Tác động của giáo dục tài chính sớm tới hành vi quản lý tài chính cá nhân ở độ tuổi thanh niên và trưởng thành: Nghiên cứu điển hình tại thành phố Hà Nội

Đề tài Tác động của giáo dục tài chính sớm tới hành vi quản lý tài chính cá nhân ở độ tuổi thanh niên và trưởng thành: nghiên cứu điển hình tại thành phố Hà Nội do Nguyễn Khánh Linh1 - TS. Trịnh Thị Phan Lan2 (1 Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội - 2Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm kiểm định tác động của giáo dục tài chính sớm và liên tục ở gia đình với hành vi quản lý tài chính tốt của trẻ ở độ tuổi thanh niên và trưởng thành. Nhóm tác giả đã phân nhóm khảo thành 3 nhóm: giáo dục tài chính sớm và liên tục từ độ tuổi tiểu học, giáo dục tài chính liên tục từ độ tuổi trung học cơ sở, giáo dục tài chính từ gia đình trong độ tuổi 15 đến 17 hoặc giáo dục tài chính từ gia đình không có tính liên tục. Kết quả khảo sát cho thấy giáo dục tài chính từ sớm trong độ tuổi tiểu học sẽ tăng khả năng con trẻ có kỹ năng quản lý tài chính tốt, cũng như hiểu biết tài chính cao hơn các độ tuổi muộn hơn. Ngoài ra, giáo dục tài chính có tính liên tục và kéo dài cũng đóng góp phần lớn trong việc tạo dựng thói quen quản lý tài chính cho trẻ nhỏ.

Từ khóa: giáo dục tài chính, tài chính cá nhân, độ tuổi thanh niên và trưởng thành.

1. Đặt vấn đề

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, nhận định vai trò trụ cột của giáo dục tài chính. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục tài chính vẫn chưa được đẩy mạnh ở Việt Nam và hiểu biết của người trẻ về tài chính còn hạn chế. Theo khảo sát "Financial literacy around the world", trung bình dân số có hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân trên thế giới là 33%, trong khi ở Việt Nam, con số là 24% (S&P, 2015). Một thực tế đáng lo ngại được thực hiện bởi khảo sát của Quỹ Dân số Liên hợp quốc chỉ ra rằng chỉ có 27% số người Việt trong độ tuổi hưu trí (60 tuổi 3 tháng ở đàn ông và 55 tuổi 4 tháng với phụ nữ) ổn định tài chính và có lương hưu. Trong khi đó, người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy của nền kinh tế tiêu dùng.

Một khảo sát của trang Intage VietNam về độ tuổi đa dạng của những cá nhân tham gia vào hành vi mua hàng trực tuyến cho biết ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, trong nhóm người từ 15-17 tuổi, số người tham gia mua sắm ở các trang thương mại điện tử chiếm 52%, trong nhóm 20-24 tuổi, số người tham gia mua sắm ở các trang thương mại điện tử chiếm 70% và trong nhóm 25-30 tuổi, có 83%.

Điều này có nghĩa, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, người trẻ Việt Nam dễ rơi vào khủng hoảng tài chính bởi những cám dỗ của một thời đại mới mang lại.

2. Tổng quan nghiên cứu

Hiểu biết tài chính được hiểu là cách thức quản lý nguồn tiền cá nhân theo phương diện dự phòng, đầu tư, tiết kiệm và lập ngân sách (Hogarthe, 2002). Hoặc, hiểu biết tài chính có thể được xem như một “đại lượng đo lường mức độ hiểu biết các khái niệm cơ bản về tài chính và có khả năng cùng sự tự tin để quản lý tài chính cá nhân thông qua việc đưa ra các quyết định hợp lý trong ngắn hạn một cách có cơ sở, lập kế hoạch tài chính dài hạn, đồng thời sống có trách nhiệm hay quan tâm tới cuộc sống và thay đổi về điều kiện kinh tế” (Remund, 2010).

