Thực trạng phát triển du lịch bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc

ThS. LÊ THỊ CÔNG NGÂN (Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Du lịch Tây Bắc trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể, thể hiện qua mức tăng của số lượt khách đến du lịch tại đây. Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và những tài nguyên văn hóa đặc sắc, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đã và đang quan tâm đến phát triển du lịch. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay.

Từ khóa: du lịch, Tây Bắc, du lịch Tây Bắc, phát triển du lịch, phát triển du lịch bền vững.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc và không ngừng của xã hội, của nền kinh tế tri thức đã đưa con người thoát khỏi sự ràng buộc của nhu cầu sinh tồn mà hướng đến thỏa mãn nhu cầu cao hơn, là nhu cầu hưởng thụ. Do đó, hoạt động du lịch ngày càng trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống hiện đại.

Những năm gần đây, khách du lịch đến với Tây Bắc ngày một tăng bởi những đặc trưng riêng biệt không có ở nơi nào khác trên đất nước Việt Nam. Vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hòa Bình. Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình trùng điệp và hệ sinh thái đa dạng độc đáo. Đây còn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc. Với đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nét đặc sắc về văn hóa của các tộc người sinh sống ở đây đã tạo nên sự hấp dẫn cho du lịch Tây Bắc và khiến nó trở thành trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của vùng. Chính vì vậy, phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc là rất quan trọng.

2. Thực trạng phát triển du lịch bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc

2.1. Lợi ích kinh tế

Những năm gần đây, lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đến với Tây Bắc ngày một tăng. Năm 2018, tổng số khách du lịch đến vùng Tây Bắc đạt 20,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, đem lại doanh thu gần 23 nghìn tỷ đồng cho ngân sách các địa phương trong vùng. Đối với tỉnh Điện Biên năm 2018, lượng khách đến đây đạt khoảng 705.000 lượt khách, tăng 17,5% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế ước đạt 151.000 lượt, tăng 25,8% so với năm 2017, doanh thu của các cơ sở lưu trú ở Điện Biên là khoảng 53.764 triệu đồng. Theo thống kê năm 2018, lượng khách du lịch tới Sơn La trên 2 triệu lượt, trong đó khách lưu trú khoảng trên 1,2 triệu lượt; khách nội địa trên 1,1 triệu lượt; khách quốc tế 70.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 1.300 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, các điểm du lịch của Sơn La đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm; trong đó, 71.000 lượt khách nước ngoài; tổng doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 1.225 tỷ đồng. Năm 2018, chỉ tính riêng số lượt khách du lịch nội địa do các cơ sở lưu trú ở Sơn La phục vụ là khoảng xấp xỉ 1,08 triệu lượt, tăng gần 10% so với năm 2017, doanh thu của các cơ sở lưu trú là khoảng 174.661 triệu đồng và của các cơ sở lữ hành là 15.176 triệu đồng. Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, tổng lượt khách đến năm 2015 chỉ đạt 750 nghìn. Đến năm 2018, khách du lịch đã đạt tới 1.200 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 55.000 người, tổng doanh thu ước đạt 1.080 tỷ đồng.

2.2. Lợi ích văn hóa - xã hội

- Giải quyết việc làm: Số lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất cao (trên 70%) cùng với khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp đã và đang thúc đẩy sự phân công lao động. Lao động đang có xu hướng chuyển từ hoạt động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, trong đó có dịch vụ. Hoạt động du lịch càng phát triển thì nhu cầu lao động càng lớn, vì ngoài lượng phục vụ trực tiếp trong ngành Du lịch cần có thêm một lực lượng lao động gián tiếp.

- Gia tăng phúc lợi cho cộng đồng: Hoạt động du lịch là hoạt động phức tạp nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người cho nên các điều kiện phục vụ du lịch cũng phải thỏa mãn được các nhu cầu đó. Chính vì vậy, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo các hoạt động khác cũng phát triển như đường sá, thông tin liên lạc, thương mại,… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi hiệu quả kinh doanh du lịch được nâng cao đó cũng là điều kiện gia tăng phúc lợi cho cộng đồng địa phương.

- Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa: Một trong những tiềm năng quan trọng cho việc phát triển du lịch vùng Tây Bắc chính là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa. Trong những năm qua, song song với quá trình khai thác, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm như việc bảo tổn và phát huy bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa gắn kết được với phát triển du lịch bền vững, chưa tạo được điểm nhấn trong khai thác phục vụ du lịch.

Vì vậy, đi đôi với phát triển du lịch đó là việc bảo tồn các giá trị, di tích lịch sử -  văn hóa, không chỉ có bảo tồn mà cần phải phát huy các di tích. Muốn vậy công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức không chỉ cho người kinh doanh du lịch, cho người dân địa phương mà cả cho khách du lịch, nhằm hiểu và khai thác hợp lý hệ thống các di tích trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

2.3. Bảo tồn môi trường

- Bảo tồn sự đa dạng sinh thái và đa dạng sinh học: Hoạt động du lịch đã và đang có những bước phát triển, tăng dần sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch qua các điểm du lịch xanh. Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du khảo văn hóa. Vùng Tây Bắc được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều cảnh quan đẹp, tài nguyên nổi bật để phát triển du lịch sinh thái. Mỗi tỉnh trong vùng Tây Bắc lại có những đặc điểm và nét đẹp riêng, đóng góp vào tiềm năng và sức thu hút của cả vùng.

Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa - Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng;Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào; Hệ thống danh thắng, cảnh quan như Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) Thác Tiên - Đèo Gió (Xín Mần), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…; các khu vực lòng hồ như hồ Quang Minh, Nậm An (Bắc Quang), Sông Chừng (Quang Bình) và đặc biệt hồ Na Hang tại Bắc Mê. Hà Giang hiện đã có các khu sinh thái suối khoáng nóng nghỉ dưỡng như Quảng Nguyên (Xín Mần), Thanh Hà (Vị Xuyên). Rừng nguyên sinh đèo Gió (Xín Mần), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, Du Già - Minh Sơn, quần thể di sản cây Chò Chỉ 600 năm (xã Phú Nam - Bắc Mê) là những khu vực rừng có nhiều tiềm năng phát triển; Bắc Cạn có Vườn quốc gia Ba Bể với diện tích hơn 23 nghìn ha, với những cánh rừng già nguyên sinh và những dãy núi đá vôi hùng vĩ đã tạo ra những hang động tự nhiên, thác nước đẹp, hệ động, thực vật rất đa dạng, phong phú, đã được công nhận là di sản quốc gia, di sản ASEAN, khu RAMSAR… Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển và định hướng phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị thì các sinh cảnh tự nhiên đã và đang bị thay thế bởi các hệ sinh cảnh nhân tạo.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Hoạt động du lịch của Tây Bắc trong thời gian qua đang trên con đường phát triển, nhận được sự quan tâm đầu tư quản lí, lãnh đạo, mang lại những hiệu quả đáng kể trong các nguồn lợi của vùng. Tuy nhiên những hoạt động đó lại có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, tác động đến môi trường. Mặc dù ảnh hưởng đó chưa để lại những hậu quả nghiêm trọng và những biểu hiện rõ nhưng cũng là điểm đáng lưu ý trong quá trình phát triển du lịch bền vững của vùng, đòi hỏi cần có biện pháp hợp lý hơn và hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường du lịch nói riêng và môi trường sống nói chung.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển ngành Du lịch cộng đồng, phòng Tài nguyên và Môi trường các tỉnh vùng Tây Bắc luôn đề ra các giải pháp thực tế và hiệu quả. Trong đó, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường; ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch.

Không chỉ vậy, những năm qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường các tỉnh còn luôn đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các khu vực khai thác khoáng sản, các nhà máy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, phù hợp với vùng nông thôn Tây Bắc.

3. Một số đề xuất giải pháp

Để phát triển du lịch theo hướng bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc, cần đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch bền vững hướng đến du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

Hai là, về quy hoạch và đầu tư, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh.

Ba là, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách, các địa phương quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù.

Bốn là, cơ cấu lại ngành Du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá.Trong đại dịch, người dân có xu hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, góp phần xây dựng cộng đồng địa phương bền vững.

Năm là, triển khai nhiều hoạt động cho doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; Phát triển cho địa phương; Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; Bảo vệ tự nhiên; Bảo vệ môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; An sinh xã hội; Công bằng xã hội.

Sáu là, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành Du lịch, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Điện Biên (2019). Niên giám thống kê tỉnh Điện Biên 2018. Điện Biên: NXB Thống kê.
  2. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2019). Niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2018. Sơn La: NXB Thống kê.
  3. Đặng Phương (2019). Sơn La chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/son-la-chu-trong-khai-thac-co-hieu-qua-tiem-nang-du-lich-541849.html
  4. Nguyễn Bá Lâm, Trịnh Xuân Dũng (2014). Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững. Giáo trình lưu hành nội bộ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên (2019). Báo cáo công tác phát triển du lịch tỉnh Điện Biên năm 2018.
  6. Tỉnh ủy Sơn La (2019). Dự thảo Báo cáo Tổng kết đánh giá kết quả triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La (giai đoạn 2015-2020).
  7. Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2019). Hợp tác phát triển du lịch vùng Tây Bắc (Kỳ 1). Truy cập tại https://nhandan.vn/hop-tac-phat-trien-du-lich-vung-tay-bac-ky-1-post364906.html

THE CURRENT DEVELOPMENT

OF SUSTAINABLE TOURISM

IN PROVINCES OF NORTHWEST VIETNAM

Master. LE THI CONG NGAN

Vietnam National University of Forestry  

ABSTRACT:

In recent years, Northwest has experienced a strong growth of tourism sector with a significant increase in the number of visitors. Northwest has great tourism potential thanks to its magnificent nature,  unique culture, heroic history and many special tourist attraction. The local authorities have paid attention to the tourism development. This study analyzes the current development of sustainable tourism in provinces of Northwest Vietnam.

Keywords: tourism, Northwest Vietnam, Northwest tourism, tourism development, sustainable tourism development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]