Thí điểm chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu gia cố, đắp nền

Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D (Đông Triều) đã phối hợp, nghiên cứu và lắp đặt dây chuyền chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98.
đất đá thải mỏ
Công ty TNHH Thương mại S&D đã phối hợp, liên kết thí điểm sản xuất, chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98.

Theo Văn bản số 4437/SXD-KT&VLXD của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã đánh giá mức độ phù hợp của dây chuyền sản xuất, cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án là có thể triển khai theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua khảo sát thực tế, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh về triển khai mô hình này, đồng thời Sở cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị.

Để giải quyết nhu cầu cấp bách về vật liệu đắp nền, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D đã phối hợp, liên kết thí điểm sản xuất, chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98. 

Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê đã lắp đặt dây chuyền trong khuôn viên trên diện tích đất sử dụng khoảng 1,4 ha. Nguồn nguyên liệu được sử dụng cho hoạt động được lấy từ nguồn đất đá thải mỏ của bãi thải Nam Tràng Bạch được cấp phép khai thác, vận chuyển cho Công ty TNHH Thương mại S&D.

Hiện Công ty đã nghiên cứu, lắp đặt thành công, thử nghiệm dây chuyền chế biến chất thải rắn xây dựng, đất đá thải mỏ thành vật liệu gia cố nền móng công trình. Dây chuyền hiện đã được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại kho bãi tập kết của Công ty với công suất khoảng 1.000 m3/ngày đêm.

Theo lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê thì đất đá thải mỏ vận chuyển về được sơ tuyển kỹ, rồi nghiền, sàng cho ra sản phẩm. Sản phẩm đất đá cấp phối hỗn hợp qua nghiền sàng, phối trộn đã được kiểm nghiệm bởi Viện Quy hoạch và Thiết kế xây dựng Quảng Ninh; được các cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra nhằm đánh giá khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng gia cố, đắp nền.

Hiện TX Đông Triều đang hướng dẫn Công ty các thủ tục để lập, điều chỉnh quy hoạch cập nhật dây chuyền này để tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị trong triển khai các sản phẩm mới, góp phần đẩy nhanh thực hiện các công trình xây dựng. Đây là một trong những đơn vị trong tỉnh đi tiên phong trong nghiên cứu, thử nghiệm, lắp đặt dây chuyền chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98.

Theo tính toán nếu được chế biến, sàng tuyển hợp lý, đảm bảo chất lượng thì nguồn đất đá thải mỏ tại các bãi thải của TKV và Tổng công ty Đông Bắc (khoảng 400 triệu m3 tính tới năm 2025) sẽ tạo thêm một nguồn cung cấp tốt để giải quyết nhu cầu cấp bách về vật liệu đắp nền K95, K98, thay thế cho các vật liệu gia cố, đắp nền khác đang khó khăn về nguồn cung.

Việc tỉnh Quảng Ninh được phép sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp, nhất là làm vật liệu đắp nền K95, K98 thay thế đất đồi, sẽ góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng khoáng sản, giảm diện tích đất sử dụng làm bãi thải ngoài, hạ được độ cao bãi thải giảm nguy cơ sạt lở, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, cũng như hạn chế việc khai thác đất đồi.

Hàng năm, các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất. Các bãi thải đất đá mỏ than chủ yếu tập trung tại các địa phương gồm Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều.

Với lượng đất đá thải mỏ trên địa bàn rất lớn, trong khi hiện nay nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án, công trình tại tỉnh Quảng Ninh hàng năm rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3 mỗi năm. Trong khi các mỏ đất đồi tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trên địa bàn. Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, do đó yêu cầu đặt ra cần phải hạn chế tối đa việc khai thác các mỏ đất đồi trên địa bàn tỉnh.

Xuân An