Bên cạnh yếu tố học tập và bắt chước, hành vi tiêu dùng của trẻ còn được cho là bẩm sinh. Những phản ứng tiêu xài hoang phí hay tiết kiệm được cho là không thừa hưởng từ phụ huynh (Scott Rick, 2018). Theo thí nghiệm của Scott Rick, ngay từ lúc 5 tuổi, những đứa trẻ đã có thái độ khác nhau với tiền. Trong thí nghiệm của Rick, cảm xúc của chúng đối với việc chi tiêu sẽ quyết định chúng chọn tiết kiệm hay chi tiêu. Và đối với một đứa trẻ tiêu xài hoang phí, ngay cả khi không thực sự cần món đồ đó, chúng vẫn quyết định mua sắm (Scott Rick, 2018). Như vậy, bốc đồng và kiểm soát thôi thúc cũng là một yếu tố quyết định hành vi chi tiêu và 2 yếu tố này là hoàn toàn bẩm sinh.

Vì vậy, những khuyến cáo về giáo dục tài chính cho rằng những cuộc nói chuyện nghiêm túc về quản lý tài chính phải được xảy ra trước độ tuổi teen - trước khi trẻ đã hình thành những thói quen nhỏ trong thời niên thiếu (Scott Rick, 2018). Lời khuyên này có phần tương đồng với mô hình nhận thức của Gudmuson và Danes về quá trình hình thành khả năng quản lý tài chính tốt (Financial well-being). Các nghiên cứu của Kim, La Taillade, & Kim ( 2011); Pritchard & Myers (1992); Webley & Nyhus (2006) cho thấy phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục tài chính ở trẻ. Quá trình này ở trẻ em được thể hiện qua việc quan sát các hoạt động tài chính của phụ huynh, những hành vi tích cực và tiêu cực mà trẻ quan sát được sẽ dẫn đến thái độ với tiền bạc sau này (Jorgensen and Salva (2010). Ngoài ra, phụ huynh cũng có những tác động trực tiếp đến thái độ với tiền của trẻ. Theo dõi chi tiêu và thảo luận các hoạt động tiền tệ là một trong các hình thức phụ huynh tác động trực tiếp đến năng lực quản lý tài chính của trẻ. Điều này đã được nghiên cứu rộng rãi và sự tham gia của phụ huynh vào giáo dục tài chính được cho là sẽ giúp nâng cao kiến thức, cũng như liên quan đến việc hình thành thái độ đối với tiền bạc (Allen và cộng sự, 2007; Moore & Stephens, 1975; Moschis, 1985; Moschis, Prahasto, & Mitchell, 1986; Norvilitis & MacLean, 2010).

3. Phương pháp nghiên cứu

Khảo sát này nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của giáo dục tài chính từ sớm và liên tục ở gia đình (mang tính tích cực) khi còn nhỏ đối với hành vi quản lý tài chính của trẻ sau này. Do đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát để thu thập dữ liệu. Theo đó, các cá nhân tham gia khảo sát sẽ trả lời một số câu hỏi về các kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với quản lý tài chính họ đã học được hồi nhỏ tại gia đình và hiệu quả của giáo dục tài chính đó tới hành vi quản lý tài chính của họ khi lớn lên.

Theo nghiên cứu của Jorgensen và cộng sự năm 2017, khu vực sinh sống là một tác nhân ảnh hưởng đến thái độ tài chính. Vì vậy, chúng tôi thu thập số liệu từ các học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập ở Hà Nội để hạn chế ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài. Cuối cùng, chúng tôi thu về 310 kết quả khảo sát đến từ đối tượng học học sinh và sinh viên Hà Nội. Số liệu được khảo sát online vào năm 2023. Bảng khảo sát được thực hiện với 3 nội dung chính, bao gồm: Giáo dục tài chính từ gia đình, Thói quen quản lý tài chính lành mạnh và Khả năng quản lý tài chính. Chúng tôi sử dụng thang đo likert 5 mức độ để đo lường mức độ thường xuyên của giáo dục tài chính từ gia đình. Ví dụ, người tham gia khảo sát đánh giá mức độ hài lòng với khẳng định: “Bố/mẹ bạn thường xuyên chỉ dẫn bạn cách phân loại tiền ở độ tuổi tiểu học (5-10 tuổi)”. Với những phản hồi trên trung bình (4 hoặc 5) chúng tôi đánh giá rằng: giáo dục tài chính từ gia đình đã xuất hiện ở độ tuổi từ 5-10. Ngược lại, những phản hồi từ 1-3 sẽ được đánh giá là chưa thực sự trải qua giáo dục tài chính ở độ tuổi 5-10.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Độ tuổi:

