Tập đoàn Hoa Sen (HSG) muốn lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản?

Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) vừa công bố việc góp vốn thành lập công ty mới hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với mục đích tìm kiếm các bất động sản có giá trị từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen
Tập đoàn Hoa Sen dự kiến sẽ góp 40 tỷ đồng để đầu tư, thành lập công ty liên kết mới trong lĩnh vực bất động sản.

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.

Hoa Sen Sài Gòn dự kiến hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen chiếm 40% vốn, tương ứng mức góp vốn là 40 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Hoa Sen Sài Gòn được thành lập với mục đích tìm kiếm các bất động sản có giá trị từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Cũng theo Tập đoàn Hoa Sen, sau khi góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn, nếu tình hình diễn biến thị trường thay đổi hoặc tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư, thì tập đoàn sẽ chuyển nhượng vốn đầu tư của mình cho các cổ đông hiện hữu của Hoa Sen Sài Gòn với giá chuyển nhượng bằng: Giá trị vốn đầu tư ban đầu cộng với khoản lãi được tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng.

Người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Hoa Sen tại Hoa Sen Sài Gòn là ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoa Sen.

Xét về kết quả kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính niên độ 2022/2023 với doanh thu thuần 31.650 tỷ đồng và lãi ròng 30 tỷ đồng, lần lượt giảm 36% và 88% so với niên độ trước.

Như vậy, tập đoàn này chỉ hoàn thành 30% mục tiêu của kế hoạch thận trọng (lãi 100 tỷ đồng) và 10% mục tiêu kế hoạch tích cực (lãi 300 tỷ đồng) đề ra trong niên độ 2022/2023.

Theo chia sẻ mới nhất của ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen về kế hoạch kinh doanh niên độ 2023/2024, thị trường thép tuy đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng năm 2024 thì chưa thể kì vọng sản lượng tăng trưởng mạnh do nhu cầu nội địa còn yếu và kinh tế vĩ mô thế giới còn nhiều rủi ro.

Hiện tập đoàn này đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ cả niên độ 2023/2024 ở khoảng 1,56 triệu tấn, tăng 11,4% so với niên độ 2022/2023.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dự báo xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tiếp tục ở mức cao trong quý 4/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Một số tổ chức tài chính kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen trong năm 2024 sẽ phục hồi đáng kể so với mức nền thấp của năm 2023.

Cụ thể, đối với thị trường nội địa, nhu cầu thép dự báo sẽ tăng lên khi hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tốc trở lại dưới sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất thấp. Đồng thời, các chính sách quyết liệt của Chính phủ đang dần giúp thị trường bất động sản phục hồi, cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 dự kiến tăng 1,9% so với năm 2023. Trongg đó, các thị trường dự kiến tăng mạnh nhất, gồm EU (tăng 5,8%), Ấn Độ (tăng 7,7%), và ASEAN (tăng 5,2%). Ngoài ra, thị trường lớn là Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,6%.

Do đó, nhờ vào vị thế là một trong những doanh nghiệp thép đầu ngành, đặc biệt là mảng tôn mạ tại Việt Nam cùng tệp khách hàng xuất khẩu đa dạng, Tập đoàn Hoa Sen sẽ hưởng lợi trực tiếp và gần như đầu tiên từ sự phục hồi chung của thị trường.

Duy Quang