Luận bàn về chính sách đối với dân số già hiện nay ở Việt Nam

Đề tài Luận bàn về chính sách đối với dân số già hiện nay ở Việt Nam do ThS. Lê Bá Khánh Trình (NCS. Học viện Hành chính Quốc gia - Chuyên viên Phòng Quản lý Đô thị quận 7, TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Dân số già là tất yếu khách quan theo quy luật, có nhiều hệ lụy và những tác động đến chính sách của mỗi quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Bài viết này luận bàn về dân số già, thực trạng, cũng như các chính sách tác động để có những đối sách đối với dân số già và đề xuất các giải pháp đối mặt với già hóa dân số hiện nay ở nước ta tầm nhìn đến năm 2069, nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực người già và hạn chế những hệ lụy của nó đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ khóa: chính sách, dân số già, Việt Nam.

1. Khái quát về dân số già, nguyên nhân và những ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội

1.1. Nhận thức về chính sách và dân số già

1.1.1. Khái quát khái niệm về chính sách

Hiện nay có nhiều quan niệm về chính sách. Theo James Anderson: “Chính sách là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm. [1]. Chính sách là một hệ thống nguyên tắc có chủ ý hướng dẫn các quyết định và đạt được các kết quả hợp lý. Một chính sách là một tuyên bố về ý định; và được thực hiện như một thủ tục hoặc gia thức. Các chính sách thường được cơ quan quản trị thông qua một tổ chức. Theo Lê Chi Mai: Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình và theo Nguyễn Đình Tấn: chính sách thường được thể chế hóa trong các quyết định, hệ thống pháp luật, các quy chuẩn hành vi và những quy định khác. [2]

Như vậy, chính sách đối với dân số già chủ yếu là chính sách của Nhà nước, thể hiện qua những chính sách công trong từng giai đoạn, có tính định hướng, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để phát huy khai thác, những tác động tích cực của dân số già như là một nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa kịp thời những tác động xấu khó lường đối với xu hướng dân số già hiện nay ở nước ta.

1.1.2. Khái quát về khái niệm dân số già

Hiện nay, trên thế giới và ở nước ta, các học giả cơ bản thống nhất thuật ngữ dân số già và già hóa dân số. Mặc dù, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng hiện nay, trên thế giới chưa có định nghĩa chính xác mang tính quốc tế về dân số già. Có thể khái quát một số khái niệm về dân số già như sau:

Thứ nhất, dân số già là sự già hóa dân số, thực chất là sự gia tăng độ tuổi trung niên của dân số trong một quốc gia, một vùng lãnh thổ, chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ có xu hướng ngày càng tăng cao.

Thứ hai, dân số già là khi mà tỷ lệ trong qui mô dân số, người cao tuổi từ 65 trở lên chiếm từ 10% đến 19,9% (Theo (Cowgill), hay 14% (Theo Dương Quốc Trọng) [1]. Ngoài ra, còn có các khái niệm dân số “rất già”, “siêu già”, “lão hóa dân số”.

Thứ ba, thuật ngữ “xã hội già hóa” được sử dụng trong báo cáo Liên hợp quốc vào năm 1956. Chính phủ Nhật Bản dựa theo tiêu chuẩn các nước phát triển phương Tây bấy giờ để giả định trên 7% là “dân số già hóa”. Bắt nguồn từ đó, tỷ lệ già hóa được cho là thước đo chung cho cộng đồng quốc tế. 

Thứ tư, dựa vào độ tuổi từ 0-14 tuổi được gọi là thiếu niên, từ 15-64 tuổi là độ tuổi lao động, trên 65 tuổi là người cao tuổi. Khi đó, tỷ lệ già hóa là tỷ lệ phần trăm của người cao tuổi trong tổng dân số. Người ta dựa theo tỷ lệ này để phân biệt và định nghĩa: tỷ lệ già hóa vượt 7% sẽ được gọi là xã hội già hóa, trên 14% là xã hội già và trên 21% gọi là xã hội siêu già.[3]

Ngoài ra, người ta còn quy định để phân biệt tình trạng già hóa của một xã hội. Ví dụ: tỷ lệ già chạm mốc 28,1% gọi là siêu già. Tỷ lệ già hóa là tỷ lệ phần trăm người cao tuổi trong tổng dân số. Những định nghĩa và quy định về dân số già với nhiều các tiếp cận khác nhau, đến nay vẫn chưa có những định nghĩa hay quy định mang tính toàn cầu hay thống nhất chung.

