Thủ tục phân tích trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty Big Four Việt Nam

Đề tài "Thủ tục phân tích trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các công ty Big Four Việt Nam" do tác giả Nguyễn Thị Phương (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Một trong những phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả trong kiểm toán báo cáo tài chính là áp dụng thủ tục phân tích. Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp định tính để khảo sát nhận thức của các kiểm toán viên Big Four về tầm quan trọng của thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính và cách thức các kiểm toán viên Big Four áp dụng thủ tục phân tích trong thực tiễn kiểm toán. Kết quả cho thấy, thủ tục phân tích là quan trọng và thực sự cần thiết trong một cuộc kiểm toán tại Big Four.

Từ khóa: kiểm toán, báo cáo tài chính, kiểm toán viên, Big Four Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Rủi ro phát hiện của hoạt động kiểm toán sẽ tăng lên khi quy mô doanh nghiệp được kiểm toán, khối lượng và giá trị dịch vụ ngày càng tăng, tính phức tạp và loại hình giao dịch cũng dần đa dạng. Ngoài ra, các công ty kiểm toán cần chi phí hấp dẫn hơn cho khách hàng nên mâu thuẫn giữa lợi ích và chi phí, giữa việc nhận mức phí kiểm toán tương đối nhưng cung cấp dịch vụ chất lượng cao là bài toán nan giải cho các công ty kiểm toán nói chung và Big Four nói riêng.

Vì vậy, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng thủ tục phân tích trong kiểm toán báo cáo tài chính có thể coi là một giải pháp cho vấn đề này. Nghiên cứu của Mahathevan (1997) đã chỉ ra thủ tục phân tích có thể giúp giảm chi phí kiểm toán, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán. Nghiên cứu của Hylas và Ashton (1982) về giấy tờ làm việc trong kiểm toán cho thấy, trong số 281 sai lệch cần điều chỉnh trên báo cáo tài chính, có tới 27,1% sai sót được phát hiện bằng thủ tục phân tích. Như vậy, thủ tục phân tích là một trong những kỹ thuật kiểm toán giúp kiểm toán viên có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về doanh nghiệp, khai thác bằng chứng kiểm toán một cách nhanh chóng, hiệu quả đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bài nghiên cứu này xem xét tầm quan trọng của thủ tục phân tích và việc áp dụng các thủ tục phân tích của nhân viên Big Four trong các cuộc kiểm toán.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Thủ tục phân tích theo yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán

Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế (ISA) 520 định nghĩa, thủ tục phân tích là phương tiện đánh giá thông tin tài chính thông qua phân tích mối quan hệ hợp lý giữa cả dữ liệu tài chính và phi tài chính. Các thủ tục phân tích cũng bao gồm việc điều tra cần thiết đối với các biến động hoặc mối quan hệ đã xác định không nhất quán với các thông tin liên quan khác hoặc khác với các giá trị dự kiến ​​một lượng đáng kể.

ISA 315 quy định thủ tục phân tích trong việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu. Theo Chuẩn mực kiểm toán này, thủ tục phân tích được thực hiện như một thủ tục đánh giá rủi ro. Các thủ tục phân tích giúp xác định các điểm không nhất quán, các giao dịch hoặc sự kiện bất thường cũng như số lượng, tỷ lệ và xu hướng chỉ ra các vấn đề có thể ảnh hưởng đến kiểm toán. Các mối quan hệ bất thường hoặc không mong muốn được phát hiện có thể giúp kiểm toán viên xác định rủi ro có sai sót trọng yếu, đặc biệt là rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận. Do đó, các thủ tục phân tích được thực hiện như thủ tục đánh giá rủi ro có thể hỗ trợ việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu bằng cách xác định các khía cạnh của đơn vị mà kiểm toán viên không biết hoặc hiểu được các yếu tố rủi ro vốn có, chẳng hạn như thay đổi, ảnh hưởng như thế nào đến khả năng dẫn đến sai sót của các cơ sở dẫn liệu.

Các thủ tục phân tích cơ bản thường được áp dụng nhiều hơn đối với khối lượng giao dịch lớn có xu hướng dự đoán được theo thời gian (ISA330).

