Lý luận về giá thị trường trong những năm đầu Đổi mới

Trong các vấn đề lý luận trên, gai góc nhất là giá thị trường.
giá thị trường
Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Hà Nội đầu năm 1990. (Ảnh: TTXVN)

Cách vận hành của nền kinh tế hiện vật

Giá thị trường không được đặt ra trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa. Xét về bản chất, kinh tế kế hoạch hoá là một nền kinh tế hiện vật. Xét về cách thức quản lý, toàn bộ nền kinh tế quốc dân được cân đối bằng hiện vật thông qua các chỉ tiêu pháp lệnh, năm nay, năm tới sẽ sản xuất xxx mét vải, xxx tấn phân bón, xxx máy cắt gọt kim loại…

Xét trên cơ chế vận hành, các hoạt động sản xuất và phân phối tiêu dùng chủ yếu là trao đổi hiện vật. Về sản xuất, xí nghiệp quốc doanh nhận vật tư của Nhà nước, sản xuất rồi bán cho thương nghiệp theo chế độ “thu quốc doanh”. Về phân phối tiêu dùng, cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, nhân dân khu vực thành thị… nhận tem, phiếu, sổ mua gạo, thực phẩm, vải may quần áo, đồ dùng gia đình.

Do đó, giá thị trường không được đặt ra trong nền kinh tế hiện vật. Với nền kinh tế hiện vật, tiền chưa thật là tiền. Vì tiền - theo đúng chức năng - được dùng làm môi giới trong quá trình trao đổi hàng hóa. Nhưng, ví dụ một xí nghiệp có tiền cũng chưa đủ điều kiện để mua hàng hóa (như vật tư chẳng hạn). Để được mua vật tư, bên cạnh tiền, xí nghiệp phải được giao chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất những mặt hàng nhất định, phải có kế hoạch sản xuất được các cấp quản lý duyệt, sau đó mới được mua vật tư với số lượng và chủng loại tương đương với kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt.

Đồng thời, về cơ bản, hàng cũng chưa thật là hàng. Một trong những thuộc tính của hàng hóa là giá trị, nhưng với xí nghiệp quốc doanh, cả giá mua vật tư cung cấp và giá bán sản phẩm theo chế độ “thu quốc doanh” đều không được đo bằng lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó, mà do Nhà nước quy định.

Có thể nói, trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa với nền kinh tế hiện vật, giá trị của hàng hóa gần như không được nhìn nhận theo đúng ý nghĩa của nó; tùy theo ý định khuyến khích hay hạn chế của Nhà nước, hàng có thể được định giá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực, và ít có mối liên quan đến giá thị trường trên thị trường tự do.

Tiến dần đến giá thị trường

Bởi vậy, để đi đến thống nhất tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa VI, tháng 3/1989: Giá cả trong nước không thể tách rời giá thị trường quốc tế. Nhà nước không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt giá mà sử dụng các chính sách biện pháp kinh tế là cả một chặng đường dài, cụ thể:

- Năm 1987 đã điều chỉnh từng bước giá bán một số vật tư chiến lược như xăng, than, điện, sắt, xi măng, bông xơ… lên dần dần, phù hợp với sức chịu đựng của các tổ chức kinh tế quốc doanh, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 2, Khóa VI: “Không giữ mức giá mua, bán thấp như hiện nay, nhưng phải điều chỉnh từng bước, tránh gây đột biến tới các loại giá khác và làm tăng đột ngột khối lượng tiền trong lưu thông”.

- Từ năm 1988, thực hiện bán vật tư cho xí nghiệp quốc doanh theo 2 mức giá: Giá bán cung cấp theo hướng điều chỉnh tăng dần cho các xí nghiệp theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước và giá bán theo sự thỏa thuận với các xí nghiệp.

- Năm 1989, xóa bỏ hầu hết chế độ bán cung ứng cho xí nghiệp quốc doanh; từ quý II/1989, bãi bỏ chế độ phân phối tem phiếu sau 3 năm 1986, 1987, 1988, thu hẹp từng phần danh mục hàng hóa cung cấp theo định lượng.

Trong 10 năm 1986 - 1995, con đường Đổi mới cơ chế quản lý ngày càng mở rộng. Từ quyền tự chủ của tổ chức kinh tế quốc doanh tới quyền sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế khác; từ xóa bỏ chế độ bao cấp, đến xóa bỏ hệ thống định giá của Nhà nước, để hàng hóa trao đổi trên thị trường sát với giá thị trường hơn nhằm thu hút mọi nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh.

Ngày nay, nhìn lại những bước đi Đổi mới này thấy rất bình thường, nhưng ở thời điểm đó,  đưa trao đổi hàng hoá tiến dần đến giá thị trường hơn thực sự là những bước tiến hết sức quan trọng trong chống lạm phát, giảm bội chi ngân sách, mở đường cho sản xuất lưu thông phát triển, đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Trong mỗi bước tiến đó, có sự tham mưu, tổ chức thực hiện của các Bộ quản lý ngành Công Thương.

Đào Mạnh Đức