Nghiên cứu các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam

TRẦN VĂN TRANG (Trưởng Bộ môn Quản trị tác nghiệp kinh doanh - Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Dựa trên việc khảo sát đối với 36 chuyên gia về khởi nghiệp, bài báo đánh giá 3 nhóm hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh đi theo quá trình khởi nghiệp bao gồm các hoạt động đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp; các hỗ trợ tài chính và các hoạt động hậu cần khởi nghiệp. Kết quả cho thấy các điểm yếu nhất của hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp lần lượt là giáo dục về khởi nghiệp ở bậc phổ thông; giáo dục khởi nghiệp ở bậc đại học; các hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Điểm được đánh giá cao của hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp là các yếu tố cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp. Dựa trên các kết quả nghiên cứu này, một số khuyến nghị đã được nêu trong bài báo nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Từ khóa: Hỗ trợ khởi sự kinh doanh, đào tạo khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ hậu cần khởi nghiệp, Việt Nam.

1. Mở đầu

Hỗ trợ khởi sự kinh doanh luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của các dự án khởi sự kinh doanh. Những nước có các hoạt động khởi nghiệp năng động nhất là những nước có hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp từ sớm và rất phát triển (Cuzin & Fayolle, 2006).

Thuật ngữ hỗ trợ khởi sự kinh doanh có thể được hiểu ở hai mức độ rộng và hẹp. Theo nghĩa hẹp, hỗ trợ khởi sự kinh doanh đề cập tới sự trợ giúp trực tiếp của người hay tổ chức cố vấn/đỡ đầu đối với người khởi nghiệp. Theo cách hiểu này, Levy-Tadjine (2004, p.266-272) cho rằng hỗ trợ khởi nghiệp được hiểu là một quá trình trợ giúp/giúp đỡ cá nhân hoặc nhóm cá nhân có dự án khởi sự kinh doanh, quá trình này bao gồm 3 giai đoạn: tiếp xúc ban đầu, hỗ trợ triển khai dự án khởi sự kinh doanh và theo dõi sau khi doanh nghiệp được thành lập. Lý tưởng nhất là sự hỗ trợ này bắt đầu từ khi cá nhân có ý tưởng kinh doanh và họ được hỗ trợ để cụ thể hóa ý tưởng thành dự án khởi sự và tiếp theo là thành lập doanh nghiệp mới trong thực tế, trở thành người chủ doanh nghiệp độc lập. Theo nghĩa rộng, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp đề cập tới một hệ thống các trợ giúp khác nhau dành cho người khởi nghiệp đến từ môi trường kinh doanh và khởi nghiệp của họ. Hệ thống các trợ giúp khởi nghiệp này có thể đến từ nhiều tổ chức/đơn vị khác nhau (trung ương/địa phương; tổ chức công/tư), với các hoạt động hỗ trợ khác nhau (hỗ trợ nhận thức, đào tạo, tài chính, hậu cần khởi nghiệp,…) đi theo quá trình từ hình thành ý tưởng kinh doanh tới thành lập và làm chủ doanh nghiệp trong thực tế (Albert & Gaynor, 2001).

Nghiên cứu này đề cập tới hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh theo nghĩa rộng nêu trên. Các nghiên cứu về hỗ trợ khởi nghiệp đã được thực hiện từ những năm 1990 ở các nước phương Tây (Albert và cộng sự, 1994). Các nghiên cứu về chủ đề này xoanh quanh 3 vấn đề chính là các hoạt động hỗ trợ (từ đào tạo, tư vấn, tới hỗ trợ tài chính, hậu cần khởi nghiệp), nhu cầu hỗ trợ của người khởi nghiệp (từ tìm kiếm ý tưởng kinh doanh tới thành lập doanh nghiệp) và các phương pháp, cách thức hỗ trợ để thành công (Trần Văn Trang, 2019). Ở Việt Nam, các nghiên cứu về hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh vẫn còn là chủ đề khá mới mẻ. Rất ít nghiên cứu đề cập một cách đầy đủ tới các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Các nghiên cứu về chỉ số khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Lương Minh Huân, 2015, 2018; Vũ Tiến Lộc, 2016) chỉ đề cập tới bức tranh khái quát về các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong khi từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã thúc đẩy để ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, đề án hỗ trợ khởi sự kinh doanh như Nghị quyết 35 của Chính phủ; đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ 1/1/2018; đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Vì vậy, rất cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá về các hoạt động hỗ trợ khởi sự trong thực tế.

Từ các khoảng trống lý thuyết và nhu cầu thực tiễn nêu trên, nghiên cứu này mong muốn đóng góp vào việc đánh giá các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh, từ đó đề xuất các khuyến nghị để các bên liên quan thực thi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả hơn trong thực tế.

Bài báo được kết cấu như sau. Sau phần mở đầu, mục 2 đề cập tới cơ sở lý luận về các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh bao gồm các hoạt động giáo dục, đào tạo; các hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ hậu cần khởi nghiệp. Mục 3 trình bày phương pháp nghiên cứu với khảo sát 36 chuyên gia về khởi nghiệp. Mục 4 trình bày kết quả nghiên cứu với các đánh giá theo từng hoạt động hỗ trợ. Cuối cùng là các kết luận và khuyến nghị chính sách từ kết quả nghiên cứu.

