Năng lượng tái tạo - Hướng đi mới của NARIME

Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết kế chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời.

Với năng lực trong thiết kế và chế tạo, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã thắng thầu và đang thực hiện gói thầu “Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo” với công suất 47,5 MW cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi.

Khai thác năng lượng tái tạo đang là xu hướng chung để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt, và hơn thế nữa, nó giúp hạn chế sự biến đổi khí hậu. Các dự án điện mặt trời trên mặt đất có ưu điểm là chi phí đầu tư thiết bị không lớn, chi phí bảo dưỡng đơn giản hơn nhưng lại có nhược điểm là chiếm diện tích lớn, phải đền bù và giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trong vùng dự án.

narime
Lãnh đạo Viện ký Hợp đồng với Chủ đầu tư

 

Đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước đã khắc phục được các nhược điểm này nhưng lại có chi phí đầu tư thiết bị ban đầu cao hơn. Với ưu điểm này, các dự án điện mặt trời nổi đang được ưu tiên phát triển. Các hồ Thủy điện đáp ứng được các tiêu chuẩn để thực hiện các dự án điện mặt trời trên mặt nước chủ yếu được phân bổ trên các hồ thủy điện phía Nam như Đa Mi, Dầu Tiếng, Trị An, Sê San 4,… và ven các đảo như Côn Đảo, Lý Sơn, Bạch Long Vỹ.

Đối với các dự án điện mặt trời nổi, hệ thống phao nổi đỡ các tấm pin và hệ thống phụ trợ chiếm tỷ trọng khoảng 40% giá trị thiết bị dự án. Hệ thống phao nổi này trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đứng trước nhu cầu và cơ hội như vậy, việc nghiên cứu, đầu tư và hợp tác để sản xuất các hệ thống phao nổi, neo phục vụ các nhà máy điện mặt trời là vô cùng cấp thiết.

narime
Nhà máy sản xuất phao nổi của Viện

 

Đón đầu nhu cầu về thiết bị cung cấp cho các dự án điện mặt trời trong nước, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết kế chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời. Viện đã tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát các nhà máy điện mặt trời được đầu tư tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp nhằm tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước. Với năng lực đó, Viện đã trúng thầu để thực hiện gói thầu “Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo” với công suất 47,5 MW cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi.

narime
Đưa các Block phao và pin ra hồ thủy điện Đa Mi

 

Sau hơn 6 tháng tổ chức thực hiện, bước đầu, Viện đã hoàn thành đầu tư 01 nhà máy sản xuất phao nổi và neo tại Đa Mi với công suất khoảng 200 MW/năm. Hiện nay, sản phẩm đã hoàn thành, được kiểm nghiệm và đưa vào lắp đặt, hạ thủy thành công đạt 25 MWp tại hồ thủy điện Đa Mi đạt khoảng hơn 50% khối lượng công việc của Hợp đồng. Dự kiến dự án sẽ đưa vào vận hành đúng tiến độ trước tháng 06 năm 2019.  

Từ thành công ban đầu của dự án, đồng thời phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng của các dự án điện mặt trời, có thể khẳng định hướng đi đúng đắn của Viện Nghiên cứu Cơ khí trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, kết hợp các thành quả nghiên cứu của nước ngoài cùng với nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng của các đơn vị trong nước để tạo ra được một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Kết quả của dự án không những mang lại công ăn việc làm cho CBCNV của Viện mà còn mở ra một hướng đi mới trong tương lai, giúp Viện phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tế theo các định hướng kinh tế xã hội lớn của đất nước.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3%. Trong đó, dự án điện mặt trời thường được phân ra 03 loại chính, một là dự án điện mặt trời trên đất, hai là dự án điện mặt trời trên mặt nước, ba là dự án điện mặt trời cho các hộ tiêu thu tư.

Hưng Nguyên