Ngân hàng VPBank (VPB) và SMBC vừa hoàn tất thương vụ bán vốn trị giá 1,5 tỷ USD

Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) cho biết đã hoàn tất giao dịch bán 15% vốn cổ phần cho đối tác chiến lược Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation với giá 1,5 tỷ USD.
Ngân hàng VPBank
Sau khi thương vụ được hoàn tất, tổng vốn chủ sở hữu của Ngân hàng VPBank sẽ đạt khoảng 140.000 tỷ đồng với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên gần 19% - cao hàng đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.

Trong ngày 20/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản. Qua đó, SMBC chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng VPBank.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Ngân hàng VPBank đã đạt được thoả thuận phát hành riêng lẻ hơn 1,19 tỷ cổ phiếu VPB cho SMBC; qua đó, thu về 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) vốn cấp 1. Toàn bộ số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay.

Ngân hàng VPBank cho biết SMBC đã đặt cọc 10% giá trị thương vụ ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và khoảng 90% giá trị còn lại sẽ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của ngân hàng ngay sau khi giao dịch hoàn tất.

Như vây, tổng vốn chủ sở hữu của Ngân hàng VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng này, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19% - dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá.

Được biết, thỏa thuận chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC nằm trong kế hoạch tăng vốn được Ngân hàng VPBank triển khai từ năm 2022 nhằm củng cố năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2026.

Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VPBank cho biết, từ khi ý tưởng hình thành và trở thành hiện thực là một chặng đường dài đầy thách thức. Hơn hai năm qua, nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đã đối mặt với nhiều thách thức, từ đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, biến động địa chính trị… nhưng Ngân hàng VPBank lẫn SMBC vẫn quyết tâm thực hiện thành công thương vụ lần này.

Cổ phiếu VPB Ngân hàng VPBank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinhomes (VHM): Huy động thành công 5.000 tỷ đồng qua trái phiếu, lãi suất 12%/năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Sau thương vụ này, nền tảng vốn lớn được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh tài chính cho Ngân hàng VPBank để mở rộng hoạt động kinh doanh tại các phân khúc khách hàng chiến lược hiện nay như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cũng như mở rộng sang tệp doanh nghiệp quy mô lớn.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Nhật Bản và trên thế giới trong 4 thế kỷ qua, việc hợp tác với SMBC được kỳ vọng sẽ giúp Ngân hàng VPBank nâng cao hiệu quả quản trị cũng như tiếp cận được mạng lưới khách hàng hiện tại trên toàn cầu của SMBC.

Về phía SMBC, đại diện ngân hàng này cho biết, thông qua một ngân hàng bản địa như Ngân hàng VPBank, SMBC sẽ gia tăng sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững mà tập đoàn đang có sự quan tâm.

Ngân hàng VPBank và SMBC cùng cho biết sẽ hướng tới việc hợp tác lâu dài, tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng mới nhằm duy trì sự phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển của nền tài chính của cả hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 20/10, cổ phiếu VPB đạt 21.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm nay.

Lan Anh