1.2. Nguyên nhân và những tác động chủ yếu đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội

1.2.1. Nguyên nhân

Thứ nhất, nhận thức của con người đã thay đổi về các vấn đề xã hội và vấn đề sức khỏe, hơn nữa do sự phát triển của khoa học công nghệ và y học khiến họ thận trọng hơn trong việc lập gia đình và sinh con. Việc tập trung vào chăm sóc sức khỏe cá nhân để kéo dài tuổi thọ của mình sẽ dẫn đến tuổi thọ trung bình tăng cao trong khi tỷ lệ sinh chưa đủ cân bằng. Điều này khiến cho tình trạng dân số già trong một quốc gia sẽ sớm xảy ra.

Thứ hai, chênh lệch tỷ lệ sinh tử, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Trong khi kinh tế phát triển, điều kiện sống thay đổi khiến tuổi thọ của người dân tăng cao thì tỷ lệ sinh sản lại giảm đi. Nguyên nhân do năng lực sinh sản suy giảm, tiếp đó là do giới trẻ hiện nay có xu hướng trì hoãn sinh con để tập trung học tập, phát triển bản thân và phát triển kinh tế.

Thứ ba, quan điểm của người dân về sinh sản đã thay đổi. Trước đây, người Việt Nam quan niệm kết hôn và sinh con nhiều để vui cửa vui nhà, có người lao động trong điều kiện sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh doanh hộ gia đình. Ngày nay, con người có tư duy hiện đại, thông thoáng hơn, tập trung vào học tập, phát triển kinh tế và tận hưởng nâng cao chất lượng cuộc sống nên quan niệm sinh nhiều con đã không còn phù hợp. Hơn nữa vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao trong phát triển kinh tế, hoạt động xã hội và chăm sóc, phát triển bản thân nên việc sinh con đối với họ không còn là nhiệm vụ hàng đầu.

Thứ tư, sức ép về kinh tế - xã hội, là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến sự gia tăng dân số già ở nước ta. Duy trì, ổn định cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái ngày nay đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế tài chính vững vàng. Gánh nặng tài chính là sức ép lớn đến gia tăng sinh đẻ, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế sâu rộng hiện nay ở nước ta luôn có sự cạnh tranh, đòi hỏi mọi người tập trung vào phát triển kinh tế, tích lũy tài chính.

Khái quát một số nguyên nhân nêu trên, có thể nhận thấy các nguyên nhân về quan điểm, nhận thức về sinh con, tiến bộ khoa học y tế, sức ép về phát triển kinh tế và sự cạnh trạnh cao của nền kinh tế thị trường cũng như vai trò của phụ nữ ngày nay là những nguyên nhân chủ yếu cả về chủ quan và khách quan dẫn đến già hóa dân số ở Việt Nam.

1.2.2. Những tác động chủ yếu đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Thông thường, có thể khái quát những tác động chủ yếu đến chính sách của mỗi quốc gia do xu hướng dân số già, đó là 2 tác động: (1) “Phát triển kinh tế” và “Chế độ phúc lợi xã hội”.

Phát triển kinh tế phụ thuộc hay chịu sự tác động của lực lượng lao động, do tác động của dân số già nguồn nhân lực này giảm thiểu ngày càng gia tăng bởi sự già hóa và tỷ lệ sinh giảm. Già hóa dân số tạo ra những thách thức trong phát triển kinh tế, đó là về cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn.

Về chế độ phúc lợi xã hội như tiền lương hưu hay điều dưỡng, chăm sóc người già cũng chịu sự tác động của lực lượng lao động. Dân số lao động giảm, số lượng người già tăng, kết quả là tỉ lệ phần trăm số người lao động trong tổng dân số giảm. Hay những tác động của dân số già vừa là xu hướng vừa là quy luật của tạo hóa. Ở khía cạnh khác, lực lượng lao động giảm cũng khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển hay tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế cũng giảm sút theo. Khai thác từ khía cạnh ảnh hưởng tới chế độ phúc lợi xã hội, là sự gia tăng gánh nặng lên mỗi cá nhân và xã hội do dân số già hóa.