2. Các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp có thể rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp với thực tế rất đa dạng của hoạt động khởi nghiệp. Tùy theo tiêu chí phân loại mà có thể chia các hoạt động này thành nhiều nhóm khác nhau. Chẳng hạn, theo loại hình khởi nghiệp có thể chia hỗ trợ thành 3 loại là hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới, hỗ trợ mua lại doanh nghiệp hoặc hỗ trợ khởi nghiệp nhượng quyền. Theo lĩnh vực khởi nghiệp, có thể chia hỗ trợ thành hỗ trợ khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu (thoát nghèo); hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển các hoạt động thủ công/làng nghề truyền thống. Theo tổ chức hỗ trợ, có thể chia thành hỗ trợ từ tổ chức công, tổ chức tư hoặc các tổ chức hỗn hợp, tổ chức trung ương/địa phương,… Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi chọn cách tiếp cận các hoạt động hỗ trợ đi theo quá trình khởi nghiệp. Theo nghiên cứu GEM toàn cầu (GERA, 2018; Reynolds & cộng sự, 2003), quá trình khởi nghiệp của một cá nhân sẽ đi theo 3 giai đoạn cơ bản là hình thành ý định khởi sự kinh doanh (giai đoạn 1), khởi sự kinh doanh (giai đoạn 2) và quản lý và sở hữu doanh nghiệp mới (giai đoạn 3). Đi theo 3 giai đoạn này, có 3 hoạt động hỗ trợ chính là giáo dục, đào tạo về khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tài chính và hỗ trợ hầu cần khởi sự kinh doanh (Albert & Gaynor, 2001).

2.1. Các hoạt động giáo dục, đào tạo về khởi sự kinh doanh

Hoạt động giáo dục, đào tạo về khởi sự kinh doanh gắn với giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp. Các cá nhân cần được tiếp cận với các thông tin về khởi nghiệp và hiểu rằng khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Nếu có mối quan tâm, họ cần được đào tạo để hình thành thái độ đúng đắn, có được kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp và được tư vấn để thực hiện thành công những bước đầu tiên trong việc khởi sự kinh doanh. Các hoạt động giáo dục, đào tạo khởi sự kinh doanh có thể bao gồm:

- Đào tạo nhận thức về khởi nghiệp: Hoạt động đào tạo này nhằm xây dựng cho người học những thái độ và giá trị tích cực về kinh doanh, khởi nghiệp và chứng tỏ là khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp có thể và khả thi. Hoạt động đào tạo này nên được thực hiện với công chúng rộng rãi và có thể bắt đầu từ rất sớm, tức là thực hiện đào tạo về giá trị và tinh thần kinh doanh ngay từ bậc phổ thông (Frugier & Verzat, 2005). Các hoạt động đào tạo nhận thức có thể tiếp tục thực hiện ở bậc đại học bằng các khóa học ngắn, các sự kiện thu hút sự quan tâm của sinh viên như các cuộc thi khởi nghiệp, các buổi nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp, các hoạt động ngoại khóa gắn với chủ đề khởi nghiệp;

- Đào tạo chuyên sâu/đào tạo nghề về khởi nghiệp: Mức độ thứ hai là đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp, hoạt động đào tạo này có thể được thực hiện thông qua các khóa học ngắn hạn hoặc dài hạn và nhắm tới những người thể hiện mối quan tâm tới lựa chọn khởi nghiệp. Mục tiêu là cung cấp cho họ các kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để khởi nghiệp. Đào tạo khởi nghiệp giúp những người đã có ý tưởng hoặc dự án kinh doanh có cái nhìn thực tế và biết cách phân tích sâu sắc hơn dự án của họ và khuyến khích họ dấn thân sâu hơn, chuyển từ ý định sang hành động khởi nghiệp thực tế. Đương nhiên là những người theo học các khóa đào tạo chuyên sâu này vẫn cần tiếp tục được củng cố về thái độ và giá trị. Các khóa học này cũng có mục tiêu là phát triển các năng lực và tài năng khởi nghiệp.

- Hoạt động tư vấn, huấn luyện: Các hoạt động này hướng tới nhóm đối tượng hẹp hơn, những cá nhân đã có ý tưởng rõ ràng hoặc dự án khởi sự kinh doanh. Bằng việc cung cấp cho họ những lời khuyên, những tư vấn và huấn luyện cụ thể, mục tiêu của các hoạt động này là xác đinh các dự án khởi nghiệp tiềm năng, giúp cụ thể hóa các dự án này, hỗ trợ chuyển đổi từ ý định sang hành động và tạo cơ hội tối đa cho các dự án khởi nghiệp này có thể thành công trong thực tế. Frugier &Verzat (2005) đã chỉ ra quá trình tư vấn huấn luyện các cá nhân/nhóm dự án khởi sự với ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu với các cá nhân đã có ý tưởng kinh doanh nhưng chưa hình thành dự án và mục tiêu là huấn luyện họ để biến ý tưởng thành dự án cụ thể. Giai đoạn 2 là làm việc đối với các cá nhân đã có dự án, nội dung huấn luyện lúc này là về tính khả thi của dự án để lên một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh và biến dự án thành việc khởi sự doanh nghiệp thực sự trong thực tế. Giai đoạn 3 là tiếp tục theo dõi và hỗ trợ người chủ dự án trong giai đoạn đầu điều hành hoạt động kinh doanh mới. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm từ sau khi doanh nghiệp chính thức được thành lập.

