Chuyến công tác tới Trà Vinh vừa rồi đã để lại cho chúng tôi nhiều ngẫm ngợi trước những ngổn ngang của ngành quản lý thị trường, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Trà Vinh. Dưới đây là câu chuyện được thuật lại theo giọng kể của người đứng đầu ngành quản lý thị trường của vùng đất giao thoa giữa đồng bằng và biển.

Trà Vinh tái lập tỉnh từ tháng 6/1992 thì tôi về đây công tác và làm từ đó đến nay đã 25 năm. Mới đó mà thời gian thấm thoát trôi nhanh như một  giấc mơ. Nhớ lại thời khó khăn đó nhiều lúc ăn mì tôm sống rất cực khổ, vất vả, đường xá giao thông thì lạc hậu, tồi tệ không bằng một phần như bây giờ. Phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, mà cũng chỉ có đi bộ là phù hợp nhất vì địa bàn chủ yếu của đồng bằng sông Cửu Long là kênh rạch, lên ghe xuống thuyền, đi bộ thì không bị ràng buộc gì, mỗi tội cực lắm, nhất là đối với những vụ việc phải đi lại cả tháng trời. Còn nữa, có những lúc truy bắt đối tượng ở khu vực sông nước phải cởi hết đồ ra nếu không ướt hết quần áo chịu sao nổi. Rồi những lúc màn trời chiếu đất, giữa đồng ruộng mênh mông chưa kịp đến chỗ trú phải lấy võng trải xuống để ngủ, sương xuống ướt hết người như tắm… Đến cái trụ sở để làm việc cũng không có, cả chi cục và các đội đều phải thuê hoặc mượn nhà để làm trụ sở.

Những vất vả cực  nhọc của một thời nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn của cả đất nước dẫu sao cũng đã qua, nhưng những khó khăn đặc thù ngành quản lý thị trường thì chưa bao giờ dừng lại. Tôi trưởng thành từ khi làm thằng lính “quèn” quản lý thị trường nên hiểu rất rõ về công việc ấy và rất đồng cảm, chia sẻ với các cán bộ QLTT. Trước khi đầu quân sang đây, tôi làm làm công tác kế hoạch của xí nghiệp Đông lạnh, đang dự tính chuyển sang làm công ty du lịch… Thế rồi, quản lý thị trường ra đời, trong đó có một phần quản lý rất quan trọng mà chưa ai rành, đó là quản lý thủy sản. Vốn có kinh nghiệm về lĩnh vực này nên tôi được cấp trên quyết định chuyển sang mảng quản lý về thủy sản để làm mà làm là trúng luôn. Đối với trường hợp tôi mà nói, thì là nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.

Nhắc lại thuở sơ khai của ngành quản lý thị trường, hồi đó, hàng sản xuất trong tỉnh chỉ được sử dụng trong tỉnh, không có hóa đơn chứng từ là cấm xuất tỉnh. Ai mua hàng xuất ra khỏi tỉnh mà không có lai thuế là bị xử lý, ngày xưa dùng lai thuế chứ không có hóa đơn, đóng thuế theo giao dịch. Không có thuế là không được phép ra khỏi tỉnh, chỉ được ở trong tỉnh thôi. Bà con buôn bán có nhiều người làm liều nên vi phạm. Nhưng do tính chất răn đe là chính nên chủ trương lúc đó là không tịch thu hàng, chỉ phạt hành chính mà thôi, rồi vẫn cho xuất đi. Vì nếu mà tịch thu và cấm thì cá tôm, thủy hải sản hỏng hết, không chỉ dân buôn chết mà ngư dân cũng chết.Lúc đó  phạt chỉ mang tính chất răn đe. 

Bây giờ, tình hình kinh tế và an ninh cuộc sống đã có rất nhiều đổi khác, việc giao thương, buôn bán hàng hóa gấp trăm gấp ngàn lần ngày xưa với nhiều mối lợi khiến người ta có thể bất chấp pháp luật, cho nên lực lượng quản lý thị trường cũng có thêm những thách thức lớn. Nhiệm vụ của quản lý thị trường hiện nay không chỉ đơn thuần là bắt giữ hàng lậu, hàng giả mà phải tuyên truyền để người dân không sử dụng hàng giả, hàng lậu. Cho nên, chúng tôi thương xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, in tời rơi, tờ gấp, sổ tay… hướng dẫn cách nhận biết hàng thật hàng giả, mời người dân, doanh nghiệp đến để tuyên truyền.