Theo kinh nghiệm những năm qua, cho thấy số người chăm sóc cho một người cao tuổi là 11.2 người vào năm 1960, 20 năm sau (năm 1980) là 7.4 người và giảm còn 2.4 người năm 2004. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn biến, đến năm 2069, sẽ chỉ còn khoảng 1 người để hỗ trợ cho mỗi người cao tuổi. Sự cân bằng giữa gánh nặng và trợ cấp phúc lợi xã hội (tiêu biểu là chi phí y tế, phí điều dưỡng) sẽ sụp đổ. [3]

Ngoài ra, có thể nhận thấy những tác động khác của già hóa dân số đối với: (1) An ninh quốc phòng, bảo vệ an ninh an toàn trật tự xã hội. Việc tuyển qua và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang sẽ bị giảm sút, hao hụt, khó khăn, khi xảy ra chiến tranh sẽ rất nghiêm trọng. Ví dụ: như tình hình chiến tranh hiện nay ở Nga và Ukraine, cả hai nước đều rất khó tuyển quân bổ sung cho lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước; (2) Tác động đối với chính sách an sinh xã hội, khi dân số già hóa làm gia tăng, kéo theo thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, tác động mạnh đến hệ thống an sinh xã hội, nhất là đối với hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu. Vì người già hay đau ốm, có nhiều bệnh tật, gây ra chi phí y tế lớn và áp lực cho các cơ sở y tế; (3) Tác động và gây ra những hậu quả về kinh tế. Trong thực tế cuộc sống, người già thường chi tiêu ít và tiết kiệm hơn người trẻ. Vì người lớn tuổi tiêu dùng ít hơn nên ở trong từng giai đoạn đối với nước có tỉ lệ dân số già tăng cao sẽ có mức lạm phát thấp. Đồng thời, việc thiếu hụt những người lao động trẻ làm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và cải tiến kỹ thuật bị giảm đi.

2. Thực trạng dân số già ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2022 và dự báo đến năm 2069

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, đổi mới cơ chế kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật nói chung và của ngành Y học nói riêng, cùng với cuộc sống hòa bình, ổn định gần 50 năm qua sau giải phóng hoàn toàn miền Nam đến nay, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên, tuổi thọ tăng cao hơn, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng chất lượng hơn. Đây là, một trong những thành tựu to lớn của công tác chăm sóc sức khỏe cũng như của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bởi vì ước muốn của con người là được sống thọ, sống khỏe. Tuy nhiên, khi tuổi thọ người dân tăng lên thì tốc độ già hóa dân số cũng tăng nhanh, trở thành thách thức, hạn chế việc tận dụng thời cơ "dân số vàng" để tập trung nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng dân số dương và già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến ngày 31/12/2022, dân số Việt Nam ước tính là 99.329.145 người, tăng 784.706 người so với dân số 98.564.407 người năm trước. Năm 2022, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là dương vì số người sinh nhiều hơn số người chết đến 879.634 người. [4].

Theo số liệu thông kê và dự báo ở biểu 1, tỷ lệ già hóa dân số ở Việt Nam ngày càng tăng cao, năm 1979 chiếm 6,90% tổng số dân, đến 20 năm sau (năm 1999) chiếm tỷ lệ 8,10% tổng dân số, lũy tiến già hóa dân số tăng nhanh trong các mốc thời gian từ năm 2029 đến năm 2069. Dự báo đến năm 2069, tổng số người già là 31.685.000 người, chiếm khoảng gần 30% dân số thời điểm đó, sẽ có thách thức đặt ra không nhỏ đối với các chính sách an sinh xã hội nói chung của Nhà nước ta.

          Bảng 1: Số lượng và tỷ trọng già hoá dân số nước ta giai đoạn 1979-2069

Năm

Số người (Nghìn người )

Tỷ lệ % tổng số dân

1979

3,710

6,90

1989

4,640

7,20

1999

6,190

8,10

2009

7,450

8,68

2019

11,409

11,86

2029

17,278

16,53

2039

22,799

20,57

2049

28,610

24,88

2059

31,506

27,01

2069

31,685

27,11

                                                                    Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021

Các số liệu ở Bảng 1 có thể nhận thấy hai thời kỳ già hóa dân số. Thời kỳ từ năm 1979 đến 2019, tỷ lệ dân số già hóa ở mức thấp từ 3.710.000 người năm 1979 tăng lên 11.409.000 người vào năm 2019; thời kỳ thứ hai từ năm 2039 đến năm 2069, tính khách quan của dự báo ở thời kỳ này chính là dựa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiến bộ ngày càng cao của y học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đây là những căn cứ, cơ sở để có thể đảm bảo tính chủ quan và khách quan trong dự báo thực trạng dân số già và già tăng cao ở nước ta trong giai đoạn 2039-2069.

