Kiên Giang: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Với chiều dài đường bờ biển khoảng 200km; Khu dự trữ sinh quyển thế giới có tổng diện tích hơn 1 triệu ha; lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 44,2% trong cơ cấu GDP thì việc ứng phó với biến đổi khí h

Hậu quả của biến đổi khí hậu là thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, đến nền kinh tế của tỉnh. Việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng sẽ làm thay đổi môi trường sống của thực vật và động vật, làm thay đổi tính đa dạng sinh học,… của các vùng sinh thái. Đặc biệt đối với Khu dự trữ Sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 2006 bao gồm toàn bộ bờ biển và các hệ sinh thái dưới nước với các hòn đảo, đầm lầy, rừng đước, các rạng san hô và các mảng rừng nhiệt đới nguyên sinh (ở 2 Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng); nhiều khu hệ sinh thái rừng nguyên sinh chưa bị tác động, nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm; có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam và trên thế giới như: sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh và hạc cổ trắng, Dugong (bò biển), rùa xanh,… 

Thực tế cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động đáng kể. Báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Kiên Giang khi so sánh số liệu quan trắc trung bình của giai đoạn 1998-2007 với đối chứng (giai đoạn 1975-1981) cho thấy diễn biến khí hậu thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho con người và có nhiều hiện tượng tự nhiên bất thường, như nhiệt độ ngày càng có xu hướng gia tăng, khắc nghiệt hơn những năm trước đây, lượng mưa cũng thay đổi, các cơn bão lớn xảy ra muộn (chủ yếu vào tháng 11 - tháng 12) cùng với triều cường biển Tây (vào tháng 12 và tháng 1) gây ảnh hưởng lớn đến khu vực ven biển… 

Cũng như các địa phương ven biển, Kiên Giang đang gặp khó khăn do tác động của BĐKH, các công trình thủy lợi, đê bao ven biển... chưa theo kịp nhu cầu phát triển của địa phương. Tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng trong mùa khô 2010, chứng tỏ khả năng kiểm soát mặn của các công trình không hiệu quả, việc vận hành hệ thống cống, đập cũng phát sinh nhiều bất cập. 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương cho biết, trước thực tế trên UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, như: Triển khai Quyết định 667 của Thủ tướng Chính phủ về trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển, bảo vệ đất nông nghiệp và nâng cấp hệ thống đê biển; phối hợp chặt chẽ với Dự án GTZ tại tỉnh Kiên Giang (do AusAID tài trợ thông qua GTZ) để tiến hành các nghiên cứu cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các mô hình kinh tế, ổn định dân cư ven biển, Tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng trong nhân dân về biến đổi khí hậu và nước biển dâng;…
 
Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng đưa ra một số giải pháp và kinh nghiệm đối phó với biến đổi khí hậu như xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu; Xây dựng hạ tầng thủy lợi trên tuyến đê biển và hệ thống cống trên các cửa sông liên vùng. Bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ven biển, hệ thống cây xanh bảo vệ chống xói lở bờ biển. Xây dựng mô hình sống chung và phù hợp với nước biển dâng. Phổ biến các mô hình hệ canh tác phù hợp với nước biển dâng: Thực chất của mô hình canh tác là xây dựng các đê bao cục bộ từng vùng, từng nông hộ. Tất cả các giải pháp đặt ra phải được thực hiện khẩn trương để đối phó với những diễn biến của tự nhiên nhằm phục vụ yêu cầu cho đời sống và phát triển kinh tế trong điều kiện mới. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kinh nghiệm, những giải pháp ứng phó chủ động của từng địa phương; cần có những dự án, công trình có quy mô cấp vùng, cấp khu vực mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, và đặc biệt là của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng chung sức với Kiên Giang để thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.