Đối tượng thực hiện gồm những người từ 15-25 tuổi trên toàn bộ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Độ tuổi 15-17 tuổi được chú trọng hơn trong khảo sát (chiếm 67,1% với 208 người) vì họ hiện vẫn chưa tự chủ tài chính và là độ tuổi bắt đầu tìm hiểu và xây dựng thói quen quản lý tài chính. Số lượng cá nhân từ 15-17 tuổi chiếm phần lớn với 67,1%, tương đương với 208 người tham gia, vì họ hiện vẫn chưa tự chủ tài chính và là độ tuổi bắt đầu tìm hiểu và xây dựng thói quen quản lý tài chính, chưa có thôi thúc độc lập tài chính hoặc còn hạn chế. Theo sau đó là độ tuổi từ 18-25 với 102 người, chiếm 32,9% phản hồi. Đây là độ tuổi trưởng thành ở Việt Nam, những người thuộc độ tuổi này thường là sinh viên, những người đã ra trường và có thôi thúc độc lập tài chính. Phần lớn trong số họ bước đầu phải tính toán chi phí sinh hoạt, tiết kiệm cho đời sống cá nhân. Vì vậy, quản lý tài chính cá nhân dần trở thành yêu cầu mang tính thiết yếu ở độ tuổi này.

Giới tính:

Khảo sát được thực hiện ngẫu nhiên không chọn lọc với số người tham gia là 310 (N=310), trong đó số người tham gia nữ là 173 (chiếm 55,8%) và nam là 137 (44,2%). Hoàn cảnh gia đình họ phần đông (chiếm đến 63.5%) là khá giả với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

4.2. Phân nhóm độ tuổi được giáo dục tài chính

Thông qua khảo sát, chúng tôi phát hiện và phân thành 3 nhóm:

  • Nhóm 1: được phụ huynh giáo dục tài chính liên tục từ 5 đến 17 tuổi.
  • Nhóm 2: được phụ huynh giáo dục tài chính liên tục từ 11 đến 17 tuổi.
  • Nhóm 3: gồm những cá nhân còn lại: được gia đình giáo dục tài chính từ 15 đến 17 tuổi hoặc không được giáo dục tài chính liên tục từ 5 đến 17 tuổi.

Chúng tôi phân loại dựa trên kết quả câu trả lời của người được khảo sát. Chẳng hạn, chúng tôi đánh giá giáo dục tài chính gia đình có xuất hiện ở độ tuổi 5 đến 10 hay không qua câu khẳng định: “Ở độ tuổi tiểu học (từ 5 đến 10 tuổi) phụ huynh anh/chị/bạn thường xuyên nói chuyện với bạn về các kinh nghiệm quản lý tài chính như nhận biết loại tiền, thói quen tiêu dùng, những gì nên mua và không nên mua,...”. Với phản hồi 4 và 5, chúng tôi nhận định giáo dục tài chính ở gia đình có xuất hiện thường xuyên đối với người khảo sát. Đối với những phản hồi 1, 2, 3, chúng tôi nhận định người khảo sát chưa được giáo dục tài chính gia đình ở độ tuổi này. Tương tự như vậy, chúng tôi chọn những cá nhân có lựa chọn 4 hoặc 5 đối với cả 3 câu hỏi về “những cuộc nói chuyện về quản lý tài chính xuất hiện trong gia đình tôi” ở cả 3 giai đoạn 5-10 tuổi, 11-14 tuổi và 15-17 tuổi để xếp vào nhóm “Giáo dục tài chính gia đình xuất hiện liên tục từ 5 đến 17 tuổi”. (Hình 1)