Nếu dự báo nêu trên chính xác thì Việt Nam là một trong những nước nằm ở tốp đầu

thế giới về tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo đó thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang “già” ở Việt Nam chỉ có 23 năm, nằm trong tốp các nước có tỷ lệ tăng chỉ số dân số già cao nhất thế giới (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam). Trong khi đó, nước Pháp và Thụy Điển là các quốc gia có tốc độ già hóa dân số chậm nhất, với 115 năm và 85 năm (Bảng 2)                                             

Bảng 2. Tốc độ già hóa dân số quốc gia theo thời gian của một số nước

Thứ tự

Quốc gia

Thời gian

Số năm

1

Pháp

1865 - 1980

115

2

Thụy Điển

1890 - 1975

85

3

Canada

1944 - 2009

45

4

Nhật Bản

1970 - 1996

26

5

Trung Quốc

2000 - 2026

26

6

Thái Lan

2003 - 2025

22

                                                                            Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021

Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi nước ta hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa... tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao và tất yếu tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện vốn chưa được giải quyết dứt điểm. Những vấn đề này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để đối phó với việc dân số già hóa nhanh hơn dự báo.

3. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách đối với dân số già hiện nay ở Việt Nam tầm nhìn đến năm 2069

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đang còn tồn tại 2 vấn đề về dân số, vừa trong giai đoạn dân số vàng, vừa trong thời kỳ của quá trình già hóa dân số. Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để Nhà nước có những chính sách hợp lý nhằm kéo dài thời kỳ dân số vàng và ứng phó với những biến động khó lường về xu hướng già hóa dân số. Có thể nêu lên một số chính sách chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội VIII của Đảng về chính sách dân số trong tình hình mới và kết luận số 58-KL/TW ngày 23/06/2023 của Ban Bí Thư về Tổ chức và hoạt động của Hội người cao tuổi, quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, nhất là Nghị quyết XIII của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số già và người cao tuổi.

Thứ hai, về chính sách pháp luật: Cần sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Người cao tuổi (Luật số 39/2009/QH12 của Quốc hội). Bổ sung và nâng tuổi từ 60 lên 65 tuổi đối với người cao tuổi, nhằm phù hợp với các quy định khác của Nhà nước về độ tuổi của người lao động, phù hợp sự tiến bộ của y học và sức khỏe người Việt Nam hiện nay. Tiếp tục rà soátt, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật phù hợp với chất lượng dân số tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tốc độ già hóa dân số.