Mục tiêu của kiểm toán viên khi tiến hành thủ tục phân tích theo yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 520 là:

  • Để thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp và đáng tin cậy khi sử dụng thủ tục phân tích cơ bản;
  • Thiết kế và thực hiện các thủ tục phân tích gần cuối cuộc kiểm toán để hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra kết luận tổng thể về việc liệu báo cáo tài chính có nhất quán với hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị hay không

2.2. Tổng kết các nghiên cứu trước đây về thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính

Khi thực hiện thủ tục phân tích, kiểm toán viên có thể sử dụng các phương pháp từ so sánh đơn giản đến phân tích phức tạp đòi hỏi phải sử dụng các kỹ thuật thống kê tiên tiến. Theo Viện Kế toán Công chứng Singapore (ISCA, 2014), có 3 loại thủ tục phân tích thường được sử dụng: phân tích xu hướng, phân tích tỷ suất và kiểm tra tính hợp lý. Tuy nhiên, nghiên cứu của Hirst & Koone (1996) trình bày kết quả liên quan đến phân tích hồi quy, một kỹ thuật phân tích mà các công ty và kiểm toán viên được phỏng vấn thường sử dụng kỹ thuật này.

Có nhiều nhân tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến độ tin cậy của thủ tục phân tích được áp dụng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Theo các nghiên cứu trước đây, các yếu tố ảnh hưởng tới việc áp dụng thủ tục phân tích trong kiểm toán bao gồm: nhận thức của kiểm toán viên, kinh nghiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán, quy mô khách hàng; độ tin cậy của dữ liệu cung cấp (Abidin & Baabbad 2015; Mulligan & Inkster 1999; Senoon 1992; Kritzinger & Barac 2017; Trompeter và Wright 2010; Samaha & Hegazy 2010; ICAEW 2020; Hirst và Koonce 1996).

Các yếu tố chính khác được các nhà nghiên cứu xác định ảnh hưởng tới việc tăng cường sử dụng các thủ tục phân tích trong kiểm toán, bao gồm việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro kinh doanh, đẩy nhanh tiến bộ công nghệ và tăng cường tập trung vào thông tin phi tài chính trong báo cáo tài chính (Abadin & Baabbab 2015). Những yếu tố này cho phép kiểm toán viên phát triển những kỳ vọng chính xác hơn làm điểm khởi đầu cho việc thực hiện các thủ tục phân tích của họ (Trompeter & Wright 2010).

Các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của thủ tục phân tích trong tất cả các giai đoạn của một cuộc kiểm toán. Kiểm toán viên ở Nam Phi nhận thấy các thủ tục phân tích làm tăng thêm giá trị cho cuộc kiểm toán và việc sử dụng các thủ tục này sẽ nâng cao hiệu quả cuộc kiểm toán (Kritzinger & Barac 2017). Kết quả của Lin & Fraser (2003) cho thấy, thủ tục phân tích được áp dụng rộng rãi trong thực tế, đặc biệt là tại các công ty kiểm toán lớn và chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kiểm toán.

Các tài liệu đã chỉ ra các thủ tục phân tích được kiểm toán viên sử dụng bao gồm từ các phép so sánh tương đối đơn giản đến các kỹ thuật phân tích phức tạp hơn về mặt toán học, bao gồm các kỹ thuật thống kê nâng cao (Cho & Lew 2000; Mahathevan 1997). Mặc dù các phương pháp định lượng cao cấp mang lại kỳ vọng chính xác hơn so với các phương pháp định lượng đơn giản, nhưng chúng cũng yêu cầu lượng dữ liệu lịch sử tương đối lớn, xu hướng ổn định, quen thuộc với mô hình hóa và có thể là nhập dữ liệu (Bednarek 2016). Kiểm toán viên vẫn ưu tiên sử dụng các kỹ thuật xét đoán (so sánh hai điểm) và kỹ thuật định lượng đơn giản (kiểm tra tính hợp lý đơn giản và phân tích tỷ suất) so với các kỹ thuật định lượng nâng cao (mô hình hồi quy). Trong số các nguyên nhân dẫn tới không sử dụng các kỹ thuật định lượng nâng cao, phức tạp được cho là lý do phổ biến. Kết quả nghiên cứu ở Canada, Úc, Mỹ, Anh, Singapore và Hồng Kông cũng cho thấy các thủ tục phân tích đơn giản được sử dụng rộng rãi hơn các thủ tục phân tích phức tạp (Samaha & Hegazy 2010; Mulligan & Inkster 1999).

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu hiện tại sử dụng phương pháp định tính để thu thập và phân tích dữ liệu. Phương pháp thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn: phỏng vấn, tài liệu nội bộ và tài liệu từ các nguồn khác được sử dụng cho nghiên cứu này.