giáo dục tài chính

Khi khảo sát về giáo dục tài chính ở mỗi gia đình, có đến 137 người (chiếm 44,2%) trả lời được phân loại vào nhóm “được phụ huynh giáo dục tài chính liên tục từ 5 đến 17 tuổi”. Tiếp đó là 91 người (chiếm 29,4%), cho thấy được giáo dục tài chính liên tục từ 11 đến 17 tuổi. Còn lại chỉ có 82 người (chiếm 26,5%) được giáo dục tài chính muộn (từ 15 đến 17 tuổi) hoặc không được giáo dục tài chính liên tục. Điều này cho thấy phụ huynh (đặc biệt ở thành phố lớn như Hà Nội) đã dần chú trọng đến giáo dục tài chính cho con trẻ từ sớm.

4.3. Thói quen quản lý tài chính lành mạnh

Chúng tôi tiếp tục phân tích thái độ quản lý tài chính của 3 nhóm đã phân loại nêu trên.

Nhóm 1: “được phụ huynh giáo dục tài chính liên tục từ 5 đến 17 tuổi”. Theo kết quả khảo sát, nhóm này có độ nhất quán cao về câu trả lời, với những phản hồi mang tính đồng ý cao với những khẳng định về hành vi quản lý tài chính tích cực. Chúng tôi đặt ra những câu hỏi về việc lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm ở các độ tuổi khác nhau (từ 5 đến 10 tuổi, từ 11 đến 14 tuổi và từ 15 đến 17 tuổi). Nhóm những người này cho thấy tính lặp lại cao của những hành vi quản lý tài chính tích cực như tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu qua từng năm với giá trị trung bình là 4 cho cả 6 câu hỏi.

Như vậy, những cá nhân được giáo dục tài chính sớm từ gia đình có độ thống nhất cao về hành vi quản lý tài chính tích cực.

Nhóm 2: “được phụ huynh giáo dục tài chính liên tục từ 11 đến 17 tuổi”.

Hành vi quản lý tài chính tích cực ở nhóm này có tính thống nhất thấp hơn nhóm số 1. Theo khảo sát, tuy vẫn có nhiều cá nhân có thói quen quản lý tài chính tốt, nhưng số trung vị của những kết quả nhận được giao động từ 3 đến 4. Cuối cùng, giá trị trung bình là 4 cho 6 câu hỏi (với 2 câu hỏi có kết quả trung vị là 3 và 4 câu hỏi đạt kết quả trung vị là 4).

Theo kết quả khảo sát, chúng tôi đánh giá, do hành vi giáo dục tài chính diễn ra muộn hơn, độ thống nhất của những hành vi quản lý tài chính tích cực từ độ tuổi 11 đến 17 sẽ giảm đi do không được giáo dục tài chính trong độ tuổi tuổi từ 5 đến 10 tuổi. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, hành vi quản lý tài chính lành mạnh chưa xuất hiện đồng đều ở độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi. Bởi vì có tới 50% phản hồi từ 1-3 cho câu hỏi: “Ở độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi, bạn luôn luôn có khoản tiết kiệm từ tiền tiêu vặt.”

