Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Từ bài học ứng phó hiệu quả đến thực tế triển khai linh hoạt

6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đạt 48% kế hoạch, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tập đoàn đang nỗ lực hết sức cho mục tiêu cả năm 2023.

Ngày 7/7 tại Phú Thọ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

tap doan hoa chat

Nỗ lực vượt khó nâng sản lượng tiêu thụ

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Văn Thắng - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến nước ta. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.

ong nguyen van thang
Ông Bùi Văn Thắng, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tập đoàn báo cáo tại Hội nghị

Nhờ vậy, một số chỉ tiêu thực hiện đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng tiêu thụ mặt hàng chủ lực là phân bón các loại tăng 8,8%, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian suy giảm, cung ứng đầy đủ các mặt hàng phân bón với chất lượng ngày càng nâng cao.

Các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp cũng có sự phục hồi mạnh mẽ: sản lượng tiêu thụ lốp radial toàn thép tăng 11,3%; axit Clohidric HCl tăng 8,2%; chất giặt rửa các loại tăng tới 18,7%.

Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, giá trị xuất khẩu của Tập đoàn vẫn được giữ vững, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

So với lũy kế 6 tháng năm 2019 (là thời điểm trước khi diễn ra Đại dịch Covid-19), doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng năm 2023 tăng trưởng 30%; lợi nhuận tăng đến 15%.

Nhìn chung, doanh thu Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đã đạt 48% kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn đã ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Như vậy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, xuất khẩu... đang bám sát kế hoạch đề ra, là cơ sở để Tập đoàn tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2023.

ong nguyen phu cuong
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: 6 tháng cuối năm, Tập đoàn cần tăng cường hơn nữa, đảm bảo khối đoàn kết của toàn đơn vị, giữ được lực lượng lao động, đây là yếu tố sống còn.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định kết quả này có được là nhờ những bài học kinh nghiệm tích lũy được thời gian qua về ứng phó với diễn biến bất thường của bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:

“Càng trong bối cảnh bất ngờ thì càng phải xoay xở, càng phải tìm giải pháp khắc chế”

Kết quả này có được là nhờ những bài học kinh nghiệm tích lũy được thời gian qua về ứng phó với diễn biến bất thường của bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

6 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ, quan trọng nhất, Tập đoàn cần tăng cường hơn nữa, đảm bảo khối đoàn kết của toàn đơn vị, giữ được lực lượng lao động, đây là yếu tố sống còn. Sau đó mới phân tích các yếu tố thị trường, giá cả, nguyên vật liệu, thị trường…

Thứ hai, xu thế tất yếu là phải ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng.

Thứ ba, tuyệt đối nâng cao công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường, không để tác động xấu đến môi trường, không để sự cố xảy ra.

Thứ tư, triển khai các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất.

Thứ năm, chú ý đến vấn đề thị trường khi năm nay hạn hán kéo dài, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp.

Ông Ngô Văn Đông hóa chất
Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền chia sẻ, khó khăn của Bình Điền nói riêng và các doanh nghiệp phân bón nói chung hiện nay giá phân bón đang giảm một nửa so với năm 2022. Đây là lý do kết quả sản xuất kinh doanh sau quý II của Bình Điền chỉ đạt doanh thu trên 50%, sản lượng 40%, lợi nhuận 40% kế hoạch năm.  

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền: 

"Bình Điền sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để đa dạng đầu ra cho ngành phân bón. Lào và Việt Nam đã có cam kết ưu tiên sử dụng phân bón của Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Bình Điền cũng vừa ký kết với đối tác Myanmar, mở rộng thêm thị trường cho phân bón. Với thị trường Campuchia, 6 tháng qua, Bình Điền đã xuất khẩu hơn 31 nghìn tấn phân bón. Với những kết quả này, năm 2023, chúng tôi cam kết sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đặt ra”

Sang quý III và quý IV, thách thức đặt ra rất lớn với ngành phân bón khi giá cả diễn biến phức tạp, mọi dự đoán đều không chính xác. Cho nên, Bình Điền đã đặt ra giải pháp trong những tháng cuối năm là tập trung xây dựng và tiếp tục đưa thương hiệu Bình Điền đến với bà con nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển giao cho bà con các giải pháp canh tác hiệu quả. Đây là giải pháp lâu dài, mang lại hiệu quả bền vững.

ong le hoang khanh nhut
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho hay, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, DRC đã tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, công tác bán hàng. Bằng các giải pháp bán hàng linh hoạt trong việc đưa ra các chính sách bán hàng, hiệu quả trong đàm phán giá bán đã khai thác và nắm bắt kịp thời các cơ hội của thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023, DRC đã hoàn thành các chỉ tiêu về Doanh thu và Sản lượng tiêu thụ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 65 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ, đồng thời chiếm trên 70% tổng doanh số bán hàng toàn Công ty. 

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC): 

DRC đã triển khai thực hiện được rất nhiều hạng mục đầu tư quan trọng, góp phần đáng kể vào thành quả chung của Công ty. Cụ thể, triển khai bổ sung và chuyển đổi kịp thời nhiều thiết bị lẻ phục vụ sản xuất ở các Xí nghiệp.  Đặc biệt, Công ty đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư cho Dự án “Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm”. Góp phần quan trọng giúp cho dự án được triển khai sớm hơn dự kiến, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lốp TBR tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới”

Bám sát thị trường, tận dụng cơ hội giữ đà tăng trưởng

 Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực và kết quả khả quan của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 6 tháng, đặt trong bối cảnh năm 2023 rất khó khăn đối với các doanh nghiệp.

ong pham van son
Ông Phạm Văn Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp - Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp đánh giá cao những doanh nghiệp đã đạt được doanh thu trên 50% sau 6 tháng đầu năm. Đây là điều kiện quan trọng góp phần cho Tập đoàn hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm

“Đặc biệt, tôi đánh giá cao những doanh nghiệp đã đạt được doanh thu trên 50% sau 6 tháng đầu năm. Đây là điều kiện quan trọng góp phần cho Tập đoàn hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm”, ông Sơn ghi nhận.

Dù vậy, ông Phạm Văn Sơn cũng cho rằng, các chỉ tiêu này đặt ra áp lực lớn và đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các đơn vị trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi Chính phủ đã yêu cầu mức giải ngân hàng tháng của các Tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải cao hơn trung bình của cả nước.

“Đây sẽ là vấn đề được Ủy ban đẩy mạnh và thời gian tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cần giải ngân mạnh các dự án”, ông Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Sơn cũng giải đáp các kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các doanh nghiệp trực thuộc.

Ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, để hoàn thành kế hoạch từ nay đến cuối năm, tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn đều phải nỗ lực hết sức.

“Các ban của tập đoàn phải luôn đồng hành với doanh nghiệp. Tất cả các văn bản đưa ra đều phải giải quyết một cách nhanh nhất, thấu đáo, hiểu doanh nghiệp và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp”, ông Hiệp giao nhiệm vụ.

Cụ thể, Tổng Giám đốc yêu cầu Ban Kinh doanh bám sát, phân tích diễn biến thị trường, chia sẻ kịp thời các thông tin cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thị trường.

ong phung quang hiep
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn: Các Ban của Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần chủ động, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng lòng giữ vững đà tăng trưởng

 

Ban Kế hoạch tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ để triển khai thực hiện kế hoạch 05 năm và chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới. Giám sát việc mua bán sản phẩm của nhau của các đơn vị. Tăng kết nối chuỗi cung ứng trong nội bộ tập đoàn và tăng kết nối chặt chẽ với các Tập đoàn, Tổng công ty trong Ủy ban quản lý vốn và Đảng ủy Khối.

Ban Kỹ thuật cùng các đơn vị tăng cường giám sát công tác an toàn môi trường hồ đập, phòng chống cháy nổ; công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện tại các đơn vị.

Ban Đầu tư làm đầu mối thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn, đôn đốc quyết toán các dự án chưa hoàn thành, dự án EPC. Phấn đấu năm 2023 hoàn thành dự án EPC của DAP 2…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế 6 tháng cuối năm 2023 đạt 29.913 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 54.548 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm 2023.

Doanh thu 6 tháng cuối năm 2023 đạt 29.868 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 57.152 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm 2023.

Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2023 đạt 2.285 tỷ đồng, lũy kế năm 2023 đạt 3.471 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm 2023…

Đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn, cần nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp, liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị phương án cho các ẩn phẩm mới. Tìm giải pháp tiêu thụ, mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Chủ động xây dựng tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp quản trị mua sắm vật tư, bán hàng, chi phí tài chính, tăng cường quản lý hàng tồn kho, có biện pháp tái sử dụng hoặc thanh lý, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường quản lý chặt chẽ các công nợ phải thu, giảm nợ khó đòi, hạn chế phát sinh công nợ quá hạn và để mối nợ bị chiếm dụng. Tập trung rà soát, thực hiện nghiêm túc theo đúng pháp luật các kết luận, kiến nghị về sở hữu tài chính, hoạt động liên quan quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan thuế…

Đối với riêng nhóm ngành phân bón, yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch sản xuất, bán hàng, bám sát thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, giảm giá trị tồn kho (sản phẩm, vật tư...); giảm công nợ bán hàng, đặc biệt là nợ quá hạn nhằm giảm thiểu rủi ro về tài chính; tiếp tục tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với nhóm sản phẩm Apatit, cần tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục kịp thời các nguy cơ có thể gây mất an toàn hồ, đập, bãi thải trong mùa mưa, bão. Tập trung triển khai thực hiện Dự án Bãi thải số 3 Nhà máy tuyển Tằng Loỏng theo đúng kế hoạch đã dự kiến; đẩy nhanh tiến độ đưa Dự án Khai trường 19 vào khai thác trong tháng 7/2023... Rà soát kỹ, nghiêm túc tất cả các chi phí, đặc biệt những chi phí phát sinh (vận chuyển, bốc xúc lọc ép bùn quặng đuôi, điện năng...), nâng cao hiệu quả, đảm bảo hài hoà lợi ích chung cũng như của các đơn vị sử dụng.

Với các nhóm sản phẩm cao su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp, đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình, có những quyết sách hợp lý tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ, phát huy hết năng lực máy móc thiết bị đã và đang đầu tư, quan tâm phát triển sản phẩm mới để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể và không thấp hơn kế hoạch Tập đoàn giao.

Các đơn vị thuộc diện phải di dời cần chủ động xây dựng phương án di dời, tái thiết nhà máy theo kế hoạch lộ trình để không làm đứt gãy “chân hàng”.

Các Ban của Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần chủ động, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng lòng giữ vững đà tăng trưởng, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong năm 2023”, ông Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh.  

Trần Bản