Tác giả thực hiện phỏng vấn trực tiếp với nhiều nhân viên kiểm toán của Big Four để tiếp cận nhận thức của họ về ứng dụng và tầm quan trọng của các thủ tục phân tích trong kiểm toán. Tài liệu nội bộ được thu thập từ Big Four khi thực hiện kiểm toán với khách hàng, nhóm kiểm toán sẽ chuẩn bị giấy tờ làm việc. Các tài liệu làm việc này có thể được sử dụng cùng với các nguồn thông tin khác. Các nguồn thông tin khác được sử dụng cho nghiên cứu này bao gồm các bài báo và trang web đã xuất bản.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Tầm quan trọng của thủ tục phân tích

Khi được hỏi liệu thủ tục phân tích có quan trọng trong quy trình kiểm toán hay không, tất cả kiểm toán viên và trợ lý đều đồng ý thủ tục phân tích là quan trọng và thực sự cần thiết trong một cuộc kiểm toán. Các kiểm toán viên lưu ý kiểm toán là một quy trình tốn kém và thường phức tạp, do đó quy trình phân tích có thể giúp họ đơn giản hóa dữ liệu khách hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn.

Nhân viên các công ty kiểm toán Big Four từ cấp dưới đến cấp quản lý, tất cả đều ý thức được tầm quan trọng của thủ tục phân tích. Mọi trợ lý và kiểm toán viên đều khẳng định trước khi bắt đầu kiểm toán, thủ tục phân tích sẽ giúp họ có được bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp, từ đó xem xét sự tăng giảm của các số liệu trên báo cáo tài chính, xác định các thủ tục cần thiết trong bước tiếp theo hoặc biết đâu là thủ tục cần thiết để tập trung kiểm toán. Theo Ha (2021), sử dụng phân tích dữ liệu, kiểm toán viên có thể xem xét các khoản phải thu kết hợp với tuổi nợ qua các năm, từ đó có thể đánh giá mức độ rủi ro gia tăng liên quan. Qua đó, nhóm kiểm toán có thể đề xuất các thủ tục thích hợp để kiểm tra khoản mục này.

Trong quá trình kiểm toán, thủ tục phân tích sẽ giúp họ giảm bớt phần nào khối lượng công việc khi thực hiện các thử nghiệm chi tiết. Một kiểm toán viên đưa ra ví dụ: sử dụng biểu đồ doanh thu và giá vốn hàng bán giữa các tháng trong năm có thể giúp thấy được những biến động đáng kể để có thể xác định doanh số tháng nào cần kiểm tra thêm hoặc hợp đồng nào cần kiểm tra kỹ hơn. Ở giai đoạn soát xét, kiểm toán viên sẽ phân tích các báo cáo tài chính đã điều chỉnh để xác nhận xem số dư các tài khoản đã hợp lý với những hiểu biết của kiểm toán viên trong cuộc kiểm toán.

Công ty kiểm toán Big Four cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thủ tục phân tích thông qua các tài liệu nội bộ của họ nhờ dữ liệu và khả năng phân tích, KPMG có thể tập trung chính xác vào các khu vực có rủi ro sai sót trọng yếu, từ đó cải thiện chất lượng kiểm toán. Thông qua thủ tục phân tích Công ty có được những hiểu biết sâu sắc về khả năng giao dịch nào rủi ro cao hơn và có thể thực hiện các cải tiến quy trình dẫn đến giảm chi phí kiểm toán, tăng hiệu quả của cuộc kiểm toán.

4.2. Việc áp dụng thủ tục phân tích trong quá trình kiểm toán

4.2.1. Thủ tục phân tích trong giai đoạn lập kế hoạch

Khi được hỏi các kiểm toán viên Big Four đã áp dụng thủ tục phân tích như thế nào, các nhân viên nhấn mạnh việc hiểu rõ hơn về doanh nghiệp để đánh giá cả rủi ro tiềm tàng và rủi ro kinh doanh, sau đó tất cả đều trả lời thủ tục này giúp hoàn thiện kế hoạch kiểm toán như thế nào. Kết quả từ phỏng vấn cho thấy điểm khá tương đồng với kết quả của các nghiên cứu khác thực hiện tại các công ty kiểm toán Big 4 ở các quốc gia khác (Cho và Lew - 2000, Lin và Fraser - 2003, Trompeter và Wright - 2010, Abidin và Baabbad - 2015). Các nhân viên của Big Four cũng trả lời cụ thể hơn bằng cách sử dụng các thủ tục phân tích có thể giúp họ gián tiếp chọn đúng nhóm kiểm toán, tập trung vào lĩnh vực rủi ro có sai phạm trọng yếu và xác định vùng có rủi ro tiềm ẩn để xây dựng kế hoạch một cách hiệu quả.

