Thái Nguyên tăng cường phát triển hạ tầng số

Ngày 29/9/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc Phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023-2025.
hạ tầng số

Theo Kế hoạch, phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng số phải phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh; đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, có bước đi và lộ trình cụ thể; phát triển an toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số; đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện thành công kế hoạch phát triển hạ tầng số, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, như đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500 của địa phương; thúc đẩy, ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông thụ động; tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến… 

Ngoài ra, tỉnh đã tập trung tăng cường huy động các nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng số; tạo mối liên kết về nhân lực giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số…

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2022 tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 8/63 tỉnh/thành phố về chuyển đổi số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 72%. 

Hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS). Tổng số thuê bao điện thoại cố định là 20.677 thuê bao, các thuê bao này chủ yếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khai thác, sử dụng; tổng số thuê bao điện thoại di động là 1.757.071 thuê bao, đạt tỷ lệ 135 thuê bao/ 100 dân (nhiều người sử dụng từ 2 thuê bao trở lên). Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%. Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,5%.

Thời gian tới, để tăng cường phát triển hạ tầng số Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc Phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, về mạng viễn thông băng rộng di động phấn đấu số thuê bao băng rộng di động đạt 95 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 94%. Tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 70 Mbps. Tỷ lệ xóm được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%. Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 25%. Mạng viễn thông băng rộng cố định, số thuê bao băng rộng cố định đạt 23 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 85%. Tốc độ băng rộng cố định (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 150 Mbps. Tỷ lệ xóm được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%. Tích hợp hạ tầng công nghệ số, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT, ứng dụng rộng khắp trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, xã hội số (giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao...). 

100% các ứng dụng dùng chung của cơ quan quản lý nhà nước sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của nhà nước, của tỉnh và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. Thành lập nhóm các chuyên gia hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI, blockchain, IoT. 

Bước đầu hình thành hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, Blockchain, IoT, hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Áp dụng triển khai sử dụng các nền tảng quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch công phục vụ xã hội. 

Nghiên cứu đưa vào triển khai sử dụng các nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu cửa cơ quan, doanh nghiệp và xã hội đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Tiếp tục nghiên cứu phát triển, duy trì nền tảng công dân số Thái Nguyên trên cơ sở các nền tảng sẵn có (C-Thainguyen, Thainguyen ID...) đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, như việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước còn có những hạn chế nhất định. Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị chưa đáp úng tương xứng; một số ngành, đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin...; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến toàn trình của các ngành, địa phương chưa đồng đều, ở một số đơn vị còn thấp; việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại một số vùng nông thôn còn thấp...

Với sự lãnh đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương, công tác xây dựng và phát triển hạ tầng số sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đề ra.

Minh Huế