2.2. Các hỗ trợ tài chính

Tài chính được coi là một mắt xích trọng yếu trong hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp. Thực tế cho thấy là việc huy động tài chính khởi nghiệp là một công việc khó khăn nhất của bất kỳ doanh nhân tiềm năng nào. Các nguồn tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp có thể liệt kê dưới đây:

Các nguồn tài trợ “gần”: Các nguồn tài chính hỗ trợ khởi nghiệp được coi là “gần” đến từ gia đình, bạn bè và các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, nguồn tài chính ban đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp thường là nguồn tài chính cá nhân (tiết kiệm) của người chủ, bởi vì rất khó khăn để đạt được các khoản vay đối với các dự án khởi nghiệp. Hơn nữa, những người trẻ thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được một khoản cho vay tài trợ cho hoạt động khởi sự của họ vì quy mô khởi nghiệp nhỏ, vì thiếu phương tiện (đảm bảo) và kinh nghiệm. Các ngân hàng thường không thể đưa ra đánh giá về việc tài trợ cho việc khởi sự doanh nghiệp mới, do dự án mới và người khởi nghiệp mới (trẻ), họ chưa có tương tác và thông tin gì trước đó để đánh giá. Và do đó, ngân hàng thường rất thận trọng với các khoản vay khởi nghiệp. Ngân hàng sẽ có xu hướng cho vay nhiều hơn đối với các doanh nghiệp đã thành đạt hoặc các dự án khởi nghiệp đã chứng minh được rõ tiềm năng (khởi nghiệp sáng tạo).

Các hỗ trợ từ Chính phủ cho tài chính khởi nghiệp: Để đối mặt với vấn đề tài chính khởi nghiệp nêu trên, các Chính phủ muốn khuyến khích khởi nghiệp cần can thiệp để tạo các cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nhân khởi nghiệp. Chính phủ có thể khuyến khích việc hình thành các quỹ trực tiếp hỗ trợ khởi nghiệp hoặc các cơ chế tài trợ tài chính cho khởi sự và hoạt động của doanh nghiệp mới. Các can thiệp của Chính phủ có thể cụ thể dưới hình thức cấp tín dụng cho doanh nghiệp mới với lãi suất ưu đãi, các quỹ mồi hoặc ươm mầm khởi nghiệp, các quỹ đảm bảo tín dụng hoặc các quy định thuận lợi về thủ tục để thực hiện các khoản vay khởi nghiệp,…

Các nguồn tài trợ từ khu vực tư: Hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp từ khu vực tư nhân có thể bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ hay nhóm đầu tư. Các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể bao gồm từ các quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập (IVC - Independent Venture Capital) hoặc nhà đầu tư mạo hiểm thuộc các tập đoàn (CVC - Corporate Venture Captital). Các nhà đầu tư trong các quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập thường là những tổ chức như các quỹ từ thiện, quỹ sáng lập, quỹ phụ cấp lương hưu, hay các quỹ của người giàu,… Các nhà đầu tư này rót vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập thường vì mục đích lợi nhuận. Còn các quỹ đầu tư thuộc các tập đoàn thường được hình thành bởi chính các tập đoàn kinh tế trên thế giới; mục đích chủ yếu của quỹ này là bổ sung cho các chương trình nghiên cứu và phát triển R&D của tập đoàn họ. Ví dụ có nhiều công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Mỹ như AT&T, Amgen, Bloomberg, Chevron, eBay, Google, General Electric, General Motors, Intel,… đã tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm cho rất nhiều startups trên thế giới.

Nhà đầu tư thiên thần thường là những doanh nhân đầu tư vào các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp bằng chính tiền của họ. Nhà đầu tư thiên thần phát triển từ những năm 1980 tại Mỹ và ngày nay trở thành một nguồn tài trợ khởi nghiệp khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vốn trong giai đoạn 1 (ươm mầm - seed stage) và giai đoạn 2 (khởi đầu - early stage) trong một chuỗi gồm 4 giai đoạn của khởi nghiệp (startups): (i) ươm mầm hạt giống (seed stage); (ii) giai đoạn đầu (early stage); (iii) mở rộng (expansion stage); (iv) kết thúc (later stage). Ngày nay, các nhà đầu tư thiên thần thường tổ chức thành nhóm nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư của mình. Vì tính chất phi thể chế của các khoản đầu tư này nên thông tin về thị trường của các nhà đầu tư thiên thần thường bị giới hạn. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy hình thức tài chính này đã có những động lực phát triển không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nền kinh tế phát triển và cả những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển.

