Thương mại trong giai đoạn đất nước tìm đường đổi mới

Hoạt động ngoại thương đã góp phần phá thế bao vây cấm vận của Hoa Kỳ và đồng minh theo Tu chính án Jackson-Vanik năm 1974 của Hoa Kỳ. Việt Nam đã mở rộng thị trường sang Trung Đông, Ấn Độ, Algérie, Hồng Kông, các nước Đông Nam Á...
tìm đường đổi mới
Bốc xếp gỗ xuất khẩu tại Cảng Quy Nhơn (Nghĩa Bình), năm 1977 (Ảnh: TTXVN))

Tìm đường đổi mới bộc lộ mạnh mẽ nhất trong giai đoạn đất nước mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Đến 1980, tất cả 22 chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976 - 1980) đều không đạt. Sản lượng lương thực 14,4 triệu tấn, bằng 68,5% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chăn nuôi lợn 10 triệu con, bằng 60,6%; đánh bắt cá biển 399 nghìn tấn, bằng 39,9%; sản xuất 641 nghìn tấn xi măng, bằng 32%; xây 6,3 triệu mét vuông nhà ở, bằng 45%... Đất nước bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.

Do đó, Đảng, Chính phủ dành phần lớn thời gian để giải quyết vấn đề phân phối lưu thông, mà trọng tâm là tập trung nguồn hàng vào tay Nhà nước để phục vụ sản xuất và tiêu dùng xã hội: “Công tác thương nghiệp phải tập trung được nguồn vật tư, hàng hóa vào tay Nhà nước, kể cả nông sản, lâm sản, hải sản và hàng công nghiệp, hàng trong nước cũng như hàng nhập khẩu, quản lý chặt chẽ và phân phối công bằng, đáp ứng tốt lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người lao động”; “phát huy tác dụng đòn xeo và cầu nối của phân phối, lưu thông đối với nông nghiệp và công nghiệp, thành thị và nông thôn, để thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng”.

Các ngành cơ khí, điện, than, hóa chất, nội thương, ngoại thương, vật tư được giao nhiệm vụ “tích cực phục vụ nông nghiệp, đảm bảo thủy lợi, sức kéo, phụ tùng, nhiên liệu, công cụ lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp tiêu dùng thiết yếu”. Giai đoạn này, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều tiến bộ, nhưng cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt nặng nề kéo dài.

Như vậy, trong suốt thời kỳ, Việt Nam liên tục nhập siêu trên dưới 1 tỷ Rúp-USD. Nhưng nhìn trên điểm tích cực, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, từ trên 300 triệu Rúp-USD những năm 1979, 1980, lên 400- 500 triệu những năm 1981,1982 và đạt trên 600 triệu đến gần 700triệu Rúp-USD trong 3 năm 1983,1984, 1985. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1981 - 1985 tăng gấp 2 lần so với 5 năm 1976 - 1980. Đồng thời, “chênh lệch giữa xuất và nhập được thu hẹp một phần”.

Ba năm đầu tiên, 1979, 1980, 1981, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu ở mức 2,4 đến 3,6 lần; 4 năm còn lại, 1982, 1983, 1984 và 1985 đã xuống dưới 2 lần.

Hoạt động ngoại thương đã góp phần phá thế bao vây cấm vận của Hoa Kỳ và đồng minh theo Tu chính án Jackson-Vanik năm 1974 của Hoa Kỳ. Việt Nam đã mở rộng thị trường sang Trung Đông, Ấn Độ, Algérie, Hồng Kông, các nước Đông Nam Á...

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn này tiếp tục theo cơ chế kế hoạch tập trung, Nhà nước độc quyền ngoại thương, thị trường chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa với cơ chế nghị định thư.

Cả nước chỉ có khoảng 30 đơn vị, công ty nhà nước hoạt động xuất, nhập khẩu, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu không cao (bình quân xuất khẩu theo đầu người chỉ ở mức trên dưới 10 Rúp-USD/năm, trong đó 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc khu vực đồng Rúp).

Thâm hụt ngoại thương đã gây sức ép phải hạn chế các nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư nguyên liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, mà ở thời kỳ này, hầu hết các mặt hàng cung ứng cho thị trường trong nước phải thông qua nhập khẩu. Cân đối tiền - hàng và cung - cầu một số mặt hàng thiết yếu bị mất cân đối nghiêm trọng.

Đaò Mạnh Đức