Lào Cai thu về 600 triệu đồng sau 30 phút livestream trên nền tảng số TikTok

Vừa qua, trong chương trình thực hành Livestream bán hàng của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức đã tạo ra 2.336 đơn hàng với doanh thu lên tới hơn 600 triệu đồng chỉ trong vòng 30 phút đã bước đầu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xúc tiến thương mại trên nền tảng số.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai (Ủy Ban nhân dân tỉnh Lào Cai) và nền tảng TikTok tổ chức Chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã với sự tham gia của hơn 150 học viên của 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ,… tập trung tại Lào Cai để thực hiện.

Sôi động Phiên livestream tại thành phố “Vùng biên”

Phiên Livestream SIÊU LIVE HÀNG VIỆT tổ chức tại Lào Cai, quảng bá các sản phẩm thuộc 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc cùng với sự xuất hiện của 02 nhà sáng tạo nội dung TikTok là Lê Anh Nuôi cùng đối tác VTVcab MCN và Huyền huho cùng đối tác HOTCOM MCN đã gặt hái được những thành tích nổi bật.

Lào Cai thu về 600 triệu đồng sau 30 phút livestream trên nền tảng số
Phiên Livestream SIÊU LIVE HÀNG VIỆT được tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm thuộc 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Qua thống kê, hai phiên livestream trong vòng 4h đồng hồ đã tiếp cận hơn 6 triệu lượt xem, trong đó có 211.000 lượt người xem trực tiếp; tạo ra 2.336 đơn hàng với doanh thu lên tới hơn 600 triệu đồng; đặc biệt có sản phẩm thịt trâu của chủ thể Doanh nghiệp Sapa food trong vòng 30 phút bán được gần 150 đơn hàng, ngoài ra còn có các chủ thể nổi bật như Gạo Séng Cù Lào Cai, Mật hoa rừng Hoàng Liên,...

Doanh số thực tế của cả phiên livestream đạt 130% so với doanh số được kì vọng được đặt ra ban đầu. Đây là một hình thức thúc đẩy tiêu thụ nông sản sáng tạo, mới mẻ, mang lại nhiều hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xúc tiến thương mại trên môi trường số.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Linh (23 tuổi) nhân viên Văn phòng ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ngày 27-3, khi đang lướt TikTok đã thấy hàng loạt video về Thịt trâu gác bếp và đặc sản vùng Tây Bắc, địa điểm phát trực tiếp tại Cửa hàng nông sản tỉnh Lào Cai với không khí bán hàng rất sôi động.

Xuất hiện trong các video với bộ quần áo dân tộc Vùng Cao, một số nhà sáng tạo nội dung như Huyền huho, Lê Anh Nuôi, Vân Tây Bắc,... giới thiệu về sản phẩm thịt trâu gác bếp, mật hoa rừng Hoàng Liên, gạo Séng Cù Lào Cai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cách giới thiệu tỉ mỉ nhưng không kém phần dí dỏm, gần gũi đã thu hút cùng lúc hàng chục nghìn người xem.

Những thông tin về sản phẩm trâu gác bếp, gạo Séng Cù Lào Cai, mật hoa rừng Hoàng Liên, quy trình sản xuất, đóng gói, giá cả được các TikToker giới thiệu trên chương trình Livestrem trực tiếp”. Sau khi xem video giới thiệu mình đã đặt đơn 2 kg thịt trâu gác bếp và 10 kg gạo Séng Cù Lào Cai, mục đích vừa để ăn vừa để làm quà. Mình cũng thấy nhiều người xem video đã đặt hàng, có những đơn đặt hàng tận 5-10kg.” - Chị Nguyễn Ngọc Phương Linh chia sẻ.

Lào Cai thu về 600 triệu đồng sau 30 phút livestream trên nền tảng số
Thông qua việc áp dụng kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, các doanh nghiệp sẽ cải thiện cách thức khai thác các công cụ và dịch vụ trên TikTok Shop và xây dựng được kịch bản thúc đẩy doanh thu, gia tăng hiệu quả bán hàng (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Phương thức thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiệu quả

Những năm gần đây, kinh tế Lào Cai đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả đáng kể như tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng được cải thiện thuận lợi. Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 192 sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. 

Sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao và là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Chị Cao Thùy Dung là 1 Doanh nghiệp trực thuộc Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai, đồng thời cũng là 1 TikToker cho biết, rất ấn tượng với khóa học do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức vì đã được các Chuyên gia của Tiktok Shop Việt Nam truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng, cách xây dựng và lên chương trình cho 1 Phiên Livestream.

Ngoài ra, học viên tham dự khóa tập huấn còn được hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp tại Phiên thực hành livestream của 02 nhà sáng tạo nội dung Huyền huho và Lê Anh Nuôi thực hiện với sự chứng kiến của gần 150 học viên trong khóa Tập huấn.

Lào Cai thu về 600 triệu đồng sau 30 phút livestream trên nền tảng số
Hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp...

Đây là hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản mạng lại hiệu quả khá tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc khai thác nền tảng Tiktok Shop trong giao dịch buôn bán, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), "Hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số, đặc biệt thông qua các nền tảng số tại thời điểm hiện nay là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã tại 14 tỉnh Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường, đặc biệt là mở ra một phương thức bán hàng mới khá hiện đại và văn minh."

Huyền My