Nguồn hỗ trợ tài chính khởi nghiệp thứ ba là đến từ nhóm đầu tư (crowdfunding) bao gồm các nhóm cho vay (crowd lending) và các nhóm đầu tư (crowd investing). Các nhóm đầu tư có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc đưa các startups đang có nhu cầu tìm kiếm tài chính và nhà đầu tư tìm kiếm những ý tưởng tốt xích lại gần nhau. Không giống như các nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và các nhà đầu tư mạo hiểm (veture capitalist), các nhà đầu tư nhóm ít bị giới hạn về mặt địa lý, cho phép các nền tảng trực tuyến phát huy hết tính ưu việt.

2.3. Các hỗ trợ hậu cần khởi nghiệp

Các hỗ trợ về hậu cần khởi nghiệp gắn với giai đoạn doanh nhân tương lai bắt đầu khởi sự và tạo lập doanh nghiệp mới. Hỗ trợ về hậu cần khởi nghiệp bao gồm việc hỗ trợ doanh nghiệp mới về địa điểm kinh doanh, các dịch vụ hành chính, các dịch vụ tư vấn quản lý hoặc kết nối mạng lưới kinh doanh trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn, doanh nghiệp mới có thể thuê văn phòng làm việc trong một khu phức hợp, họ dùng chung các dịch vụ hành chính (bảo vệ, người trực điện thoại, thiết bị văn phòng, phòng họp,…) được tư vấn về quản lý và được kết nối với các đối tác kinh doanh khác. Vì vậy, hỗ trợ hậu cần cho các doanh nghiệp mới được biểu trưng bởi hoạt động của các tổ chức ươm tạo gọi là “vườn ươm doanh nghiệp” hoặc là các trung tâm công nghệ cao (Albert và cộng sự, 1994).

Khái niệm vườn ươm doanh nghiệp (incubators) được xuất hiện từ năm 1959 tại Mỹ, ở đó vườn ươm đầu tiên được thành lập tại Batavia, New York. Từ những năm 1980 trở đi, ý tưởng về vườn ươm doanh nghiệp đã phổ biến sang châu Âu và nhiều nơi trên thế giới và đã có hàng nghìn các vườn ươm doanh nghiệp ra đời (Albert et Gaynor, 2001). Cần phân biệt rõ các loại vườn ươm doanh nghiệp. Ở Pháp, khái niệm “incubateur” áp dụng đối với các tổ chức hỗ trợ ở giai đoạn trước khi thành lập doanh nghiệp, tức là ở giai đoạn lập dự án và kế hoạch kinh doanh. Trong khi khái niệm “pépinière” được sử dụng thường xuyên cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp sau khi thành lập (Albert và cộng sự, 2003). Trong khi, ở các nước như Anh và Mỹ, khái niệm “incubators” đề cập tới các tổ chức thực hiện 4 loại hậu cần cơ bản cho doanh nghiệp mới, bao gồm:

- Một không gian làm việc (địa điểm), được thuê với giá ưu đãi.

- Các dịch vụ cơ bản và các trang thiết bị sử dụng chung (thư ký/lễ tân; phòng họp; mạng internet; các thiết bị văn phòng,…).

- Hỗ trợ tư vấn kinh doanh chuyên nghiệp: dịch vụ tư vấn, cố vấn, đào tạo.

- Kết nối với mạng lưới kinh doanh, bên trong/bên ngoài (tài chính, đối tác, nhà cung cấp,…).

Như vậy, một vườn ươm có thể ươm tạo dự án (trước khi thành lập doanh nghiệp) hoặc ươm tạo doanh nghiệp mới (sau khi thành lập doanh nghiệp). Cơ sở ươm tạo là một nơi được thiết kế để đỡ đầu các nhóm khởi nghiệp/doanh nghiệp mới, một mặt cung cấp cho họ chỗ làm việc phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định, cho phép họ sau khi rời đi lại nhường chỗ cho các nhóm/doanh nghiệp mới khác và tham gia các cơ sở/khu công nghiệp. Mặt khác, các vườn ươm cũng cung cấp dịch vụ hành chính (dùng chung) và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ kinh doanh và kết nối mạng lưới kinh doanh (Albert & cộng sự., 2003). Albert & cộng sự (2003) cũng phân biệt 4 loại vườn ươm cơ bản bao gồm vườn ươm để phát triển kinh tế địa phương; vườn ươm của các trường đại học hoặc các trung tâm công nghệ; vườn ươm doanh nghiệp (của các doanh nghiệp lớn) và vườn ươm của các nhà đầu tư tư nhân.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam, chúng tôi sử dụng phương pháp khảo sát các chuyên gia về khởi nghiệp. Nội dung của bảng khảo sát chuyên gia bao gồm 3 nội dung là các hỗ trợ tài chính (8 mục hỏi), các hoạt động giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp (6 mục hỏi) và các hoạt động hậu cần khởi nghiệp (11 mục hỏi). Các mục hỏi này được lấy từ nghiên cứu chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Reynolds & cộng sự, 2003) và mỗi mục hỏi được đánh giá trên thang 9 điểm, từ 1 = “Hoàn toàn sai” đến 9 = “Hoàn toàn đúng”. Các mục hỏi chi tiết được trình bày trong mục 4 “kết quả nghiên cứu”. Các chuyên gia tham gia vào khảo sát được lựa chọn theo sự giới thiệu của Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Có 36 chuyên gia về khởi nghiệp được lựa chọn tham gia vào khảo sát này. Dưới đây là bảng thống kê mô tả về mẫu khảo sát chuyên gia (Bảng 1).

