và là một quyền không thể chuyển nhượng, cần phải được thúc đẩy và bảo vệ. Thông qua đổi mới sáng tạo và theo đuổi các sáng kiến, con người tập hợp tri thức, kỹ năng, công nghệ, kinh nghiệm.

Cụ thể, “Mỗi người đều có quyền có sáng kiến về kinh tế; mỗi người cần phải sử dụng những tài năng của mình cách hợp pháp để đóng góp vào sự thịnh vượng có lợi cho mọi người, và để gặt hái những thành quả chính đáng do lao động của mình”.

Sáng tạo là một yếu tố căn bản trong các hoạt động của con người nói chung, hoạt động kinh doanh nói riêng, và điều này được thể hiện trong việc lập kế hoạch và cải tiến. Theo đó, “Tổ chức được một nỗ lực sản xuất, lên kế hoạch đúng thời hạn, bảo đảm rằng nỗ lực ấy đáp ứng cách tích cực những yêu cầu cần thoả mãn và dám chấp nhận những rủi ro cần thiết – tất cả những việc này cũng là nguồn đem lại sự giàu có cho xã hội hôm nay. Theo cách này, lao động có kỷ luật và đầy sáng tạo của con người, cũng như sáng kiến và khả năng kinh doanh – như một phần thiết yếu của lao động – rõ ràng càng ngày càng đóng vai trò quyết định”.

Đồng thời, Công đồng Vatican II và Huấn quyền của Giáo hội Công giáo đều khuyến khích sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo thiên nhiên, tăng năng suất lao động góp phần làm tăng của cải vật chất cho xã hội. Huấn quyền thường xuyên lưu ý rằng Giáo hội Công giáo không hề chống lại sự tiến bộ, phát triển khoa học kỹ thuật mà thậm chí còn coi “khoa học công nghệ là một sản phẩm kỳ diệu của óc sáng tạo mà Chúa đã ban cho con người, và vì chúng đã cung cấp cho chúng ta những khả năng tuyệt vời nên tất cả mọi người chúng ta đều được hưởng từ những công trình ấy”.

Mặt khác, Giáo hội Công giáo nhấn mạnh việc chối bỏ hoặc không đưa ra các sáng kiến, sáng tạo trong hoạt động kinh tế có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Từ quan điểm này, theo Học thuyết xã hội, sáng kiến tự do và có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế cũng có thể được xem là một hành vi phản ánh nhân tính của con người như những chủ thể sáng tạo và có tương quan.

Việc thúc đẩy các sáng kiến, theo đuổi hoạt động đổi mới sáng tạo đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đại dịch đã làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn, các hoạt động kinh doanh truyền thống đã gặp nhiều thách thức và trở nên lỗi thời một phần trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực vẫn chật vật trước các hệ quả do đại dịch gây ra. Đổi mới sáng tạo và triển khai các sáng kiến đúng cách là điều cần thiết nhất lúc này để doanh nghiệp thích nghi hoàn cảnh và vượt qua những thách thức của sự thay đổi.

Đổi mới sáng tạo và cách tân hiệu quả giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế và sự phát triển của xã hội. Bởi dù có đo lường cách nào đi chăng nữa, đổi mới sáng tạo và cách tân hiệu quả thực sự phải làm tăng giá trị và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong sứ video gửi đến Liên minh các nhà điều hành kinh doanh Công giáo quốc tế vào tháng 11/2021, Đức Giáo Hoàng Francis đã mời gọi các doanh nhân Công giáo noi gương những người đi trước, phát triển kinh tế trong sự sáng tạo. Đức Giáo Hoàng nhận định sáng tạo là một khía cạnh rất quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế toàn cầu đang tìm cách hồi phục sau đại dịch COVID-19. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh Chúa dạy con người sự sáng tạo, một doanh nhân không có sự sáng tạo, thì không phải là một doanh nhân giỏi, bởi vì “người này sẽ không biết trao cho nó một giá trị, hoặc sẽ cất giữ nó trong tủ, như thế không thể phát triển”.

Do đó, cần khuyến khích việc đưa ra các sáng kiến kinh tế, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh góp phần giúp nhân loại khám phá ra tiềm năng sản xuất của trái đất và tìm ra các phương pháp khác nhau để thoả mãn các nhu cầu của con người.

Minh Trang