Trong giai đoạn lập kế hoạch, phân tích là thủ tục đánh giá rủi ro nhằm hiểu biết về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ để xác định rủi ro tiềm tàng (đặc biệt là rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận) và hướng kiểm toán viên lưu ý đến những phần cần điều tra đặc biệt. Từ đó, làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với các rủi ro đã được đánh giá.

Những người được phỏng vấn đều cho biết, các nhà quản lý, trưởng nhóm kiểm toán là những người chủ yếu thực hiện các thủ tục phân tích trong giai đoạn này.

Ở giai đoạn này, kỹ thuật phân tích chủ yếu là phân tích xu hướng, so sánh số liệu giữa năm hiện tại và năm trước. Các kiểm toán viên của các hãng kiểm toán Big Four cũng sử dụng phân tích tỷ suất, kiểm tra tính hợp lý với một số loại khách hàng kiểm toán trong giai đoạn này.

4.2.2. Thủ tục phân tích trong giai đoạn thực hiện kiểm toán

Kết quả phỏng vấn cho thấy, trong giai đoạn thực hiện cuộc kiểm toán, việc áp dụng các thủ tục phân tích được thực hiện đối với từng khoản mục tùy thuộc vào mục tiêu kiểm toán, quy mô và đặc điểm của khách hàng mà kiểm toán viên có thể lựa chọn thủ tục phân tích phù hợp.

Ngoài ra, tác giả còn được kiểm toán viên và trợ lý lưu ý đặc điểm của khách hàng cũng ảnh hưởng đến mức độ áp dụng thủ tục phân tích, chẳng hạn với khách hàng có kiểm soát nội bộ tốt thì thủ tục phân tích hiệu quả hơn. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác cần được xem xét như: mức độ phức tạp của doanh nghiệp, khối lượng giao dịch... Đối với một doanh nghiệp quy mô nhỏ có kiểm soát nội bộ tốt và khối lượng giao dịch nhỏ, khách hàng sẽ cung cấp cho kiểm toán viên hồ sơ để kiểm tra chi tiết một cách nhanh chóng. Do đó, quy trình phân tích với khách hàng nhỏ không mang lại hiệu quả cao như đối với khách hàng quy mô lớn.

Tất cả những người tham gia phỏng vấn đều đồng ý rằng kiểm toán viên áp dụng nhiều loại thủ tục phân tích hơn trong giai đoạn thực hiện kiểm toán so với giai đoạn lập kế hoạch. Để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên chủ yếu tính toán sự biến động giữa năm nay và năm trước. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên áp dụng thêm các kỹ thuật đơn giản khác bao gồm phân tích xu hướng, phân tích tỷ suất, kiểm tra tính hợp lý. Tuy nhiên, những người phỏng vấn cho biết, họ không sử dụng các kỹ thuật phân tích nâng cao như phân tích hồi quy trong kiểm toán. Mặc dù các công ty kiểm toán Big Four đều có phần mềm phân tích dữ liệu hỗ trợ kiểm toán viên tự động hóa quá trình phân tích nhưng các kiểm toán viên này vẫn chủ yếu thực hiện các thủ tục phân tích thông qua excel.

Với các khách hàng kiểm toán lớn có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ và sổ sách của họ phù hợp với phần mềm phân tích dữ liệu, kiểm toán viên sẽ tận dụng phần mềm đó để tự động hóa quy trình phân tích. Các phần mềm phân tích này có khả năng nghiên cứu toàn tệp dữ liệu và giúp kiểm toán viên xác định rủi ro và điều tra các điểm bất thường tốt hơn.

4.2.3. Thủ tục phân tích trong giai đoạn kết thúc kiểm toán

Tại bước này, kiểm toán viên sẽ cập nhật số liệu cuối cùng, lập báo cáo và thực hiện các thủ tục phân tích đối với báo cáo đó. Mục đích của việc sử dụng các thủ tục phân tích để soát xét là nhằm đánh giá lại bằng chứng thu được trong quá trình kiểm toán có hợp lý không và để xác nhận các xu hướng và khoản mục trên báo cáo tài chính nhất quán với những hiểu biết của kiểm toán viên.