Bảng 1. Thống kê mô tả mẫu khảo sát chuyên gia

Tiêu chí

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1. Tuổi

35-44

15

41.7

 

45-54

12

33.3

 

54-75

9

25.0

2. Giới tính

Nam

15

41.7

Nữ

21

58.3

3. Trình độ học vấn

Đại học

8

22.2

Sau đại học

28

77.8

4. Nghề nghiệp

Doanh nhân

11

30.6

Nhà đầu tư tài chính, ngân hàng

8

22.2

Nhà hoạch định chính sách

17

47.2

Cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh

17

47.2

Giảng viên, nhà nghiên cứu

14

38.9

Tổng mẫu chuyên gia (N)

36

100.0

Các chuyên gia trong mẫu khảo sát có tuổi từ 35 đến 75 tuổi. Tỷ lệ về giới tính khá cân bằng, nam 41,7%, nữ 58,3%. Các chuyên gia có trình độ đại học là 22,2% và sau đại học là 77,8%. Về nghề nghiệp, các chuyên gia được lựa chọn thuộc về 5 lĩnh vực nghề nghiệp chính bao gồm doanh nhân, nhà đầu tư tài chính, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ kinh doanh và giảng viên, nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi chuyên gia khảo sát có thể cùng lúc làm nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy tỷ lệ thống kê trong cột 4, Bảng 1 chỉ xác định tỷ lệ nghề nghiệp này trong tổng 36 chuyên gia.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Về các hoạt động giáo dục và đào tạo khởi nghiệp

Khảo sát chuyên gia đánh giá về hoạt động giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp của Việt Nam được thực hiện với 2 chỉ tiêu là giáo dục khởi nghiệp ở bậc phổ thông và giáo dục khởi nghiệp ở bậc cao đẳng và đại học. Kết quả được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả khảo sát chuyên gia về giáo dục và đào tạo

khởi nghiệp

Mục hỏi

Mẫu

(N)

Giá trị TB

(Mean)

Độ lệch chuẩn

(Std. Deviation)

1. Giáo dục khởi nghiệp bậc phổ thông

Giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở khuyến khích sự sáng tạo, tự tin và tính chủ động.

36

3.8333

1.90488

Giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở hướng dẫn đầy đủ các nguyên tắc kinh tế thị trường.

36

2.5278

1.59438

Giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở tạo sự quan tâm đúng mức đến kinh doanh và việc khởi sự các doanh nghiệp mới.

35

2.4857

1.70417

Giá trị trung bình

35

2.8952

1.42749

2. Giáo dục khởi nghiệp bậc cao đẳng, đại học

Các trường cao đẳng và đại học cung cấp đầy đủ kiến thức chuẩn bị cho việc khởi sự doanh nghiệp mới và phát triển các doanh nghiệp.

36

3.9167

2.04765

Các trường đào tạo về kinh doanh và quản trị hướng dẫn tốt và đầy đủ sự chuẩn bị cho việc khởi sự doanh nghiệp mới và phát triển các doanh nghiệp.

36

4.8056

2.17544

Hệ thống giáo dục dạy nghề, chuyên nghiệp hướng dẫn tốt và đầy đủ sự chuẩn bị cho việc khởi sự doanh nghiệp mới và phát triển các doanh nghiệp.

35

4.3714

1.89559

 

Giá trị trung bình

36

4.3143

1.90792

Về giáo dục khởi nghiệp bậc phổ thông

Giáo dục khởi nghiệp ở bậc phổ thông được đo lường bằng 03 mục hỏi. Theo đó, một nền giáo dục phổ thông khuyến khích sớm tinh thần khởi nghiệp sẽ đề cao sự sáng tạo, tự tin và tính chủ động của học sinh; sớm đề cập tới các nguyên tắc kinh tế thị trường; và tạo sự quan tâm đúng mức tới kinh doanh và khởi nghiệp. Giá trị trung bình đạt được của yếu tố này là 2,89 - chỉ số khá thấp trên thang 9 điểm. Điều này có lẽ phản ánh đúng thực tế khi Việt Nam mới chỉ quan tâm tới giáo dục về khởi nghiệp ở bậc đại học.

Về giáo dục khởi nghiệp bậc cao đẳng, đại học

Giáo dục khởi nghiệp ở bậc cao đẳng, đại học được đo lường bằng 03 mục hỏi. Các mục hỏi đề cập tới việc các trường cao đẳng, đại học nói chung; các trường đào tạo về kinh doanh; và các trường dạy nghề có cung cấp các định hướng và giáo dục cần thiết về khởi nghiệp hay không. Giá trị trung bình đặt được của yếu tố này 4,31 trên thang 9 điểm, trong đó giá trị thấp nhất liên quan tới mục hỏi về nỗ lực của các trường cao đẳng, đại học nói chung (3,91 điểm).