Nhưng có một thực tế đáng buồn mà tôi cứ mãi lý giải, đó là càng ngày lực lượng QLTT càng bị xấu đi trong con mắt của thương nhân và của bà con nhân dân. Trong khi chính chúng tôi lại là người ủng hộ họ tuyệt đối, chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả chính là giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính giữ được thị trường, còn những người không bị mua phải hàng kém chất lượng. Vừa rồi ở Tỉnh, khi có lò giết mổ tập trung đầu tiên ra đời, đã bộc lộ những yếu kém trong cách quản lý. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã kêu gọi các cơ sở nuôi heo tập trung về các lò mổ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các lò mổ đã quá tận thu mà không có sự hỗ trợ nào cho bà con. Mình cần người ta vào lò mổ tập trung để quản lí được thị trường thực phẩm mà khi họ vào lại chỉ quản lí nguồn thu của họ thì không ai chịu vào. Vì không có chính sách phù hợp về thuế sát sinh, phí giết mổ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, không có chính sách ưu tiên để người dân tự nguyện tham gia nên một số lò đã bị đóng cửa. Chính sách cần hợp lý và cả hợp tình để khuyến khích nhân dân, được vậy thì công tác QLTT trở nên đỡ cực nhọc hơn nhiều, xã hội bớt đi sự phức tạp, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ dễ dàng hơn, trường hợp có xảy ra vấn đề gì thì dễ truy xuất nguồn gốc hơn. Sau này các lò mổ tập trung cũng muốn chúng tôi hỗ trợ việc kêu gọi các cơ sở nuôi heo mang heo đến đó để giết mổ nhưng chúng tôi không thể giúp được nữa vì cách làm không khuyến khích, tận thu từng con một như thế đã tự họ khiến bà con dời xa họ. Trong khi những lò mổ của tư nhân sạch sẽ không có một con ruồi (vì họ ở luôn tại đó nên họ phải vệ sinh sạch sẽ) thì vẫn có các lò mổ tập trung xuống cấp, mất vệ sinh khủng khiếp. Cơ chế thị trường bây giờ do thị trường quyết định không phải do mình, không thể cứ cưỡng chế hay bắt ép họ mà được.

Dư luận xã hội rất khắt khe với lực lượng QLTT. Mỗi khi có việc gì đó liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… thì đều hướng mũi tấn công vào lực lượng QLTT mà không biết rằng chúng tôi không thể “ba đầu sáu tay” mà làm được tất cả. Bởi Chi cục QLTT Trà Vinh hiện nay có tổng số 50 người, rất mỏng, bình quân 3 người/đội. Đội nhiều nhất là 10 người, thấp nhất là 8 người, trong đó đông nhất là Đội Cơ động. Khó khăn kể ra thì không hết nhưng tựu chung lại là kinh phí hoạt động. “Cái khó bó cái khôn”, chúng tôi phải thường xuyên tự trả tiền điện thoại, còn trang thiết bị như súng, roi điện, dùi cui, xe, nhà… đều do Tỉnh trang bị. Nói ra chả biết có ai tin không chứ chúng tôi phải tiết kiệm kinh khủng bởi ngân sách eo hẹp, một số địa phương mời tham gia hội nghị mà không đi được vì không có tiền mua vé máy bay…

QLTT so với những khó khăn từ thuở còn ăn bờ ngủ bụi, nằm giữa cánh đồng sương rơi ướt sũng người thì đúng là có tiến bộ, sung sướng hơn rất nhiều. Nhưng có thể nói, lực lượng QLTT hiện nay có rất nhiều sự thiệt thòi. Nghiệp vụ của QLTT giống như công an phải cài cắm cơ sở, trinh sát nhưng lại không được như công an vì công an có quyền bắt, giữ người. Địa bàn rộng, đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu ngày càng tinh vi và manh động nhưng lực lượng quản lý thị trường quá mỏng. Vì vậy, việc bổ sung thêm nhân lực, trang thiết bị làm việc cho lực lượng QLTT là những yêu cầu vô cùng cấp bách không chỉ với QLTT Trà Vinh.

                                                                                                         Nguyên Vỵ