Nhóm 3: Đối với nhóm này, số phản hồi cho thấy cá nhân được giáo dục tài chính từ 15 đến 17 tuổi là 56 người (chiếm 68.3%). (Hình 2)

giáo dục tài chính

Theo kết quả từ khảo sát, nhóm này có phản hồi giao động lớn nhất trong cả 3 nhóm, với số trung vị của phản hồi cho 4 câu hỏi là 3 và 2 câu hỏi có kết quả trung vị là 2. Cuối cùng, phản hồi trung bình cho 6 câu hỏi của nhóm này là 3

Sau khi so sánh cả 3 nhóm, chúng tôi nhận thấy thói quen quản lý tài chính lành mạnh trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi diễn ra có tính thống nhất cao nhất từ nhóm 1 và giảm dần cho tới nhóm 3. Trong đó, đối với nhóm 1, những người đưa phản hồi 4 và 5 cho cả 6 câu hỏi là 100 người (chiếm 72.9%), nhóm 2 có 49 người (53,8%) và nhóm 3 có 23 người (chiếm 28,0%).

4.4. Khả năng quản lý tài chính

Dựa trên mô hình của Dew và Xiao năm 2011, chúng tôi nhận định một cá nhân có khả năng quản lý tài chính tốt là cá nhân đạt phản hồi từ 4 và 5 đối với toàn bộ 7 câu hỏi.

Chúng tôi tiếp tục sử dụng số liệu của 3 nhóm người khảo sát đã phân loại và tiếp tục so sánh thái độ quản lý tài chính của 3 nhóm này.

Nhóm 1: Theo dữ liệu thống kê, chúng tôi nhận thấy, trong tổng số 137 người có 109 người gửi phản hồi 4 hoặc 5 cho toàn bộ 7 câu hỏi (chiếm 79,6%).

Nhóm 2: Trong tổng số 91 người, số người gửi phản hồi 4 hoặc 5 cho cả 7 câu hỏi là 32 người (chiếm 35,2%).

Nhóm 3: Số người gửi phản hồi 4 hoặc 5 chỉ còn 2 người trên tổng số 82 người (chiếm 26,8%).

Sau khi so sánh tổng số lượng những cá nhân có khả năng quản lý tài chính tốt trong 3 nhóm, chúng tôi thấy đối với nhóm được giáo dục tài chính liên tục từ 5 đến 17 tuổi, số cá nhân có khả năng quản lý tài chính cao hơn 2 nhóm còn lại. Trong khi đó, đối với nhóm được giáo dục tài chính trong độ tuổi từ 14 đến 17 hoặc không được giáo dục tài chính liên tục, nhận thấy số cá nhân có khả năng quản lý tài chính giảm đi đáng kể. (Hình 3)

giáo dục tài chính

 

5. Một số khuyến nghị

Hành vi giáo dục tài chính từ phụ huynh sẽ xây dựng những thói quen quản lý tài chính tốt và định hướng hành vi quản lý tài chính của trẻ. Theo kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy, giáo dục tài chính ngay từ độ tuổi tiểu học kéo dài liên tục đến độ tuổi trưởng thành sẽ nâng cao khả năng quản lý tài chính của trẻ. Giáo dục tài chính muộn hơn hoặc thiếu tính liên tục sẽ giảm khả năng trẻ có kỹ năng quản lý tài chính tốt. Từ đó, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh giáo dục tài chính cho con trẻ ngay từ độ tuổi tiểu học, với những bài học quản lý tài chính thiết yếu, gắn liền với những thói quen quản lý tài chính thiết yếu sau này. Vì những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân được hình thành từ thời niên thiếu và tiếp tục được học tập sau 18 tuổi cho đến khi già (Curran et al. 2018; Gudmunson et al. 2016; Serido et al. 2015), chúng tôi kết hợp những thói quen quản lý tài chính lành mạnh tuổi niên thiếu cùng những khuyến cao cho thói quen chi tiêu lành mạnh chuẩn bị cho tuổi già của Tiến sĩ Trịnh Thị Phan Lan và Vũ Thị Ngọc Hà năm 2022.

Chúng tôi hiểu có rất nhiều hành vi quản lý tài chính đúng đắn người trẻ sẽ cần tích lũy trong suốt quãng thời gian trưởng thành. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, giáo dục cách chi tiêu và tiết kiệm là 2 bài học cơ bản nhất mà gia đình nên dạy cho trẻ, đó là:

- Ghi chép chi tiêu: Đây là một thói quen quan trọng, vì nó nằm trong 5 lĩnh vực chính của hành vi quản lý tài chính (Dew & Xiao, 2011) chi tiêu. Hành vi này đóng vai trò quan trọng, vì người thực hiện sẽ biết được những khoản tiền của mình chi tiêu vào lĩnh vực gì, những khoản nào đang bị tiêu quá mức. Hành vi chi tiêu trong vô thức có thể biến những khoản chi nhỏ thành khoản chi lớn trong tương lai (TS. Trịnh Thị Phan Lan & Vũ Thị Ngọc Hà, 2022). Một đứa trẻ có thói quen chi tiêu cho những món quà vặt ngay từ nhỏ nếu không ghi chép lại để kịp thời nhận biết vấn đề và điều chỉnh có thể tạo thành một thói quen chi tiêu trong quá trình trưởng thành.

- Tiết kiệm: Không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền trong túi, mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền (Robert Kiyosaki). Tiền tệ đảm bảo cho bạn một cuộc sống vật chất đầy đủ và một tương lai tốt đẹp. Có một nguyên tắc cơ bản giúp chúng ta giàu lên, đó là: tiết kiệm trước, chi tiêu sau (T.T.P. Lan & V.T.N Hà, 2022). Một khoản tiết kiệm có yếu tố dài hạn, được tích lũy theo năm, tháng. Với một thói quen có ý nghĩa lâu dài, chúng tôi khuyến nghị trẻ được xây dựng thói quen từ sớm. Từ đó, hiệu quả của hành vi sẽ rõ ràng hơn. Ngoài ra, hành vi chi tiêu, tiết kiệm còn liên quan đến tính cách của trẻ, phản ứng của trẻ đến những cám dỗ vật chất (Scott Rick, 2018). Vì vậy, chúng tôi tin rằng hướng dẫn trẻ cách tiết kiệm từ sớm và liên tục sẽ giảm thiểu tác động của những tác nhân gây ảnh hưởng.

6. Đánh giá chung

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi kiểm tra giả thuyết: giáo dục tài chính sớm và liên tục ở gia đình từ sớm liên kết chặt chẽ với hành vi quản lý tài chính tốt của trẻ. Hơn nữa, chúng tôi muốn so sánh hiệu quả của thái độ giáo dục tài chính từ gia đình: giáo dục tài chính sớm và liên tục từ độ tuổi tiểu học, giáo dục tài chính liên tục từ độ tuổi Trung học cơ sở, giáo dục tài chính từ gia đình trong độ tuổi 15 đến 17 hoặc giáo dục tài chính từ gia đình không có tính liên tục. Qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận định, giáo dục tài chính sớm dần trở nên phổ biến hơn đối với phụ huynh Việt Nam. Từ đó, khả năng quản lý chi tiêu và hiểu biết tài chính của người trẻ Việt đã được nâng cao và dần được hình thành từ sớm. Cuối cùng, chúng tôi nhận định, gia đình giáo dục tài chính từ sớm trong độ tuổi tiểu học sẽ tăng khả năng con trẻ có kỹ năng quản lý tài chính tốt, cũng như hiểu biết tài chính cao hơn các độ tuổi muộn hơn. Ngoài ra, giáo dục tài chính có tính liên tục và kéo dài cũng đóng góp phần lớn trong việc tạo dựng thói quen quản lý tài chính cho trẻ nhỏ.

Những số liệu thu thập được đã hoàn thành tốt công việc chứng minh cho giả thuyết mà chúng tôi đưa ra. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn một số thiếu sót. Vì khả năng quản lý tài chính sẽ tiếp tục được hình thành và thay đổi sau độ tuổi 18 (Curran, 2018; Gudmunson, 2018; Serido, 2015), nên để đánh giá chính xác tác động của giáo dục tài chính từ sớm lên khả năng quản lý tài chính của trẻ cần được theo dõi trong một thời gian dài hơn. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ mở rộng độ tuổi khảo sát của người tham gia. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng sẽ phỏng vấn sâu cả phụ huynh để có những câu trả lời khách quan, tạo nên cơ sở đối chiếu với những nhận định mà cá nhân người khảo sát đưa ra. Hơn nữa, bài nghiên cứu này bị giới hạn bởi mô hình phân tích số liệu, cũng như chưa thể tính được sự ảnh hưởng của những biến độc lập. Chúng tôi thừa nhận rằng, những yếu tố như hoàn cảnh sống, tính cách, giới tính,... cũng có tác động đến khả năng quản lý tài chính của người trẻ.

