Những “tấm khiên vững chắc” góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã và đang triển khai nhiều giải pháp mới, từng bước tạo ra những “cú đấm thép”, “tấm khiên vững chắc” góp phần bảo vệ doanh nghiệp chân chính, bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận hàng giả - hàng thật lẫn lộn.

Thêm các kênh truyền thông mới

Cách đây không lâu, TAND Quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với các bị cáo làm giả thương hiệu Nón Sơn, mua nguyên liệu trôi nổi, sản xuất mũ và bán ra thị trường với giá rẻ. Với hành vi đó, cái giá phải trả là bản án nghiêm khắc của pháp luật với hơn 7 năm tù đối với các bị cáo... Hay mới đây, lần đầu tiên, một vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại khu vực Cổng khu đô thị GoldMark City phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội được Lực lượng QLTT phối hợp phát hiện và xử lý trên không gian mạng và đã chuyển tới cơ quan điều tra để truy tố.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ vi phạm đã bị khởi tố mà lực lượng QLTT phối hợp phát hiện và xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo số liệu của Tổng cục QLTT, 6 tháng đầu năm 2023, liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 4.686 vụ, xử lý 4.489 vụ vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 42,5 tỷ đồng.

Số liệu này cho thấy, mặc dù lực lực lượng QLTT đã nỗ lực trên mặt trận phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu, nhận được đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp, các chủ thể quyền và người tiêu dùng, song các đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, thậm chí còn sẵn sàng “chịu xử phạt hành chính”. Vì vậy, nhiều đối tượng không từ thủ đoạn, “biến hóa” sản phẩm giả giống y như sản phẩm thật khiến người tiêu dùng khó nhận diện.

Những “tấm khiên vững chắc” giúp ngăn ngừa, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền

Năm 2021, Tổng cục QLTT đã ra mắt thêm các kênh truyền thông mới như: Tạp chí Quản lý thị trường, 02 kênh Tiktok... giúp tăng cường nhận diện, hướng tới ngăn ngừa và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền
Năm 2021, Tổng cục QLTT đã ra mắt thêm các kênh truyền thông mới như: Tạp chí Quản lý thị trường, 02 kênh Tiktok... giúp tăng cường nhận diện, hướng tới ngăn ngừa và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền

Xác định việc phòng ngừa, nâng cao nhận thức người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng trong “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu, ngay từ tháng 11/2021, Tổng cục QLTT đã mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả thường xuyên và định kỳ, với các chủ đề đa dạng, như Tuần lễ nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường, Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em, Nhận diện hàng thật, hàng giả trước cao điểm mua sắm Tết 2023...

Mặc dù mở cửa theo tháng, song đến nay, đây được coi là địa chỉ quen thuộc của nhiều người tiêu dùng nhằm giúp họ phân biệt được dấu hiệu nhận diện hàng thật, hàng giả, giảm rủi ro trong mua sắm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm của Tổng cục QLTT là một kênh truyền thông rất ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, giúp người tiêu dùng trang bị được nhiều kiến thức, thông tin mới trong lựa chọn, nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.  

Những “tấm khiên vững chắc” giúp ngăn ngừa, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền
Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người tiêu dùng nhằm giúp họ phân biệt được dấu hiệu nhận diện hàng thật, hàng giả, giảm rủi ro trong mua sắm

Bên cạnh việc mở cửa Phòng Trưng bày, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền, từ cuối năm 2021, Tổng cục QLTT đã giao Tạp chí QLTT xây dựng và phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đang được quan tâm như Tiktok, Youtube, Facebook...

Trên nền tảng Tiktok, Tạp chí QLTT đang vận hành song song 02 tài khoản mang tên “Thật Giả Review” và “Quản lý thị trường news". Trong đó, “Quản lý thị trường news” cập nhật thường xuyên và liên tục thông tin về các vụ kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng QLTT thị trường trên cả nước. Đặc biệt, tại kênh “Thật giả review”, độc giả sẽ được cung cấp các thông tin, các dấu hiệu nhận biết hàng thật - hàng giả của các sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường hiện nay.

Song song với Kênh Tiktok, trên nền tảng Youtube và Fanpage “Tạp chí Quản lý thị trường” cũng cập nhật toàn bộ hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các vụ vi phạm mà Lực lượng QLTT trên cả nước phát hiện và xử lý nhằm lan tỏa thông tin đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Hợp tác cùng doanh nghiệp, chủ thể quyền, “bài trừ” hàng giả

Dù đã nỗ lực nhiều, song công tác chống hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong cuộc tập huấn hàng thật - hàng giả mới đây do Tổng cục QLTT tổ chức, lãnh đạo Tổng cục QLTT đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân về sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế.

Chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường. Vì vậy, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

được coi là địa chỉ quen thuộc của nhiều người tiêu dùng nhằm giúp họ phân biệt được dấu hiệu nhận diện hàng thật, hàng giả, giảm rủi ro trong mua sắm
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục QLTT đã "bắt tay" hợp tác với nhiều tổ chức, Tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thực tế trong thời gian vừa qua, Tổng cục QLTT đã có nhiều cái “bắt tay” và làm việc với các tổ chức, thương hiệu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước nhằm tăng cường hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, như ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Procter & Gamble (P&G); Tập đoàn SCHOTT AG - Tập đoàn Thủy tinh chuyên dụng đến từ Đức; làm việc với Tập đoàn Luxottica về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu của Luxottica tại thị trường Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam; Tập đoàn LEGO...

Thông qua những cái “bắt tay”, lực lượng QLTT sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, cũng như chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xác minh, xử lý của QLTT khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả công tác QLTT.

Quả thật, không có doanh nghiệp nào có thể “đơn phương độc mã” chống lại mạng lưới sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, điều này rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng và bản thân các doanh nghiệp chân chính, người dân. Sự hợp tác này chính là “chìa khóa” để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Hiện, Tổng cục QLTT đang trình Chính phủ Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

                                                         Thân Đức Công 

Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT