Thành phố Hà Tĩnh: Xây dựng và phát triển xứng tầm đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

Xác định thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh, cũng như trong tổng hệ thống các đô thị của toàn quốc, Thành phố Hà Tĩnh đàng ngày càng có những thay đổi tích cực, đạt những chỉ số tăng trưởng ấn tượng xứng tầm cấp vùng là đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển của tỉnh theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hà Tĩnh lần thứ XXI đề ra.

Vượt qua thách thức, đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển KT-XH

Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh, giá cả các hàng hóa thiết yếu tăng cao, song với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, thành phố Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả kinh tế - xã hội khả quan. Thành phố có 25/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 11,67%. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 14.672 tỷ đồng. Thương mại - dịch vụ tăng 14,33%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,07%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả tốt, cả năm thu được 1.247 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch tỉnh giao.

Ông Nguyễn Duy Đức – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế của thành phố Hà Tĩnh tiếp tục gặp nhiều thách thức phát sinh, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tính đến hết ngày 31/8/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đạt 598,4 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch Tỉnh giao, 58% kế hoạch Thành phố giao. Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố đã đăng ký thành lập mới 284 doanh nghiệp; thành lập mới 04 Hợp tác xã; cấp mới cho 869 hộ, cấp lại 40 giấy hộ kinh doanh. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, giáo dục dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng đại trà cũng như học sinh giỏi, tổ chức nhiều hoạt động, mô hình giáo dục bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực; An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Tĩnh tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thành phố đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy nội lực, khuyến khích, hỗ trợ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực như: Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động tốt nguồn lực trong nhân dân để đầu tư các hạ tầng thiết yếu; cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất hàng hóa.

Khu Vincom trung tâm thành phố Hà Tĩnh
Khu Vincom trung tâm thành phố Hà Tĩnh

Đến nay, toàn Thành phố Hà Tĩnh có 10/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 02 phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu, 57 tổ dân phố kiểu mẫu; tập trung chỉ đạo, xây dựng được 34 tuyến phố văn minh đô thị, 03/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Thạch Hạ; 31/45 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Hà Tĩnh hiện vẫn đang tiếp tục tổ chức trồng cây xanh đầu năm theo đề án trồng 100.000 cây xanh giai đoạn 2021-2025, 9 tháng đầu năm đã trồng được 21.205 cây xanh, lũy kế thành phố đã trồng được 90.221 cây xanh.

Theo ông Nguyễn Duy Đức: Để đạt được những kết quả khả quan trên, Thành phố Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp trong triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, xây dựng phát triển đồng bộ và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển đổi số và phát triển đô thị. Thành phố đã phân tích, đánh giá khách quan, nhận diện rõ các mặt còn tồn tại, hạn chế, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới, chủ động tham mưu, đề xuất kịp các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động tiếp cận, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, có các giải pháp huy động tốt nội lực xây dựng, phát triển thành phố.

Thành phố Hà Tĩnh hiện đã nghiên cứu, xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Thành phố chủ động tiếp cận, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn ODA, xúc tiến đầu tư, thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng như: Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu” sử dụng vốn ADB; Dự án đường vành đai phía Đông; Dự án đường Xuân Diệu kéo dài đoạn từ đường bao khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền.

Phát triển xứng tầm đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

Thời gian tới, Thành phố Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố; tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giai đoạn này Thành phố tập trung phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai Đề án thí điểm đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Thành phố Hà Tĩnh
Cảnh đẹp Thành phố Hà Tĩnh về đêm

Theo đó, dự kiến phương án mở rộng Thành phố Hà Tĩnh sẽ theo 3 hướng: hướng Tây- mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt), phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam- mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông- mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.

Các phương án đảm bảo các yếu tố động lực phát triển bền vững cho thành phố, hình thành trọn vẹn không gian theo cả 2 trục Bắc - Nam, Đông - Tây (hiện nay chỉ Bắc - Nam); phát triển sản xuất, hình thành cụm công nghiệp kết hợp trung tâm logistics; kết nối với các khu đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào kỹ năng và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị sang phía Đông để mở rộng không gian hướng ra biển.

Cùng với việc mở rộng không gian, Thành phố chú trọng đổi mới công tác quy hoạch, đưa ra các phương án quy hoạch không gian tối ưu, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất và mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân; có tầm nhìn xa, đáp ứng quá trình gia tăng dân số và quy mô dân trong tương lai; đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khách sạn Vin pen Hà Tĩnh
Khách sạn Vin pearl Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm, tương đương với các đô thị có động lực tăng trưởng cao trong vùng Bắc Trung Bộ. Thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế chủ lực; phát triển công nghiệp, mở rộng và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với phát triển nông nghiệp đô thị.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy kinh tế số, đô thị thông minh. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường ổn định phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố