Lụa Vạn Phúc đẹp mãi làng nghề

Làng lụa, làng gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần, trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, của quê hương Việt Nam.

Nhà thơ Nguyên Sa từng viết: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Lụa Hà Đông nức tiếng xa gần chính là lụa được dệt từ làng lụa Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc hay lụa Hà Đông từ lâu đã nức tiếng kinh kỳ.

Lụa Vạn Phúc hay lụa Hà Đông từ lâu đã nức tiếng kinh kỳ

Chúng tôi tìm về làng lụa Vạn Phúc một ngày tháng tám nắng chói chang và oi ả để tận mắt được thấy những cửa hiệu thời trang với số lượng lớn các mẫu mã và chất liệu vải vóc sặc sỡ hai bên đường. 

Lụa Vạn Phúc mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đắc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. 

Tiếng lạch cạch của khung cửi phát ra từ những xưởng dệt, thứ âm thanh quen thuộc làm ra những sản phẩm tôn lên sự mềm mại của người phụ nữ Việt, làm nên vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam

Nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động

Trong tâm thức của người Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt, là kết tinh sản phẩm của trời - đất, thắm đượm công sức, tài hoa của con người, là sản phẩm quý giá của quê hương; tặng sản vật quý nhất của làng cho các bậc cao niên đáng kính, đáng trọng còn có ý nghĩa nào bằng. Sắc thái văn hoá nghề nghiệp ở làng dệt Vạn Phúc thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của con người Việt Nam.

Nguyên liệu được làm chủ yếu là tơ tằm được nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hà Nam, Nam Định... đặc biệt là tơ tằm Bảo Lộc được rất nhiều xưởng sản xuất sử dụng vì độ mềm mại, chất lượng tốt và màu sắc đặc trưng

Tương truyền, hơn 1.000 năm trước có bà A Lã Thị Nương, người Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, dệt lụa khéo léo, theo chồng về làm dâu tại làng Vạn Phúc. Bà đã truyền nghề cho dân làng. Sau khi bà mất, để ghi nhớ công đức của bà, dân làng lập đền thờ ngay cạnh bến sông và phong bà làm Thành Hoàng làng. Hàng năm, cứ vào ngày 8 tháng 10 (âm lịch), làng tổ chức lễ rước với nhiều nghi thức trọng thể và dâng lên bà tấm lụa đẹp nhất mà dân làng đã dệt...

Hiện nay, làng Vạn Phúc vẫn còn giữ được phong tục đẹp, hàng năm, ngoài lễ hội và nghi thức rước lễ thì mỗi khi trong làng có các cụ hưởng thượng thọ, đại thọ, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường thay mặt dân làng tặng mỗi cụ một mảnh lụa của quê hương.

Lụa Vạn Phúc luôn hấp dẫn du khách nước ngoài

Lịch sử có ghi, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước, mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão cả đời đam mê với lụa

Làng Vạn Phúc hiện có gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Mỗi năm, làng Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, đã hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.


Hoàng Hòa (ảnh ST)