Tất cả những người được phỏng vấn cho biết thông thường việc phân tích ở giai đoạn kết thúc kiểm toán được thực hiện bởi các nhân viên cấp cao.

Những người được phỏng vấn cho biết, họ tập trung vào việc xem xét tổng thể báo cáo tài chính thay vì xem từng khoản mục riêng lẻ. Khi kiểm toán viên xem xét những lời giải thích xem có nhất quán với kiến ​​thức và hiểu biết của họ, họ sẽ đánh giá tính hợp lệ của tổng thể báo cáo tài chính của đơn vị.

5. Kết luận

Bài viết nghiên cứu việc áp dụng các thủ tục phân tích tại các công ty Big Four Việt Nam trong thực tế. Kết quả cho thấy, thủ tục phân tích là quan trọng và thực sự cần thiết trong một cuộc kiểm toán tại các công ty kiểm toán Big Four. Nhân viên của Big Four tích cực áp dụng các thủ tục này trong cả 3 giai đoạn kiểm toán. Các nhà quản lý chủ yếu thực hiện các quy trình phân tích khi lập kế hoạch và trưởng nhóm kiểm toán, kiểm toán viên cấp trên cũng có thể tham gia.

Trong giai đoạn thực hiện cuộc kiểm toán, việc áp dụng các thủ tục phân tích được thực hiện phụ thuộc vào kinh nghiệm của kiểm toán viên, quy mô và đặc điểm của khách hàng kiểm toán. Các kiểm toán viên của Big Four sử dụng các kỹ thuật phân tích đơn giản như phân tích xu hướng, phân tích tỷ suất và phân tích hợp lý, nhưng không sử dụng các kỹ thuật nâng cao như phân tích hồi quy. Việc phân tích ở giai đoạn soát xét được thực hiện bởi trưởng nhóm, ban giám đốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abidin, S & Baabbad, M.A (2015). The use of analytical procedures by Yemeni auditors. Corporate Ownership and Control, 12 (2).
  2. Bednarek, P. (2016). Evaluating the usefulness of quantitative methods as analytical auditing procedures. Quantitative Methods in Accounting and Finance, (434).
  3. Cho, S & Lew, A.Y. (2000). Analytical review applications among large audit firms in Hong Kong. Managerial Auditing Journal, 15(8).
  4. Ha, M. (2021). Analytical procedures in financial audit. Available at: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phan-tich-du-lieu-trong-kiem-toan-bao-cao-tai-chinh-95918.html.
  5. Hirst, D.E & Koonce, L. (1996). Audit analytical procedures: a field investigation. Contemporary Accounting Research, 13(2).
  6. Hylas, R & Ashton, R. (1982). Audit Detection of Financial statement Errors. The Accounting Review, 57(4).
  7. Institute of Chartered Accountants in England and Wales 2020, Assurance.
  8. Kritzinger, J & Barac K. (2017). The application of analytical procedures in the audit process: A South African perspective. Southern African Business Review, 21.
  9. Lin, K.Z & Fraser, I.A.M. (2003). The use of analytical procedures by external auditors in Canada. Journal of International Accounting Auditing and Taxation, 12(2).
  10. Mahathevan, P. (1997). Auditors’ use and perception of analytical procedures: evidence from Singapore. International Journal of Auditing, 1(3).
  11. Mulligan, C. & Inkster, N. (1999). The use of analytical procedures in the United Kingdom. International Journal of Auditing, 3(2).
  12. Samaha, K. & Hegazy, M. (2010). An empirical investigation of the use of ISA 520 analytical procedures among Big 4 versus non-Big 4 audit firms in Egypt. Managerial Auditing Journal, 25 (9).
  13. The Ministry of Finance 2012, VSA 520.
  14. The Ministry of Finance 2012, VSA 315.
  15. The Ministry of Finance 2012, VSA 330.
  16. Trompeter, G & Wright, A. (2010). The world has changed: have analytical procedure practices?. Contemporary Accounting Research, 27(2).

 

The role of analytical procedures in auditing financial statements

at the Big Four accounting firms in Vietnam

Nguyen Thi Phuong

International School, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:

The application of analytical procedures is one of the methods that are effecitve for measuring the effectiveness of auditing financial statements. This paper uses qualitative methods to survey Big Four auditors' perceptions of the importance of analytical procedures in financial audits and how Big Four auditors apply analytical procedures in audit. The results show that analytical procedures are important and necessary in the Big Four’s audits.

Keywords: audit, financial statement, auditor, Big Four Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 13 tháng 5 năm 2023]