Nhiều nước châu Á sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay

Nhiều nền kinh tế lớn tại châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… được nhận định sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay, không cần phải chờ đến khi Hoa Kỳ giảm lãi suất.
Chính sách tiền tệ của các quốc gia châu Á
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc được nhận định sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay. (Ảnh: CNBC)

Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng Nomura (Nhật Bản) vừa nhận định các nền kinh tế lớn tại khu vực châu Á có thể sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Cơ sở cho nhận định này được dựa trên sự khác biệt trong yếu tố kinh tế nền tảng giữa các quốc gia tại châu Á so với Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn Nomura cho biết.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của FED cho thấy giới chức cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay nhưng mức độ tăng sẽ không còn nhanh như trước. Chủ tịch FED ông Jerome Powell cũng phát đi các tín hiệu cho thấy FED sẵn sàng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong nửa cuối năm nay với mỗi lần tăng thêm 0,25 điểm cơ bản nhằm triệt để loại bỏ rủi ro lạm phát neo cao dai dẳng.

Với việc lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 6/2023 đã hạ nhiệt đáng kể, tăng ở mức thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây, thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần cuối cùng trong phiên họp cuối tháng 7 này, với mức tăng thêm 0,25 điểm cơ bản, sau đó sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm nay. Điều này có thể mở ra cơ hội FED sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ năm sau.   

Trong khi đó, tập đoàn Nomura nhận định quá trình giảm lạm phát tại khu vực châu Á đang diễn ra nhanh hơn, nhu cầu nội địa yếu hơn và lãi suất thực cao hơn so với Hoa Kỳ. Những điều này tạo điều kiện cho hàng loạt ngân hàng trung ương tại châu Á giảm lãi suất trước FED.

Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế tại châu Á đang chịu áp lực sớm nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi nhu cầu từ bên ngoài thấp cùng với mặt bằng lãi suất cao, tín dụng bị siết chặt khiến sản lượng kinh tế suy giảm.

Xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc suy yếu
Nhu cầu bên ngoài suy yếu kết hợp với việc chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia châu Á suy giảm đáng kể. (Ảnh: CNBC)

“Sự giảm lạm phát ở châu Á đang diễn ra nhanh hơn nhiều, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nơi giá thực phẩm và năng lượng có tỷ trọng lớn hơn trong rổ chỉ số lạm phát và sự leo thang của lạm phát trước đây chủ yếu do yếu tố nguồn cung”, tập đoàn Nomura nhận định.

Thực tế, Trung Quốc gần đây đã chuyển sang cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế của nước này. Quá trình tái mở cửa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện tương đối “gập ghềnh” và có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt. Trung Quốc cũng đối mặt với rủi ro giảm phát khi giá cả hàng sản xuất liên tục giảm. Giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ có sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong thời gian tới để duy trì đà phục hồi.

Xem thêm bài viết: "Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tại Hàn Quốc, khảo sát của tập đoàn Nomura cho thấy 32% số chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ là ngân hàng trung ương lớn tiếp theo tại châu Á, sau PBoC, tiến hành giảm lãi suất điều hành. Tiếp đó sẽ là các ngân hàng trung ương của Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Dự kiến BoK sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 10/2023 và giảm thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trước cuối năm nay. Hiện lạm phát tại Hàn Quốc đang quanh ngưỡng 2,7% - gần bằng mục tiêu của BoK.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 10/2023 với tổng mức giảm lãi suất trong năm nay dự kiến là 0,75 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp – trở thành một trong những ngân hàng nhà nước chủ động giảm lãi suất mạnh tay trên thế giới.    

“Khu vực châu Á giờ đây đã bước vào một thời kỳ mà nhu cầu nội địa có khả năng sẽ chậm lại. Theo quan điểm của chúng tôi (tập đoàn Nomura), sự suy giảm nhu cầu đang phản ánh các tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ. Việc nhu cầu nội địa giảm và lạm phát lõi liên tục đi xuống, lãi suất tại khu vực châu Á sẽ phải được điều chỉnh giảm”, tập đoàn Nomura nhấn mạnh.

Duy Quang