Quốc tế nổi bật: Các nước châu Âu siết chặt biên giới

Việc siết chặt kiểm soát biên giới được coi như là biện pháp cuối cùng trong những trường hợp người nhập cư trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nội bộ hoặc chính sách công.

Các nước châu Âu siết chặt biên giới

siet chat bien gioi
Cảnh sát liên bang Đức Bundespolizei chặn một phương tiện trong cuộc tuần tra dọc biên giới Đức-Ba Lan nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp gần Forst, Đức, ngày 12/10/2023.

 

Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối phó với sự gia tăng đáng kể số lượng người di cư hợp pháp và bất hợp pháp, khiến một số quốc gia thành viên phải tạm thời áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong khu vực thường được coi là khu vực di chuyển tự do.

Theo quy định của khối Schengen, việc siết chặt kiểm soát biên giới được coi như là biện pháp cuối cùng trong những trường hợp người nhập cư trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nội bộ hoặc chính sách công.

Kế hoạch một lệnh tổng động viên mới

Tổng thống Volodymyr Zelensky
Tổng thống Volodymyr Zelensky

Ukraine dự kiến công bố một kế hoạch huy động quân mới trong tuần tới. Đây là tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo ngày 24/11 sau cuộc gặp với Bộ Tổng tham mưu. Trong khi nhà lãnh đạo không đưa ra thông tin chi tiết thêm, các quan chức khác của Kiev cũng ám chỉ về khả năng giải ngũ một số binh sĩ đã tham chiến kể từ tháng 2/2022.

Kiev lần đầu tiên tuyên bố lệnh tổng động viên và ban bố thiết quân luật vào tháng 2/2022, thời điểm xung đột với Nga leo thang. Kể từ đó, chính phủ nước này đã nhiều lần mở rộng chế độ quân dịch bắt buộc.

Thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh 3 bên

Ngoại trưởng Trung Quốc và Nhật Bản

 

Ngoại trưởng Trung Quốc và Nhật Bản đã đến Hàn Quốc ngày 25/11 để hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc nhằm nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 3 nước.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương riêng biệt với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin vào ngày 26/11, trước khi tiến hành đàm phán 3 bên vào cuối ngày.  Lần gần nhất, lãnh đạo 3 nước họp thượng đỉnh là vào tháng 12/2019. 

Hàn Quốc bổ nhiệm tân Chủ tịch JCS

Tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS).
Tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS).

Ngày 25/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thông qua việc bổ nhiệm Tư lệnh Tác chiến Hải quân, Phó Đô đốc Kim Myung-soo làm tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS).

Đây là lần đầu tiên trong 10 năm, một sĩ quan hải quân được đề cử vào vị trí lãnh đạo quân sự hàng đầu của quân đội Hàn Quốc kể từ khi Đô đốc Choi Yoon-hee giữ chức Chủ tịch JCS giai đoạn 2013 - 2015.

Đức dỡ bỏ “phanh nợ” 

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner

Ngày 24/11, chính phủ Đức đã quyết định dỡ bỏ các quy định hạn chế về nợ công của mình, xóa bỏ biện pháp “phanh nợ” nhằm tìm kiếm một thỏa thuận bù đắp cho khoản ngân sách thâm hụt 60 tỷ euro. Nếu điều này được áp dụng, đây sẽ là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ Đức phải hoãn thực thi biện pháp “phanh nợ”, được sử dụng để giảm các thâm hụt liên quan đến nợ công cử chính phủ.

Với quyết định mới, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết chính phủ liên bang sẽ có cơ sở trình ngân sách bổ sung vào tuần tới để đảm bảo về mặt hiến pháp cho các khoản chi tiêu công trong năm 2023.

Phàn ứng của Nga "Schengen quân sự"

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov

 

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết những tuyên bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng thành lập một “khối Schengen quân sự” có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu, dẫn đến leo thang trong mối quan hệ với Nga.

Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Giám đốc Hậu cần châu Âu của NATO - tướng Alexander Sollfrank kêu gọi các quốc gia châu Âu nới lỏng các quy định cấp quốc gia để cho phép di chuyển nhanh chóng quân đội, thiết bị và đạn dược trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Cụm từ “khối Schengen quân sự” gợi liên tưởng đến thỏa thuận cho phép đi lại tự do giữa hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU).

Khả năng kéo dài lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza 

Người dân Palestine trở về nhà ở Khan Yunis, Dải Gaza khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân Palestine trở về nhà ở Khan Yunis, Dải Gaza khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Quan chức đứng đầu Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan cho biết Ai Cập đang có các cuộc đàm phán khẩn trương với tất cả các bên nhằm đạt được thỏa thuận về việc gia hạn lệnh ngừng bắn.

Ai Cập đã nhận được những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên liên quan trong xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas về khả năng kéo dài lệnh ngừng bắn nhân đạo hiện nay tại Dải Gaza thêm 1 hoặc 2 ngày.

 

Xuân An (t/h)