Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam thông qua hệ thống phân phối nước ngoài

Nhằm thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dệt may tại Việt Nam thông qua hệ thống phân phối nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với ông Noriaki Koyama, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Fast Retailing tại Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Fast Retailing - Tập đoàn sở hữu chuỗi các thương hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có Uniqlo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tập đoàn tại Việt Nam, đặc biệt là việc thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm dệt may tại Việt Nam để tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới thông qua hệ thống phân phối của Tập đoàn.

Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ luôn quan tâm, tạo thuận lợi và hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam thông qua hệ thống phân phối nước ngoài
Toàn cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải với ông Noriaki Koyama, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Fast Retailing tại Nhật Bản

Ông Noriaki Koyama cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Công Thương đối với hoạt động của Liên doanh Uniqlo Việt Nam. Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới, ông Noriaki Koyama cũng đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, uy tín trong lĩnh vực dệt may để tiến hành hợp tác đồng thời tạo điều kiện để liên doanh tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Hiện tại, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã được bán rộng khắp trong hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. Tập đoàn Fast Retailing định vị Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng trong Chiến lược sản xuất với định hướng sản xuất những sản phẩm dự trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, với những trang phục hằng ngày đơn giản nhưng chất lượng cao, với sự tinh tế trong từng chi tiết, không ngừng đổi mới sáng tạo để không những mang đến sự thoải mái mà còn tiện dụng tối đa cho người tiêu dùng.

Fast Retailing đang hợp tác với 69 nhà máy gia công và 11 nhà cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam. Tuy con số này còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đề nghị Tập đoàn Fast Retailng tăng dần số lượng các nhà máy gia công và nhà máy cung cấp nguyên vật liệt tại Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, tham gia hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành dệt may - da giày của Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp dệt may - da giày đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022.

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng với sự đa dạng, phong phủ chủng loại, cạnh tranh về giá cả, với chất lượng hàng hoá ngày càng được cải thiện.

Với sự hỗ trợ của các Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Fast Retailing, cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đang ngày càng được mở rộng.” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Với cam kết tại COP26 đạt mức phát thải bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường nhờ đó dần tạo được lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu về dài hạn.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng mong rằng Uniqlo sẽ tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, cả trong quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị trách nhiệm xã hội doanh nghiệp,…

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, Thứ trưởng cũng đề xuất Tập đoàn Fast Retailing phối hợp, hỗ trợ Tổng cục Quản lý thị trường trong việc nhận biết những dấu hiệu vi phạm, xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá và sở hữu trí tuệ để kịp thời tiến hành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng nhập lậu hàng hoá, sản xuất hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam thông qua hệ thống phân phối nước ngoài
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã thống nhất tăng trường trao đổi để tiến tới sớm ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam

Tại cuộc họp, hai bên cũng thống nhất sẽ xem xét việc tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống Uniqlo ở các trước trong thời gian tới. Trước mắt, trong năm 2023 có thể tổ chức Tuần lễ thời trang quảng bá sản phẩm made-in-Vietnam trong hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng mô hình phù hợp khi quảng bá sản phẩm ra các nước khác trong hệ thống.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, tạo thuận lợi cho kế hoạch phát triển của Liên daonh Uniqlo và ngược lại, cũng mong muốn phía Tập đoàn sẽ có chính sách để tăng tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam so với hàng nhập khẩu được bán tại các cơ sở bán lẻ của mình.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã thống nhất tăng trường trao đổi để tiến tới sớm ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam, trong đó tập trung vào ba nội dung chính là (i) Phát triển thương mại, (ii) Đẩy mạnh sản xuất trong nước và (iii) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhận lời mời của Bộ Công Thương, Tập đoàn Fast Retailing sẽ cử nhân sự cấp cao tham gia sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 13-15/9 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm gia tăng số lượng nhà máy sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện cho chuỗi cửa hàng của Uniqlo trên toàn cầu.

Fast Retailing là một Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Được thành lập vào năm 1984 bởi ông Tadashi Yanai , Fast Retailing đã phát triển thành một trong những công ty bán lẻ lớn nhất trên thế giới, nổi tiếng với thương hiệu chủ lực là Uniqlo. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đang điều hành một loạt các thương hiệu bán lẻ khác như: GU, Theory, Comptoir des Cotonniers, J Brand, Princesse tam.tam, Helmut Lang, PLST. Mỗi thương hiệu có phong cách riêng và hướng tới các đối tượng khách hàng khác nhau.

Huyền My