Ngành Công Thương non trẻ trong buổi đầu lập quốc

Ngành Công Thương non trẻ của buổi đầu lập quốc đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách để “Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Phiên họp đầu tiên
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một kỷ nguyên mới được mở ra, nhưng di tàn của chế độ thực dân để lại rất nặng nề.

Vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm sáu vấn đề. Trong đó, vấn đề đầu tiên là giải quyết nạn đói.

Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập khi được ăn no, mặc đủ”; ngành Công Thương non trẻ của buổi đầu lập quốc đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách để “Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Toàn bộ chính sách của ngành Công Thương lúc này đều hướng tới phát huy cao độ lòng yêu nước của mọi giới, mọi ngành; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đem tài lực, vật lực ra làm những việc ích nước, lợi nhà.

Hai ngày sau khi họp Hội đồng Chính phủ, ngày 5/9/1945, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 07 cho tự do lưu thông thóc gạo, đồng thời nghiêm trị những người “tích trữ thóc gạo, mưu sự đầu cơ, xét ra có phương hại đến nền kinh tế”.

Tiếp đó, ngày 15/11/1945 Bộ Quốc dân Kinh tế đã ban hành Nghị định số 41 - BKT quy định một số biện pháp để khuyến khích tận dụng đất đai trồng màu cứu đói.

Cụ thể, tất cả những người có ruộng đất phải khai báo với chính quyền địa phương về diện tích canh tác. Ngoài số diện tích đó, phần nào chưa canh tác thì buộc phải cho người thiếu ruộng mượn tạm trong một vụ để trồng màu.

Người mướn ruộng phải đảm bảo canh tác hết diện tích đó trước Tết âm lịch, tức ngày 2/2/1946 và đến tháng 4/1946, thu hoạch xong thì phải trả lại ngay cho chủ cũ.

Vì trâu bò bị chết nhiều qua nạn đói và nạn lụt (chỉ riêng trong nạn đói đầu năm 1945, 30 vạn con trâu bò đã bị chết, bằng 2/3 tổng số trâu bò cày kéo thời gian đó) nên sức kéo khan hiếm nghiêm trọng.

Để khắc phục khó khăn này, Bộ Quốc dân Kinh tế yêu cầu các địa phương phải tổ chức sản xuất các loại nông cụ nhỏ và nhẹ để có thể sử dụng sức người thay cho sức trâu bò.

Bộ Quốc dân Kinh tế cũng trực tiếp động viên các nhà kỹ nghệ cấp tốc sản xuất thêm nông cụ và bán ủng hộ cho nông dân (bán không lấy lãi, có trường hợp không tính công sản xuất, chỉ tính chi phí nguyên liệu); hủy bỏ những quy định cũ của Pháp, Nhật về việc cấm buôn bán trâu, bò trong nội địa, cho tự do buôn bán, vận chuyển trâu, bò trong cả nước.

Những chính sách đó đã trực tiếp đưa thóc gạo cùng các mặt hàng phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân được tự do lưu thông từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi lên miền ngược; bãi bỏ mọi luật lệ hạn chế quyền tự do kinh doanh của chính quyền Pháp ban hành. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nền kinh tế quốc dân đã thay đổi rõ rệt. Nạn đói được đẩy lùi - một kỳ tích của Chính phủ chưa đầy một năm tuổi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã viết trong lễ kỷ niệm 1 năm ngày Độc lập, ngày 2/9/1946: “ Cuộc Cách mạng đã chiến thắng được giặc đói, thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”.

Triệu Phong