Thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2025

Nghiên cứu "Thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2025" do ThS. Đỗ Thị Thanh Tâm - ThS. Trương Ngọc Chân (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Phát triển bền vững (PTBV) đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Quá trình phát triển bền vững cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường. Bài viết đã nêu rõ thực trạng thực hiện mục tiêu PTBV tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số định hướng thực hiện mục tiêu PTBV vào năm 2025.

Từ khóa: phát triển bền vững, xã hội, môi trường, tài nguyên.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu Covid-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức, sự kiện cực đoan này cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển hài hòa và cân đối giữa 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

Trong khi đó, thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, xung đột có tính leo thang và liên kết chặt chẽ với nhau, phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 còn yếu. Bên cạnh đó, hạn hán, lũ lụt đi kèm với nhiệt độ tăng đang ảnh hưởng lớn đến người dân trên toàn thế giới, làm gia tăng nghèo đói, bất ổn. Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu PTBV vào năm 2025.

2. Thực trạng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

- Nhiều mục tiêu rất khó đạt được vào năm 2030, trong khi đó thực trạng phát triển kinh tế -xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững

Mặc dù, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49 trên tổng số 166 quốc gia về chỉ số phát triển bền vững (PTBV) năm 2020, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019 và đạt điểm đánh giá cao hơn mức trung bình của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song có tới 10 mục tiêu PTBV sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành và 2 mục tiêu sẽ rất khó đạt vào năm 2030 (mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển). Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể có thể hoàn thành (chiếm gần 47%), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7%) sẽ gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) sẽ rất khó đạt vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát lại có thể tác động đến những thành quả đã đạt được và làm trầm trọng những thách thức, khó khăn để hoàn thành các mục tiêu PTBV còn lại đến năm 2030. Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực trực tiếp tới tiến trình thực hiện các mục tiêu như: xóa nghèo (mục tiêu 1); xóa đói (mục tiêu 2); sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc (mục tiêu 3); giáo dục có chất lượng (mục tiêu 4); bình đẳng giới (mục tiêu 5); tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững (mục tiêu 8); bất bình đẳng xã hội (mục tiêu 10). Đồng thời, đại dịch Covid-19 cũng tác động đến thành quả thực hiện các mục tiêu PTBV khác cả về trung và dài hạn. Sở dĩ như vậy vì các mục tiêu PTBV về bản chất được tích hợp và liên hệ với nhau, tức là những biến động và tác động đối với lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng tới kết quả ở những lĩnh vực khác.

Ngoài ra, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững. Tăng trưởng kinh tế chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Chưa tận dụng, khai thác tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế.

- Hệ thống chính sách còn tồn tại một số bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao.

Hệ thống văn bản chính sách còn cồng kềnh, phức tạp; cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo; Năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước còn yếu, nhất là ở cấp cơ sở; công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và quản trị doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Một số chính sách chưa đi vào thực tiễn do mục tiêu chính sách thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, mục tiêu chính sách quá cao trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách là hạn chế.

Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hiện tại vẫn chủ yếu là từ trên xuống. Việc tham gia của các bên liên quan, những người trực tiếp chịu tác động của chính sách trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách vẫn còn hạn chế. Một số phương án chính sách chưa xuất phát từ quyền và lợi ích của đối tượng chính sách; công tác tuyên truyền chính sách còn một số bất cập, chưa coi trọng đúng mức sự tham gia của đối tượng chính sách trong quá trình thực thi cũng như xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện... Sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước và xã hội vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và giám sát thực hiện chính sách chưa được khơi dậy và phát huy.

Chưa coi trọng đúng mức sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan với nhau và giữa cơ quan thực thi chính sách với đối tượng chính sách. Điều này thể hiện ở chỗ: ở một số nơi, cấp trên thiếu sâu sát với cấp dưới, thiếu sự kiểm tra, giám sát, điều chỉnh đối với hoạt động thực thi chính sách của cấp dưới nên đã dẫn đến hệ quả tiêu cực; sự phối hợp giữa các cơ quan theo chiều ngang còn chưa tốt, vẫn còn sự chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ cũng như không rõ về trách nhiệm giữa một số cơ quan.

- Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu PTBV

Để duy trì những thành tựu đã đạt được trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam một mặt phải tiếp tục duy trì được nguồn lực cần thiết để phát huy những kết quả đạt được đối với các mục tiêu PTBV đã và đang gặt hái thành công, mặt khác phải tiếp tục tăng cường nguồn vốn dành để hỗ trợ thực hiện hiệu quả hơn những mục tiêu PTBV còn đang gặp nhiều thách thức, hoặc khó có khả năng hoàn thành mục tiêu vào năm 2030. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu trong những năm tới đây không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện trên phạm vi toàn cầu như hiện nay. Những khó khăn nổi bật như sau:

Thứ nhất, thu ngân sách tính theo tỷ lệ % trên GDP (giá hiện hành) có xu hướng giảm trong những năm qua, từ mức trên 27% GDP của thập kỷ trước xuống còn khoảng trung bình 25% GDP trong giai đoạn 2010 - 2020, ở mức tương đương với mức trung bình của khu vực ASEAN. Việc tăng tỷ trọng thu NSNN trong những năm tới khó khả thi, khi việc tăng nguồn thu nội địa không bù đắp kịp mức độ giảm nguồn thu ngân sách, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do quốc tế và khu vực khi giá dầu thô hiện đang giữ ở mức thấp. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên đang rất cao, tạo nên sức ép đối với nợ công, thâm hụt ngân sách và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Thứ hai, nguồn ODA thực tế đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Việt Nam cũng dần không còn được nhận các khoản vay ODA ưu đãi như trước, mà ngược lại, sẽ phải chuyển sang vay theo lãi suất thương mại.

2. Định hướng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững năm 2025

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cần chú trọng thực hiện những định hướng như sau:

Một là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Rà soát, nghiên cứu các khoảng trống về chính sách hiện hành và hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu PTBV, trong đó cần nghiên cứu, ban hành các chính sách đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng:

+ Tăng cường năng lực của cơ quan hoạch định chính sách và tăng cường sự tham gia của các đối tượng bị tác động bởi chính sách trong quá trình hoạch định chính sách;

+ Thực hiện sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực để thực thi một số chính sách liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người dân, có tác động lan tỏa hoặc là động lực cho sự phát triển bền vững;

+ Tăng cường sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa cơ quan thực thi chính sách và đối tượng chính sách.

Hai là tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các các mục tiêu PTBV. Bảo đảm thực hiện các mục tiêu PTBV không chỉ là công việc của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

+ Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan. Phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh và các cơ chế liên ngành khác trong việc kết nối và thúc đẩy sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV; Đảm bảo sự nhất quán, thống nhất trong hành động giữa trung ương và địa phương trong thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn đặc thù. Thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước số hóa.

+ Triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV ở tất cả các cấp chính quyền, địa phương hóa các mục tiêu PTBV một cách hiệu quả trong quá trình lập và thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch; Tăng cường năng lực của hệ thống thống kê quốc gia và địa phương về PTBV, nhằm hỗ trợ công tác giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV.

Ba là huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả.

+ Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; thực hiện các chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường liên kết và kết nối trong chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong khu vực phi chính thức chuyển sang hoạt động chính thức, thực thi hiệu quả pháp luật, mở rộng quy mô sản xuất.

+ Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về quy mô, nâng cao trình độ quản lý, kết nối thị trường, đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, tăng cường cơ chế thị trường đối với nhóm doanh nghiệp này để tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân, tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả khu vực tư nhân và Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

+ Chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ số lượng sang chất lượng. Ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư theo định hướng xanh, có khả năng thúc đẩy tạo việc làm.

+ Sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống, chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm các dự án đầu tư công có tác động lan tỏa thúc đẩy PTBV. Kế hoạch đầu tư công cần có sự lồng ghép với các mục tiêu PTBV để bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm và tập trung hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GIZ, (2019). Báo cáo Rà soát đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GIZ, (2020). Báo cáo tác động của Biến đổi khí hậu đến một số mục tiêu phát triển bền vững.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư-GIZ, (2019). Báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

 Challenges to Vietnam’s sustainable development goals by 2025

Master. Do Thi Thanh Tam

Master. Truong Ngoc Chan

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The sustainable development has become an urgent need and an inevitable development trend of society. The sustainable development requires a harmonious adjustment of economic growth, social security and environmental protection. This paper is to clarify the implementation of sustainable development goals in Vietnam and propose some orientations for the implementation of the country’s sustainable development goals by 2025.

Keywords: sustainable development, society, environment, resources.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]