4.2. Về hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp

Kết quả đánh giá về các hỗ trợ tài chính cho khởi sự kinh doanh của Việt Nam được trình bày trong Bảng 3. Các hỗ trợ về tài chính được đánh giá qua 8 mục hỏi khác nhau. Các mục hỏi này đề cập tới khả năng huy động vốn cho kinh doanh và khởi nghiệp từ các nguồn vốn tự có; các nguồn vốn vay; vốn trợ cấp của chính phủ; vốn từ các nhà đầu tư không chính thức; từ các nhà đầu tư thiên thần; từ quỹ đầu tư mạo hiểm; từ phát hành cổ phiếu lần đầu; và từ các quỹ cho vay tư nhân.

Bảng 3. Kết quả khảo sát chuyên gia về hỗ trợ tài chính

cho khởi nghiệp

Mục hỏi

Mẫu

(n)

Giá trị TB

(Mean)

Độ lệch chuẩn

(Std. Deviation)

1.   Các doanh nghiệp mới khởi sự có thể huy động được đủ vốn từ các nguồn tự có

35

4.2286

1.81636

2.   Các doanh nghiệp mới khởi sự có thể huy động được đủ vốn từ các nguồn đi vay

35

4.6571

2.08556

3.   Chính phủ có đủ nguồn vốn trợ cấp cho các doanh nghiệp mới khởi sự

35

2.8000

2.15297

4.   Có sẵn nguồn vốn từ các nhà đầu tư không chính thức

35

4.7143

1.90312

5.   Có sẵn tài trợ từ các nhà đâu tư thiên thần (Business Angels funding)

34

4.0000

1.77525

6.   Có sẵn nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp mới khởi sự

32

4.0938

2.10007

7.   Có sẵn nguồn vốn thông qua IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu)

32

3.3125

2.03894

8.   Có sẵn nguồn vốn từ các quỹ cho vay tư nhân (quỹ cộng đồng) cho các doanh nghiệp mới khởi sự

33

3.9394

2.13511

Chỉ số trung bình của hỗ trợ tài chính

32

3.7875

.94638

Mẫu khảo sát là 36 chuyên gia, tuy nhiên một số mục hỏi bị thiếu câu trả lời. Vì vậy kết quả về cỡ mẫu (n) cho mỗi mục hỏi được thống kê như cột 2, Bảng 1. Điểm trung bình của hỗ trợ tài chính chỉ là 3,78 - giá trị khá thấp trên thang 9 điểm. Trong đó, các chuyên gia đánh giá thấp nhất nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ (2,8 điểm) và khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu lần đầu (3,31 điểm). Các nguồn vốn khác cho khởi nghiệp như vốn vay, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần đều được đánh giá ở mức thấp, xung quanh điểm 4 trên thang 9 điểm.

4.3. Về các hoạt động hậu cần khởi nghiệp

Các nội dung khảo sát chuyên gia về hậu cần khởi nghiệp bao gồm đánh giá về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và về cơ sở hạ tầng khởi nghiệp. 

Về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh

Có 6 mục hỏi đo lường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và khởi nghiệp (Bảng 4). Các mục hỏi này đề cập tới sự sẵn sàng của dịch vụ từ các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà tư vấn, dịch vụ pháp lý, dịch vụ kế toán, dịch vụ ngân hàng, các vườn ươm doanh nghiệp,… mà các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng với chi phí hợp lý. Điểm trung bình của chỉ số này là 4,71 - mức trung bình trên thang điểm 9, trong đó các chuyên gia đánh giá cao nhất là dịch vụ ngân hàng (6,0 điểm).

Bảng 4. Kết quả khảo sát chuyên gia về dịch vụ hỗ trơ

kinh doanh và khởi nghiệp

Mục hỏi

Mẫu

(N)

Giá trị TB

(Mean)

Độ lệch chuẩn

(Std. Deviation)

Có đủ các nhà thầu phụ, các nhà cung cấp và các nhà tư vấn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển.

35

4.8571

2.06002

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển có đủ khả năng chi trả các chi phí sử dụng các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nhà tư vấn.

34

3.7353

1.62012

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển dễ dàng tìm được các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nhà tư vấn tốt.

34

4.2647

1.89591

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển dễ dàng có được các dịch vụ pháp lý và dịch vụ kế toán tốt, chuyên nghiệp.

35

4.8286

2.06491

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển dễ dàng có được các dịch vụ ngân hàng tốt (kiểm tra tài khoản, các giao dịch ngoại hối, thư tín dụng,…).

35

6.0000

2.02920

Công viên khoa học và vườn ươm doanh nghiệp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp mới khởi sự

35

3.9429

1.89338

Giá trị trung bình

34

4.7176

1.60915

Về cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng được đo lường bằng 5 mục hỏi liên quan tới các yếu tố cơ bản như đường, xá, điện, nước, thông tin liên lạc và xử lý chất thải (Bảng 5). Các yếu tố này có hỗ trợ tốt cho khởi sự doanh nghiệp hay không và người khởi nghiệp có được cung cấp các dịch vụ này nhanh chóng với chi phí hợp lý không? Điểm trung bình đạt được của tiêu chí này là 7,07 - giá trị cao nhất trong số các chỉ số về các hoạt động hỗ trợ. Đặc biệt các chuyên gia đánh giá cao hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam với việc cung cấp dịch vụ trong vòng 1 tuần (8,0 điểm) và chi phí hợp lý (7,8 điểm). Như vậy, cơ sở hạ tầng khởi nghiệp và kinh doanh đang là một điểm tích cực của hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam.

Bảng 5. Kết quả khảo sát chuyên gia về cơ sở hạ tầng khởi nghiệp

Mục hỏi

Mẫu

(N)

Giá trị TB

(Mean)

Độ lệch chuẩn

(Std. Deviation)

Cơ sở hạ tầng (đường xá, điện, nước, thông tin liên lạc và xử lý nước thải) hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển.

35

5.6286

2.03044

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển có thể có được hệ thống thông tin liên lạc tốt với chi phí không quá đắt (điện thoại, Internet,…).

35

7.8000

1.30158

Doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển có thể có được hệ thống thông tin liên lạc tốt (điện thoại, Internet,…) trong vòng một tuần.

35

8.0000

1.32842

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển có đủ khả năng thanh toán các chi phí tiện ích cơ bản (khí ga, điện, nước, xử lý nước thải).

33

6.6667

2.24537

Các doanh nghiệp mới khởi sự và doanh nghiệp đang phát triển có thể có được các dịch vụ tiện ích cơ bản (khí ga, điện, nước, xử lý nước thải) trong vòng một tháng.

34

7.2941

1.67927

Giá trị trung bình

34

7.0788

1.29319

5. Các kết luận và khuyến nghị

Dựa trên khảo sát 36 chuyên gia về khởi nghiệp, nghiên cứu này đánh giá các hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh của Việt Nam bao gồm các hoạt động đào tạo khởi sự kinh doanh (bậc phổ thông và đại học), các hỗ trợ tài chính và các hoạt động hậu cần khởi nghiệp. Kết quả chỉ ra là các điểm hạn chế của hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh thuộc về giáo dục đào tạo khởi nghiệp (giáo dục khởi nghiệp bậc phổ thông chỉ đạt 2.89/9 điểm; giáo dục khởi nghiệp bậc đại học đạt 4.31/9 điểm), hỗ trợ về tài chính (đạt 3.78/9 điểm). Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh được đánh giá ở trên mức trung bình (4.71/9 điểm) và kết quả tốt nhất thuộc về các yếu tố cơ sở hạ tầng khởi nghiệp (7.07/9 điểm). Các kết quả chính này được tóm tắt theo Hình 1.

Từ các kết quả trên, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất là tăng cường giáo dục và đào tạo về khởi sự kinh doanh. Cần triển khai các chương trình đào tạo về khởi sự kinh doanh từ bậc phổ thông. Như gợi ý của nghiên cứu chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GERA, 2018), học sinh phổ thông cần được rèn luyện những giá trị và thái độ tích cực về kinh doanh; được khuyến khích sự sáng tạo, tự tin và chủ động; được tiếp cận sớm với các nguyên tắc kinh tế thị trường; và có hiểu biết về khởi nghiệp như một lựa chọn nghề nghiệp. Đối với những người trưởng thành, các hoạt động đào tạo về khởi nghiệp cần được thiết kế phù hợp cho các đối tượng khác nhau, chẳng hạn có thể chia thành 3 đối tượng là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp và các doanh nhân, chủ doanh nghiệp những người mới đăng ký kinh doanh, sở hữu doanh nghiệp mới. Đối với sinh viên của các trường cao đẳng, đại học và hệ thống các trường dạy nghề, ngoài việc tập trung vào cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, các trường cần tăng cường đào tạo nhận thức và cho sinh viên hiểu rằng khởi nghiệp có thể là một lựa chọn nghề nghiệp tốt sau khi tốt nghiệp.

Đối với thanh niên nông thôn, đây là các nhóm khởi nghiệp chủ yếu để tạo ra công ăn việc làm cho chính mình hoặc nâng cao thu nhập; đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho nhóm đối tượng này cần cách tiếp cận đơn giản và gắn với phát triển nông nghiệp, các nghề nghiệp truyền thống hoặc các lợi thế kinh tế của địa phương. Đối với người chủ doanh nghiệp mới, đào tạo nhóm đối tượng này sẽ chủ yếu tập trung vào tăng cường các kiến thức về thị trường; về quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp; về huy động vốn; về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp; về gây dựng mạng lưới quan hệ kinh doanh; về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và hội nhập.

Thứ hai là tăng cường hiệu lực từ của các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp từ Chính phủ. Nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ đang được đánh giá thấp nhất trong các yếu tố tài chính hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là điều Chính phủ Việt Nam cần tích cực cải thiện để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Có thể liệt kê một số cơ chế hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho hoạt động khởi sự kinh doanh như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các cơ chế hỗ trợ này được đánh giá là tính hiệu lực còn hạn chế hoặc là cần có thêm thời gian để các cơ quan liên quan hoàn thiện văn bản hướng dẫn và để phát huy hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp trong thực tế.

Thứ ba là thực hiện kết nối và hỗ trợ người khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam như Dragon Capital, Mekong Capital, IDG Venture Vietnam, VinaCapital Foundation, CyberAgent Ventures, FPT Ventures,… nhiều quỹ đã hoạt động tại Việt Nam trong một thời gian dài, nhưng số dự án mà họ đầu tư còn khá ít ỏi. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư IDG Venture Vietnam đã hoạt động tại Việt Nam từ những năm 2004 nhưng hiện mới chỉ đầu tư vào hơn 40 các dự án khởi nghiệp sáng tạo khác nhau. Quy trình cấp vốn của các quỹ đầu tư khá chặt chẽ giải thích cho việc rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhận được vốn đầu tư từ các quỹ này. Đối với nguồn vốn khởi nghiệp từ các nhà đầu tư thiên thần hoặc nhóm đầu tư (crowdfunding), hiện ở Việt Nam, chưa có một mạng lưới nhà đầu tư thiên thần hay nhóm đầu tư được định hình rõ ràng. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã đưa ra các quy định khá rõ về việc hình thành các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Việc thực thi một cách hiệu quả nghị định này trong thực tế sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hình thức đầu tư này. Các tổ chức hỗ trợ cần tăng cường phổ biến các hình thức đầu tư tư nhân này, đào tạo người khởi nghiệp về cách tiếp cận các nguồn vốn và hỗ trợ họ kết nối với các nhà đầu tư tư nhân.

Thứ tư là tăng cường chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh để trợ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc phát triển các vườn ươm để tư vấn, cố vấn và hỗ trợ hậu cần cho các dự án khởi sự doanh nghiệp là rất quan trọng. Các dịch vụ hỗ trợ của một vườn ươm có thể bao gồm không gian làm việc chung với mạng máy tính và kết nối internet; ban cố vấn khởi nghiệp; các dịch vụ hỗ trợ về quản trị, tài chính, kế toán, marketing; hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, các quỹ cho vay, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm; kết nối với mạng lưới kinh doanh và các đối tác chiến lược; dịch vụ hỗ trợ về đào tạo; trợ giúp pháp lý; trợ giúp thương mại hóa công nghệ; trợ giúp về sơ hữu trí tuệ;… Để vườn ươm hoạt động hiệu quả cần 3 yếu tố quan trọng là các nhà cố vấn khởi nghiệp, cộng đồng các nhà đầu tư (đầu tư mạo hiểm, nhà đâu tư thiên thần) và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức mẹ như trường đại học, khu công nghệ cao và doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Albert Ph., Fayolle A. & Marion S. (1994). L'évolution des systèmes d'appui à la création d'entreprises. Revue Française de Gestion, 101, 100-112.
  2. Albert Ph. & Gaynor L. (2001). Incubators: Growing up, moving out: a review of the literature. Cahier de recherche du CERAM, Sophia Antipolis.
  3. Albert Ph., Bernasconi M. & Gaynor L. (2003). Incubateurs et pépinières d’entreprises : Un panorama international. Economie et Innovation, Série Clichés, L’Harmattan (Ed.), 132.
  4. Cuzin R. et Fayolle A. (2006). Quel appui à la création d'entreprises? L'Epansion Management Review, Mars, 92-97.
  5. Frugier D. et Verzat C. (2006). Un défi pour les institutions éducatives, Dossier-Préparer les entrepreneurs de demain. L'Expansion Management Review, 116(Mars 2005), 42-48.
  6. GERA (2018). Global Report 17/18. Global Entrepreneurship Monitor.
  7. Levy-Tadjine (2004). Entrepreneuriat immigré et son accompagnement en France, Thèse de doctorat en Sciences de Gestion. Université du Sud Toulon-Var.
  8. Lương Minh Huân (2015), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Thông tấn.
  9. Lương Minh Huân (2018), Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt nam 2017/2018, Nhà xuất bản Thanh niên.
  10. Reynolds, P., Bygrave, B. & Autio, E.  (2003). GEM 2003 Executive Report. UK: Babson College, London Business School, E. M. Kauffman Foundation.
  11. Trần Văn Trang (2019). Hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp của thanh niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học cấp Bộ, Trường Đại học Thương mại.
  12. Vũ Tiến Lộc (2016), Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016, Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

A study on entrepreneurial support activities in Vietnam

Ph.D Tran Van Trang

Head, Department of Operations Management

Faculty of Business Administration

Thuong Mai University

ABSTRACT:

Based on a survey of 36 entrepreneurial experts, this study assesses three groups of entrepreneurial support activities that follow the entrepreneurial process, including training and education activities, financial support and incubating activities. The results show that the weak aspects of entrepreneurial support activities are entrepreneurial education at high school stage, entrepreneurial education at university, entrepreneurial finance, and commercial and legal infrastructure. The appreciated point is the physical infrastructures for starting a business. Based on these results, a number of recommendations have been made to enhance entrepreneurial support activities in Vietnam.

Keywords: Entrepreneurial supports, entrepreneurial training and education, entrepreneurial finance, incubating activity, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]