Rà soát nội dung cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Việt Nam là thành viên

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay. Trong quá trình hội nhập vào chuỗi liên kết toàn cầu, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định FTA song phương và đa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu cũng như được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA, trong đó có 15 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, trong đó có các FTA tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong các FTA này, lần đầu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là DNNVV) trở thành một vấn đề được đưa vào văn kiện cam kết, có thể trong một chương riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các cam kết đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chương cụ thể, theo đó nghĩa vụ thực hiện các cam kết liên quan tới doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA là của Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối tượng được hưởng lợi[1].

Qua rà soát một số cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên có nội dung cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), nội dung cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa được thể hiện trong các lĩnh vực như sau (vấn đề trợ cấp, hỗ trợ; mua sắm công; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp độc quyền chỉ định; hải quan và tạo thuận lợi thương mại; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; pháp luật; phòng, chống tham nhũng…)

Về hỗ trợ, trợ cấp doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cam kết trong FTA về các biện pháp trợ cấp (hỗ trợ tài chính) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu ở hai nhóm (i) Nhóm cam kết trực tiếp ghi nhận quyền dành trợ cấp ưu đãi chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng cho tất cả các nước thành viên (ii) Nhóm cam kết mà Việt Nam bảo lưu riêng: bảo lưu quyền ban hành và duy trì các biện pháp hỗ trợ nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các biện pháp hỗ trợ khác: CPTPP bảo lưu quyền áp dụng và duy trì các biện pháp ưu tiên dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tất cả các ngành về: (i) lựa chọn địa điểm sản xuất và các vấn đề pháp lý liên quan; (ii) đào tạo nguồn nhân lực; (iii) nghiên cứu và cung cấp thông tin về công nghệ và trang thiết bị; (iv) trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiếp thị và (v) cung cấp thông tin xúc tiến thị trường.

RCEP bảo lưu quyền ban hành hoặc duy trì các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tất cả các ngành mà không cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chung về đầu tư.

Đối chiếu với quy định pháp luật, Việt Nam đã và đang tận dụng không gian được phép trong cam kết theo các FTA để thực hiện mục tiêu chính sách về trợ cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệpnhỏ và vừa. Về cơ bản, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các biện pháp ưu đãi, trợ cấp, hỗ trợ như: hỗ trợ về chi phí đào tạo; hỗ trợ liên quan đến cung cấp thông tin; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ tiếp thị, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ trực tiếp về tài chính chính, các biện pháp hỗ trợ này đều phù hợp với các hình thức ngoại lệ ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các FTA.

Mua sắm công

Cam kết ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các gói thầu gồm: gói thầu mua sắm thông thường, gói thầu thuộc diện điều chỉnh và cam kết về hợp tác hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực mua sắm công.

Đối với các gói thầu mua sắm thông thường

Thể hiện tại CPTPP, trong đó Việt Nam được quyền duy trì chính sách ưu đãi cho DNNVV với điều kiện đáp ứng yêu cầu về minh bạch. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đã có văn bản quy định về ưu đãi này, trong đó tập trung vào hai hình thức ưu đãi. Một là ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ tất cả các gói thầu trong nước. Hai là ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gói thầu xây lắp từ 5 tỷ đồng trở xuống.

 Đối với các gói thầu thuộc diện điều chỉnh

Các FTA tập trung vào các cam kết về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia gói thầu; các cam kết ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các gói thầu thuộc diện điều chỉnh, đồng thời các cam kết này cho phép Việt Nam không phải mở cửa cho nhà thầu FTA tham gia trong các gói thầu thuộc diện điều chỉnh, nhưng Việt Nam quyết định dành gói thầu đó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (CPTPP cho phép loại trừ hoàn toàn các gói thầu này, trong khi EVFTA chỉ cho loại trừ với các gói thầu không phải xây dựng có giá trị từ 260.000 SDR trở xuống).

Liên quan đến nội dung này, quy định pháp luật Việt Nam đã đảm bảo sự tương thích với các FTA, cụ thể: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 09/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp độc quyền chỉ định

Việt Nam bảo lưu quyền chỉ đạo hoặc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp độc quyền chỉ định khi mua bán hàng hóa, dịch vụ từ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo một biện pháp của Chính phủ phải: Cân nhắc các yếu tố khác ngoài các tính toán thương mại thông thường; Dành ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhà đầu tư Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Qua rà soát, hiện nay chưa có văn bản nào quy định của Việt Nam về quyền can thiệp của cơ quan Nhà nước vào các giao dịch mua hàng/dịch vụ cụ thể theo các chương trình/biện pháp cụ thể của Chính phủ.

Hải quan và tạo thuận lợi thương mại

Theo các FTA, điển hình là Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP, mỗi Bên phải quy định các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan minh bạch và hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho các chủ thể kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp ưu tiên phải được tiếp cận các thủ tục hải quan đơn giản dễ dàng hơn, phù hợp với mục tiêu và các tiêu chí không phân biệt đối xử.

Về cam kết đơn giản hóa thủ tục: Việt Nam đã và đang triển khai các đợt rà soát, cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu. Do vậy, pháp luật về hải quan, thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành… của Việt Nam trong thời gian qua đã liên tục được sửa đổi, bổ sung nhằm cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Về cam kết Xác định trước: Quy định của Việt Nam đã đáp ứng được cam kết (tại RCEP), Việt Nam không đặt ra yêu cầu nào đối với người nộp đơn xin xác định trước, cụ thể: Tổ chức, cá nhân đều có quyền khai hải quan (bao gồm chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan) đều được yêu cầu xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp ưu tiên: Luật Hải quan quy định các tiêu chí như tiêu chí về việc tuân thủ pháp luật về hải quan, về thuế, có hệ thống giám sát, quản lý… Các tiêu chí này được quy định cơ bản tương thích với cam kết tại EVFTA và RCEP “liên quan đến việc tuân thủ hoặc rủi ro không tuân thủ với các yêu cầu được chỉ định trong luật, quy định hoặc thủ tục của một Bên”, các tiêu chí này đều không hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thương mại điện tử

Tại các Hiệp định FTA đều có chương về thương mại điện tử, nhưng chỉ có CPTPP và RCEP là có cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này, nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các rào cản để tham gia thương mại điện tử.

Rà soát pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã hình thành khung khổ pháp lý cơ bản về thương mại điện tử và đang hoàn thiện khung khổ này, đặc biệt ở các khía cạnh rất có ý nghĩa với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là thương mại điện tử thông qua mạng xã hội; Việt Nam cũng có các quy định pháp luật và các chương trình với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục các tồn tại, tham gia hiệu quả vào thương mại điện tử.

Các quy định pháp luật về thương mại điện tử đã quy định về quyền/trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử, về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho các bên tham gia thương mại điện tử rất cụ thể, đầy đủ, áp dụng cho các doanh nghiệp một cách không phân biệt, các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại điện tử như bảo mật thông tin, khai thác thông tin cá nhân…

Đối với thanh toán trực tuyến: quy định rõ về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc tổ chức, thực hiện, tham gia vào hoạt động thanh toán trực tuyến; các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán trực tuyến cũng như các chế tài xử phạt cụ thể với các vi phạm trong thanh toán trực tuyến, các quy định này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua được trở ngại về thanh toán trực tuyến.

 Ngoài ra, Chính phủ cũng có các thỏa thuận hợp tác kết nối giao thương qua các kênh thương mại điện tử với các nước thành viên trong các Hiệp định, cùng khai thác thông tin thị trường, tham gia các chuỗi cung ứng… các quy định, các chương trình này trên thực tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội kết nối mua bán hàng hóa.

Sở hữu trí tuệ

Về sở hữu trí tuệ, cam kết này được thể hiện tại RCEP, theo đó các Bên sẽ tăng cường hợp tác bao thúc đẩy nhận thức, hiểu biết và sử dụng hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng tương đối phù hợp với FTA, theo đó quy định biện pháp hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các chính sách trên của Việt Nam không phân biệt loại hình doanh nghiệp, do đó về nguyên tắc doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ là đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN – một phần của RCEP đã có các chương trình hợp tác cụ thể về chia sẻ thông tin, số liệu thống kê về sở hữu trí tuệ và không tách biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa ra thành đối tượng riêng thụ hưởng của chương trình.

Lao động và phòng, chống tham nhũng

Lao động là nội dung cam kết cơ bản tại Hiệp định CPTPP, theo đó Hiệp định khuyến khích các cải tiến trong kinh doanh và năng suất lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã quy định đề cập tới các hình thức hỗ trợ chi phí đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. 03 Thông tư (của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội) được ban hành để hướng dẫn cụ thể về các biện pháp hỗ trợ nguồn nhân lực nói trên (về cơ chế tài chính cho việc hỗ trợ, về các ngành nghề, các hình thức tổ chức đào tạo nghề cụ thể được hỗ trợ….

Hệ thống pháp luật và cung cấp thông tin về FTA cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác quốc tế trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại các FTA được rà soát đều có những cam kết: (i) Về việc khi tiến hành đánh giá tác động chính sách, mỗi Bên cần tính đến những tác động có thể có của chính sách đó đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) Cam kết sẽ thành lập hoặc duy trì một cổng thông tin điện tử công khai hoặc một trang tin điện tử cung cấp các thông tin về Hiệp định, đồng thời các doanh nghiệp được trao đổi thông tin, đối thoại hoặc họp với các đối tượng quan tâm, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có quy định bắt buộc đánh giá tác động chính sách từ góc độ kinh tế, trong đó có đánh giá tác động tới doanh nghiệp liên quan, không có quy định nào chỉ rõ hoặc yêu cầu đánh giá tác động riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và việc xây dựng trang tin điện tử cung cấp các thông tin về pháp luật (trong đó có cam kết quốc tế) và cung cấp thông tin hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan tới doanh nghiệp nhỏ và vừacho thấy pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương thích với các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Việt Nam là thành viên, trong đó phần lớn các nội dung Việt Nam đã tận dụng các bảo lưu về các biện pháp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cam kết FTA (đặc biệt là trong các khía cạnh về trợ cấp, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm công, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực); Việt Nam cũng bảo đảm triển khai trên thực tế các cam kết về bảo đảm hệ thống pháp luật có thể dự đoán trước và thủ tục hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, về các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện minh bạch, phòng chống tham nhũng, về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các rảo cản để sử dụng thương mại điện tử hay việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng hiệu quả các FTA.

Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh Việt Nam còn chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép, ví dụ: các hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp thị còn giới hạn, chưa sử dụng quyền hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà đầu tư nội địa Việt Nam...; hoặc trong mua sắm công, quyền ưu tiên là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng thực tế các quy định về đấu thầu của Việt Nam mới chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tức phạm vi còn tương đối hạn chế.

Việc thực thi hiệu quả các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các FTA này. Do đó, cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19, cần tìm kiếm các hỗ trợ mới, hiệu quả và thực chất hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ví dụ, cần có các giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy việc triển khai hiệu quả, thực chất Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử, chuyển đổi số.

[1] VCCI (2021), “Rà soát chính sách, pháp luật Việt Nam với các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA của Việt Nam”.

Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương  “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương”, Đề tài KHCN cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Giang.

ThS. Nguyễn Thị Giang