Thứ ba, về chính sách tài chính: Cần tăng cường quản lý nhà nước đối với chính sách tài chính, bổ sung các nguồn lực tài chính, đầu tư nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật, nhất là chính sách bảo đảm an sinh cho người cao tuổi. Theo Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030, cần khuyến khích người cao tuổi tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; quan tâm chỉ đạo xây dựng, quản lý quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật. Các chính sách nói chung và chính sách tài chính nói riêng thể hiện sự quyết tâm cao của Nhà nước trong mục đích khuyến khích người cao tuổi có quyền được hưởng mức sống tối thiểu và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thứ tư, sửa đổi bổ sung chính sách trợ giúp xã hội. Cần mở rộng hơn nữa đối tượng được bảo trợ xã hội, nhất là đối với người cao tuổi. Hạ mức tuổi từ 80 xuống 75 tuổi được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng và nâng mức trợ cấp từ 270.000 đồng lên 500.000 đồng người/tháng giai đoạn 2025-2035. Tiến tới giảm mức tuổi xuống 70 được hưởng mức trợ cấp 1.000.000 đồng/người/tháng giai đoạn 2036-2069. Thống nhất quy định người cao tuổi từ 65 trở lên được phục vụ miễn phí khi tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng. Tránh tình trạng trong một nước thực hiện khác nhau về trợ giúp này cho người cao tuổi. Ví dụ: Thành phố Hà Nội trợ giúp cho người từ 60 tuổi trở lên miễn phí khi tham gia giao thông công cộng, trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh lại quy định độ tuổi là 70. Thực tiễn những năm qua cho thấy tác động của chính sách, chương trình trợ giúp xã hội thường xuyên cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế mức trợ cấp hiện nay thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi (bằng khoảng 18% mức lương cơ sở, tương đương khoảng 4,2% GDP bình quân đầu người), kinh phí trợ giúp và độ bao phủ thấp chưa tương xứng với một nước thu nhập trung bình, trong khi trợ giúp cho người cao tuổi trên 80 tuổi ở Việt Nam (trước đây) là chương trình trợ giúp xã hội thường xuyên lớn nhất thì tổng chi cho chương trình này mới chỉ đạt 0,09% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Thứ năm, Nhà nước cần ban hành và tổ chức chỉ đạo các dịch vụ cung cấp hỗ trợ và cải thiện dịch vụ cho người già, mở rộng mạng lưới các trung tâm dưỡng lão; có cơ chế giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã/phường trực tiếp tổ chức triển khai chương trình thực hiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, kiểm tra giám sát hoạt động của các trung tâm dưỡng lão trên địa bàn; huy động và khuyến khích hỗ trợ các nhân viên chăm sóc người cao tuổi và thúc đẩy chương trình chuyển đổi số cho người cao tuổi; hướng dẫn cho người cao tuổi làm quen với các giao diện điện thoại thông minh, thông hiểu cách hoạt động của các ứng dụng để phù hợp với cuộc sống hàng ngày, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người già trong các trung tâm dưỡng lão giữa địa phương với người già.

Thứ sáu, Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế: Với chức năng định hướng phát triển trong quản lý nhà nước về kinh tế, Nhà nước cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa chính sách khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giảm thiểu thất nghiệp, góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc độ tuổi già; đổi mới trong xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút hiệu quả nguồn lực lao động trong độ tuổi nghỉ hưu; thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và người cao tuổi, nhìn nhận người cao tuổi không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội; chuyển hướng tiếp cận trong nghiên cứu gắn với việc giúp tuổi già vui vẻ và hạnh phúc; chấm dứt sự phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm bảo đảm hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi.

4. Kết luận

Già hóa dân số gây ra hậu quả cơ bản là thiếu lao động bổ sung cho tương lai, dẫn đến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi ở nước ta hiện nay. Nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi hưu nên nhà nước và xã hội cần trao cơ hội hoạt động kinh tế phù hợp cho người cao tuổi. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ và khuyến khích cho người già tham gia cũng như hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước, phát huy vai trò, hiệu quả thực hiện chính sách đối với thực trạng dân số già ở nước ta.                                

TÀI  LIỆU  THAM  KHẢO:

1. Học viện Hành chính Quốc gia (2002). Thuật ngữ hành chính, Nhà xuất bản Sự thật, tr 33.

2. Cao Thị Thanh Thảo (2022). Dân số già là gì? Nguyên nhân già hóa, lão hóa dân số. Trang TTĐT: Luật Dương Gia, truy cập tại https://luatduonggia.vn/dan-so-gia-la-gi-nguyen-nhan-gia-hoa-dan-so-lao-hoa-dan-so

3. Mai Hồ (2022. Dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Báo Sức khỏe và Đời sống.

4. Hà Thị Đoan Trang (2021), Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

5. Nguyễn Văn Phái (2022), Già hóa dân số, một vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm. Báo Kinh tế - Đô thị.

6. Ban Bí Thư (2023). Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23/06/2023 về tổ chức hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Discussing the policy responding addressing population issue in Vietnam

 Ph.D student, Master. Le Ba Khanh Trinh

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

Specialist, Department of Urban Management, District 7, Ho Chi Minh City

Abstract:

The aging population is an objective necessity, and it causes many consequences and impacts on the policies of each country in general and Vietnam in particular. This paper discusses the aging population, the current situation, and policies addressing this issue. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Vietnam solve this issue by 2069 to effectively exploit the human resources of the elderly and limit the aging population’s consequences.

Keywords: policy, aging population, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương