Sáu nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Công Thương các địa phương năm 2024

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 16/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Nhiều kết quả tích cực 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trước, trong và sau Tết, việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ở các địa phương trên cả nước đã được thực hiện rất tốt. Hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, chất lượng, mẫu mã tốt và giá cả hợp lý. Hàng Việt chiếm thị phần lớn trong sức mua của người tiêu dùng, thương hiệu hàng Việt ngày càng được khẳng định.

Việc cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống của người dân được bảo đảm ở mức độ tin cậy cao, không ở đâu xảy ra sự đứt gãy về nguồn cung về xăng dầu hay điện. Kỳ điều hành giá xăng dầu trong Tết đã thực hiện mức giảm tương đối cao, trên 3%, nhờ vào giá thị trường thế giới có xu hướng giảm. Dù phụ tải dịp Tết giảm, điện áp cao, gây khó khăn cho công tác vận hành, hệ thống điện đã được duy trì ổn định.

Tình hình sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước có nhiều khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đến 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 19,5%.

Thị trường trong nước phát triển rất mạnh, tăng trường 8 - 9%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu đạt được kết quả nổi bật, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu là 37,7%, trong đó xuất khẩu tăng 42% và nhập khẩu tăng 33,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt 66,22 tỷ USD, với mức xuất siêu kỷ lục là trên 2 tỷ USD.

Việc cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu góp phần bảo đảm những cán cân lớn của nền kinh tế được thực hiện trong thời gian qua.

Công tác quản lý thị trường đã được lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng hữu quan trên cả nước đã tiến hành một cách hiệu quả, nhờ đó tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn có xu hướng sôi động ở những ngày cận Tết nhưng trong những ngày Tết không ở đâu xảy ra những vụ việc vi phạm lớn hay ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng.

Các chế độ chính sách đối với người lao động ở các cơ sở công nghiệp dịch vụ trên cả nước đều được bảo đảm, có tháng lương thứ 13 và thu nhập tối thiểu bình quân cao so với cùng kỳ năm trước. An toàn môi trường công nghiệp được bảo đảm thực hiện tốt trên phạm vi cả nước.

Hoạt động công nghiệp - thương mại diễn ra sôi động tại các địa phương

Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hoá chuẩn bị cho cung ứng Tết khoảng 22.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường, và được 45 doanh nghiệp chuẩn bị và cung ứng ra thị trường thông qua các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó có các chuỗi lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hoá Xanh,…

Đáng chú ý, doanh thu của một số hệ thống phân phối, trong đó có Bách Hoá Xanh tăng khoảng 15-18% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các chương trình bán hàng lưu động, và chương trình chăm lo cho công nhân lao động của các doanh nghiệp đã giúp cho việc cung ứng hàng hoá kịp thời tới từng ngóc ngách, thậm chí vùng sâu, vùng xa,… Đặc biệt, việc giảm giá sâu, khuyến mại giúp ổn định giá cả thị trường.

Đối với Đà Nẵng, tháng 1/2024, sản xuất công nghiệp Thành phố tăng tới 26,2% so với cùng kỳ năm 2023, thị trường trong nước tăng 10,8%, xuất nhập khẩu tăng 99%. 

Thực hiện Chỉ thị 01 của Bộ Công Thương về cung ứng xăng dầu, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đoàn giám sát cùng Cục Quản lý thị trường thành phố tới thăm và kiểm tra các cửa hàng xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung trước, trong và sau Tết cho toàn dân. Đồng thời, phối hợp với một số ngành, một số đơn vị lớn trên địa bàn để đảm bảo cung ứng hàng hoá, tổ chức 19 điểm bình ổn hàng hoá các mặt hàng thiết yếu tại các vùng đông dân cư và nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tại Hải Phòng, hiện có 9 tổng kho xăng dầu trên địa bàn, với tổng dung tích là 450 nghìn m3, 2 thương nhân đầu mối xăng dầu, khoảng 10 thương nhân phân phối, 1 tổng đại lý và 6 đại lý bán lẻ xăng dầu với trên 250 cửa hàng, trong đó có trên 110 cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, PV Oil,… 

Sở Công Thương Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra trong hai ngày nghỉ đầu tiên để kiểm tra các cửa hàng xăng dầu, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra tình trạng dừng hoạt động, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp đều mở cửa phục vụ người dân, không có cửa hàng nào đóng cửa.

Về cung cấp điện, các sự cố nhỏ trên lưới điện 220kV phát sinh trong đêm đã được xử lý khắc phục xong trong vòng 15 phút đến 2 tiếng đồng hồ, đảm bảo cung ứng điện cho người dân. 

Đáng chú ý, ngay từ ngày mùng 3 Tết, Sở Công Thương Hải Phòng đã bắt đầu làm việc, cấp trên 30 bộ giấy chứng nhận xuất xứ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nam Phi, đảm bảo không ách tắc hàng hoá xuất nhập khẩu. 

Trong khi đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tháng 1/2024 cũng tăng so với tháng trước. Các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hoá Tết đa dạng với tổng giá trị khoảng 474 tỷ đồng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt năm nay, nhu cầu mua sắm online của người dân tăng khá cao so với những năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 120 triệu USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2023. Ngay sau Tết, các doanh nghiệp đã sớm tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Có những doanh nghiệp đã ra quân từ sáng mùng 2 Tết để sản xuất hàng hóa và có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Sáu nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ ra còn có những vấn đề cần phải tập trung giải quyết.

Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng không ổn định, gian lận thương mại vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, cần sự vào cuộc của không chỉ của ngành Công Thương mà còn của các ngành có liên quan.

Trong quá trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh lưu thông phân phối còn nhiều khó khăn, vướng mắc do sự chồng chéo về các quy định hiện hành, sự rườm rà của các thủ tục hành chính, hay áp lực từ những rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta.

Thói quen sản xuất xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn ngự trị ở nhiều địa phương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra nhiều thách thức, khó khăn ngành Công Thương địa phương cần vượt qua trong năm 2024 để đạt được các mục tiêu đã đề ra

Dự báo, năm 2024 và thời gian tiếp theo, nhìn chung kinh tế nước ta sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị và kinh tế của thế giới có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt, năm 2024 là năm quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra của cả giai đoạn 5 năm 2021-2025. Ngành Công Thương, bên cạnh việc phải phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và các mục tiêu đề ra trong bối cảnh khó khăn như vậy, còn vừa phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra bởi các cơ quan chức năng thời gian qua. Đây là thách thức vô cùng lớn.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành và đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ; Chương trình hành động của Bộ Công Thương để thực hiện các nghị quyết này, nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết một cách quyết liệt, hiệu quả. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đề cập trong chương trình hành động của Bộ Công Thương.

Các địa phương cần bám sát chương trình này, kết hợp với chương trình hành động của các địa phương thực hiện nghị quyết của Chính phủ; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương để cùng với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương triển khai thực hiện tốt.

Thứ hai, các địa phương cần phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các cơ sở, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất và kinh doanh. Tập trung cao độ việc rà soát để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; chủ động, tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh đối với cấp trên về những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tại Đề án và chương trình hành động của Bộ đã thể hiện rất rõ tinh thần phải phát triển theo hướng ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành; đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

Năm 2023, bốn quy hoạch trong lĩnh vực này đã được thông qua và các kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng đã và đang được Chính phủ xem xét ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cùng với quy hoạch của các địa phương, để triển khai thực hiện những nhiệm vụ trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

“Nếu chúng ta vận dụng kịp thời và triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả trên các địa phương thì sẽ tạo ra những dư địa, xung lực mới cho phát triển từng địa phương nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung”,  Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ tư, đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện thật tốt nhiệm vụ cung ứng xăng dầu và điện cho sản xuất và đời sống, với phương châm “trong bất kể tình huống nào không được để xảy ra đứt gãy về nguồn cung xăng dầu và cung ứng điện”. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong vấn đề này là rất quan trọng.

Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp và người sản xuất triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường và khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết và là thành viên. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua.

“Đã đến lúc chúng ta phải chuyển mạnh mẽ, chuyển dứt điểm từ sản xuất, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang sản xuất, xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Thứ năm, đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) làm tốt công tác quản lý thị trường trên địa bàn lãnh thổ của mình, tập trung đấu tranh với nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại không chỉ trên môi trường thương mại truyền thống mà phải chú trọng cả trên thương mại điện. Để làm được việc này, Sở Công Thương địa phương phải là đầu mối, chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn như Sở Thông tin truyền thông, Công an,…

Chú trọng phát triển thị trường trong nước thông qua khuyến khích, hỗ trợ và tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại truyền thống, như chợ đầu mối, chợ dân sinh, đến siêu thị,… Cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống bán lẻ ngay từ tại địa phương, tạo điều kiện cho các thương hiệu Việt khẳng định được uy tín, vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ.

Thứ sáu, từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương ở địa phương, đề nghị các địa phương khẩn trương và kịp thời tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắt hiện hữu, đồng thời đề xuất đưa ra những cơ chế, chính sách tạo đột phá, giải phóng các nguồn lực cho xã hội. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nội để hình thành, phát triển tư bản dân tộc đủ mạnh, độc lập và tự cường.

Thy Thảo