Phát huy giá trị Phật giáo trong xây dựng và phát triển kinh tế bền vững

Khi soi chiếu vào các hoạt động kinh tế, các giáo lý của Phật giáo nhằm hướng con người đến việc thực hiện các hành vi kinh tế một cách có đạo đức, không gây tổn hại đến người khác, môi trường xung quanh, tìm cách tạo lợi ích cho cộng đồng; qua đó, đạt được sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Mặc dù những mối quan tâm thực tiễn của Phật giáo không nhằm đưa ra một trường phái kinh tế, nhưng chúng ta có thể tìm thấy rải rác trong giáo lý của Đức Phật một số những quan sát, chỉ dẫn và những lời răn dạy liên quan đến những khía cạnh phát triển kinh tế mà có nhiều nét tương đồng với những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đặt ra cho thế giới ngày nay. Phát triển bền vững ở đây xét trên sự phát triền bền vững của ba khía cạnh là: xã hội, môi trường và các quan hệ kinh tế.

Xét trên khía cạnh xã hội, để phát triển bền vững cần đảm bảo được các yếu tố giảm đói nghèo toàn diện, thúc đẩy an sinh và công bằng trong xã hội, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, tương ứng với giáo lý đạo Phật là quan niệm về “bố thí” (tài thí, pháp thí và vô uý thí). Trong Lục độ Ba-la-mật của hàng Bồ tát và trong pháp Tứ nhiếp, bố thí đứng hàng đầu. Qua đó, cho thấy bố thí là một hạnh tu rất được coi trọng trong đạo Phật.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích rằng “tài thí là những cố gắng của Bồ tát để làm giảm những khổ đau của con người về phương diện vật chất, tức là phương diện kinh tế và y tế, bao hàm những kế hoạch phát triển kinh tế, tái phân bổ lợi tức, xoá bỏ những bất cập, chênh lệch trong xã hội”.

Pháp thí là những cố gắng giáo hoá và giáo dục để phá bỏ vô minh, bao hàm chương trình truyền bá kiến thức cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội như những kiến thức về văn tự, y tế, vệ sinh, pháp luật, chính trị.

Vô uý thí là những cố gắng của người thiện nguyện có đạo hạnh Bồ tát để che chở và bao bọc mọi người khiến cho mọi người được yên tâm, không nơm nớp sợ hãi.

Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rất rõ: “Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây đui mù, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế, các vị quốc vương, đại thần đó muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị quốc vương, đại thần đó đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”.

Đức Phật xem việc bố thí cho người nghèo túng tật nguyền kia công đức sánh ngang với công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật, đủ thấy Đức Phật đề cao hạnh bố thí như thế nào. Để tạo dựng sự thăng bằng cho xã hội, Đức Phật dạy Bồ tát hạnh đạo là đem nguồn vui cho người nghèo, đem lại sự ấm no cho người nghèo, như vậy là làm cho Phật hoan hỷ. Làm chúng sinh đau khổ, làm xã hội mất cân bằng không phải là đệ tử Phật.

Áp dụng vào các hoạt động phát triển kinh tế, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh đều hướng đến việc thúc đẩy các lợi ích cộng đồng, giúp đỡ và thương yêu những người yếu thế để chung tay cùng nhau phát triển, xã hội này chắc chắn được an lạc. Ngược lại, nếu các hoạt động kinh tế chỉ nhằm mục đích phục vụ cho một bộ phận, các công bằng trong xã hội sẽ không được duy trì, phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn, mâu thuẫn giữa các bộ phận ngày càng gay gắt, từ đó dẫn đến những hỗn loạn kinh tế xã hội.

Xét trên khía cạnh môi trường, hầu như trong tất cả các giáo lý của Phật giáo đều hướng con người đến cuộc sống gắn bó và trân trọng thiên nhiên. Chúng ta có thể xét đến quan điểm Duyên khởi: “Không có một chủng loại nào có thể tồn tại biệt lập, cái này sống nhờ cái kia, trong chuỗi nhân duyên trùng trùng, không đầu không cuối”.

Theo đó, con người và môi trường sinh thái không thể tách rời, mà là một chỉnh thể thống nhất. Các biến đổi của môi trường sinh thái hoàn toàn gắn liền với các hành động của con người. Đức Phật dạy rằng, nếu con người có hành động bất chính, mưu lợi khai thác thiên nhiên quá mức, ảnh hưởng xấu đến môi trường thì con người sẽ đón nhận các hậu quả bất lợi như hạn hán, mùa màng thất bát, nghèo nàn và thọ mạng của con người giảm. Ngược lại, các hành động đạo đức, hiền thiện sẽ làm cho mưa thuận gió hoà, thiên nhiên yên bình trong sáng và thọ mạng của con người cao.

Hay học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, trong tâm thức của mỗi con người đều có liên hệ với thiên nhiên. Vì vậy những ảnh hưởng nặng nề đến thiên nhiên cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người, dù là theo hình thức trực tiếp hay gián tiếp khác nhau.