Với những hạn chế trên, chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu và loại trừ được những điểm yếu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ashley B. LeBaron & Heather H. Kelley (2021). Financial Socialization: A Decade in Review. Journal of Family and Economic Issues.
  2. Tidio (2023). Online Shopping Statistics: Ecommerce Trends for 2023.
  3. Danes, S.M., & Brewton, K.E, (2014). The role of learning context in high school students' financial knowledge and behavior acquisition. Journal of Family and Economic Issues.
  4. Damian, I.E., Negru-Subtirica, O., Domocus, I et al (2019). Healthy financial behaviors and financial satisfaction in emerging adulthood: A parental socialization perspective. Emerging Adulthood.
  5. Danes S.M., & Yang, Y. (2014). Assessment of the use of theories within the Journal of Financial Counseling and Planning and the contribution of the family financial socialization conceptual model. Journal of Financial Counseling and Planning.
  6. Curran, M.A., Parrott, E., Ahn, S.Y., Serido, et al (2018). Young adults' life outcomes and well-being: Perceived financial socialization from parents, the romantic partners, and young adults' own financial behaviors. Journal of Family and Economic Issues, 39(3), 445-456.
  7. Jorgensen, B.L., Rappleyea, D.L., Schweichler, J.T. et al (2017b). The financial behavior of emerging adults: A family financial socialization approach. Journal of Family and Economic Issues, 38(1), 57-69.
  8. Dew, J. & Xiao, J.J. (2011). The financial management behavior scale: Development and validation. Journal of Financial Counseling and Planning, 22(1), 43.
  9. Danes, S.M. (1994). Parental perceptions of children's financial socialization. Financial Counseling and Planning.
  10. Scott Rick (2018). New research shows children form attitudes about money at young age. <https://michiganross.umich.edu/rtia-articles/new-research-shows-children-form-attitudes-about-money-young-age#:~:text=A%20new%20University%20of%20Michigan,%2C%20real%2Dlife%20spending%20behaviors.>
  11. Veronica Deenanath, Sharon M. Danes, và Juyoung Jang (2019). Purposive and Unintentional Family Financial Socialization, Subjective Financial Knowledge, and Financial Behavior of High School Students. Journal of Financial Counseling and Planning
  12. Neneng Susanti, Rima Rahmayanti, Rizal Ramdan Padmakusumah et al (2019). Factors Affecting Students' Financial Literation: A Study on Widyatama University, Indonesia. Universal Journal of Educational Research.

A study on the impact of the family’s early and continuous financial on the financial management behavior of children in adolescence and adulthood: A case study in Hanoi, Vietnam

Nguyen Khanh Linh1

Ph.D Trinh Thi Phan Lan2

1High School for Gifted Students in Social Sciences and Humanities, Vietnam National University - Hanoi

2School of Economics, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:

This study explores the impact of the family’s early and continuous financial education on the financial management behavior of children in adolescence and adulthood. The survey participants were divided into three groups, including early and continuous financial education from elementary school age, continuous financial education from middle school age, and financial education from the family for 15 - 17 years old or not continuous financial education from the family. The study finds that early financial education during elementary school will increase the likelihood that children will have good financial management skills as well as higher financial understanding than those who receive financial education in later years. In addition, continuous and prolonged financial education also contributes greatly to creating financial management habits for young children.

Keywords: financial education, personal finance, the youth and adulthood. financial socialization, financial education, childre.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương