Thời điểm nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng

Năm 1995, nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái.
công nghiệp hóa hiện đại hóa
Công ty Khí hóa lỏng Thăng Long (Hải Phòng) 100% vốn Malaysia do Tổng công ty Khí quốc gia Petronas điều hành. (Ảnh: TTXVN)

Các chỉ tiêu đều vượt

Tính bình quân 5 năm 1991 - 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,7%/năm; nông nghiệp tăng 4,5%/năm; lĩnh vực dịch vụ tăng 12%/năm; tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991 - 1995) đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990.

Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 10 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, thế và lực của ta đã có bước phát triển vượt bậc.

Về thế, đất nước không còn bị bao vây cấm vận. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ; khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; từng bước đổi mới quan hệ với Liên bang Nga, các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu; mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển.

Đến thời điểm đó, nước ta có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào nước ta.

Về lực, bước đầu hình thành một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ đều đạt và vượt mức kế hoạch, nhưng quan trọng hơn, gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Đời sống vật chất của phần lớn nhân dân được cải thiện. “Mỗi năm thêm hơn 1 triệu lao động có việc làm”; người lao động được giải phóng khỏi ràng buộc của nhiều cơ chế không hợp lý, phát huy được quyền làm chủ và tính năng động sáng tạo, chủ động hơn trong tìm việc làm, tăng thu nhập. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Đồng thời, trải qua kinh nghiệm thực tiễn hợp tác với các nước, Việt Nam đã nhận thức đúng đắn triển vọng và xu thế của thời đại với 2 mặt cơ bản. Thứ nhất, các quốc gia lớn, nhỏ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Thứ hai, hợp tác ngày càng tăng nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt; do vậy, mở rộng quan hệ quốc tế được thực hiện trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa

Những thành tựu của công cuộc Đổi mới đã tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong cả nước hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 6/1996. Đại hội khẳng định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đặt ra mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đào Mạnh Đức