Dễ thấy, nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp lẫn sản xuất nông nghiệp của con người hiện nay đang tác động xấu đến môi trường sinh thái như: ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp; xói mòn đất, thu hẹp diện tích rừng do khai thác khoáng sản; ô nhiễm nguồn nước, thoái hoá đất do sử dụng quá mức các hoá chất bảo vệ thực vật; suy giảm sản lượng hải sản do đánh bắt quá mức… Ngoài ra, hoạt động tiêu dùng của con người cũng tác động không nhỏ đến thiên nhiên như: ô nhiễm rác thải nhựa do thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần; sử dụng lãng phí năng lượng và nước sạch… Những hành vi khai thác thiên nhiên bất hợp lý như trên là nguyên nhân chính khiến tình trạng biến đội khí hậu trở nên phức tạp hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn bất thường… diễn ra với tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại lớn về người và kinh tế. 

Vì vậy, Phật giáo nhấn mạnh chúng ta cần sử dụng và khai thác thiên nhiên hợp lý, không nên khai thác cạn kiệt mà nên hợp tác với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái như bảo vệ trái tim của mình. Sự phụ thuộc lẫn nhau của con người và tất cả các dạng sống khác trong một chuỗi sinh mệnh cân bằng tinh xảo luôn là một niềm tin cơ bản của Phật giáo. Ví dụ, trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy rằng “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”.

Soi chiếu sang các hoạt động kinh tế, triết lý phát triển hài hoà với thiên nhiên của Phật giáo có nhiều nét tương đồng với mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo được ưu tiên sử dụng; giảm thiểu việc sử dụng các loại hoá chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua các thiết kế ưu việt, thân thiện môi trường của vật liệu, sản phẩm, hệ thống kinh doanh; tận dụng tối đa rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Kinh tế tuần hoàn một phần giúp gia tăng các giá trị kinh tế, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên hoá thạch, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Với cái nhìn tuệ giác của Phật giáo, dựa vào quan điểm Duyên khởi giúp con người nhìn thấy rằng con người với thiên nhiên có mối quan hệ bất khả phân. Mối quan hệ tương liên này tạo nên sự phát triển sinh tồn bền vững.

Xét trên khía cạnh kinh tế, để phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi các hoạt động kinh tế hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm tổn hại các lợi ích cộng đồng. Kinh tế bền vững có thể được giải thích dưới góc nhìn của Phật giáo theo học thuyết Bát chính đạo với ba con đường: Chính nghiệp, Chính mạng và Chính tinh tấn.

Chính nghiệp (hành động sáng suốt) chú trọng đến hành động của con người; Chính mạng (sống một cách chân chính) đề cao lối sống thiện lương không ảnh hưởng đến người khác; và Chính tinh tấn (siêng năng) nhắc nhở về sự nỗ lực không ngừng để học hỏi và trau dồi. Theo Đại đức Thích Hữu Đạt thì “ba yếu tố này thể hiện trong hoạt động kinh tế tạo ra của cải vật chất, giữ gìn tài sản và tiêu dùng hợp lý, trong sự chính niệm và từ bì, không vì mưu lợi cho mình mà làm tổn hại đến đối tượng khác. Từ đó, nỗ lực tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, không vì mục đích tăng trưởng lợi nhuận cho riêng mình mà là đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người”.

Một nền kinh tế bền vững trước tiên phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu căn bản của con người để duy trì sự sống còn, để đủ đầy về vật chất thì mới có thể giúp họ tiếp cận gần hơn với đời sống tinh thần và mở ra con đường tu tập tâm linh. Tuy động lực phát triển kinh tế là dựa trên mục đích mưu cầu lợi ích của cá nhân nhưng Phật giáo hoàn toàn không chấp nhận tư tưởng tham dục, mưu cầu quá mức mà đánh mất sự cân bằng lợi ích của mình, của người và của mọi vật. Sự cân bằng này chính là nền tảng cốt lõi giúp con người có ý thức, duy trì các hành vi có đạo đức trong các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.

Theo quan điểm của Phật giáo, con người không được bất chấp lòng tham mà tiến hành các hoạt động kinh doanh, thương mại không lành mạnh, trái pháp luật. Con người không được vì lòng tham, phục vụ lợi ích cá nhân mà gây tổn hại đến lợi ích của người khác, của cộng đồng. Trọng tâm hàng đầu của các mục tiêu phát triển bền vững là đảm bảo an sinh của con người, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.

Có thể thấy, khi soi chiếu vào các hoạt động kinh tế, các giáo lý của Phật giáo nhằm hướng con người đến lao động chân chính để tạo ra của cải vật chất, giữ gìn và tiêu dùng tài sản hợp lý, kinh doanh thiện lương, không gây hại môi trường, không làm tổn hại đến các mối quan hệ xung quanh và nỗ lực tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho chính mình cũng như cộng đồng xung quanh. Qua đó, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững, góp phần loại bỏ những tác động tiêu cực mà phát triển kinh tế thông thường kéo theo.

Minh Trang