Cây thuốc lá xóa đói, giảm nghèo

Theo số liệu thống kê, vụ Xuân năm 2009, tổng diện tích trồng cây thuốc lá của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đạt hơn 16.000 ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 30.000 tấn. Trong đó, nhiều tỉnh

Từ nhiều năm nay, nhất là sau khi có Quyết định 80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng", Vinataba đã chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây thuốc lá thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với giá cả thu mua được công bố ngay từ đầu vụ. Đến nay, Vinataba đã và đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh thích hợp cho phát triển nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ cho ngân sách cũng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên đất. Bảo vệ sinh thái môi trường theo hướng sản xuất bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân vùng trồng thuốc lá, góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tăng cường công tác an ninh quốc phòng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, giá cả và tính cạnh tranh sản phẩm thuốc lá điếu.
Với phương thức liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, những năm qua, Vinataba đã hỗ trợ người nông dân từ đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Thông qua các đơn vị thành viên như Công ty CP Ngân Sơn, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, Công ty CP Hoà Việt, Công ty Thuốc lá Đà Nẵng, Công ty Thuốc lá Bến Tre, Vinataba đã ứng trước các nguyên liệu thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và sẽ khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Phương thức này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua các chương trình đào tạo nghề theo hướng vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, người dân nơi đây được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây thuốc lá nói riêng. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận từ cây thuốc lá gấp từ 4 - 5 lần so với các cây trồng khác. Với diện tích 1 ha, nếu trừ đi các chi phí đầu tư và công lao động, người trồng sẽ có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. 

Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu còn có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện rõ rệt diện mạo kinh tế tại các vùng trồng nguyên liệu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nâng cao đời sống người dân trồng thuốc lá, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội theo chủ trương của Chính phủ. Việc phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại các địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, ngày 18/3/2009, Vinataba đã được phân công giúp đỡ xoá đói giảm nghèo cho huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện chương trình này, Vinataba đã và sẽ tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ các địa phương phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá, đào tạo nghề,… Tại huyện Hà Quảng, Vinataba đã hỗ trợ phát triển trồng cây thuốc lá và phấn đấu đến năm 2020, sẽ mở rộng vùng nguyên liệu thuốc lá, với diện tích đạt 800 - 1.000 ha, đồng thời phối hợp với huyện xây dựng đề án chương trình xóa đói giảm nghèo cho 819 hộ nghèo… Việc phát triển vùng nguyên liệu đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 200.000 lao động sản xuất nông nghiệp. 

Thực hiện chiến lược tổng thể ngành Thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã xác định chiến lược đầu tư phát triển nguyên liệu thuốc lá: Sản xuất nguyên liệu có năng suất chất lượng cao, theo hướng chuyên canh, sản phẩm mang tính hàng hoá cao, trình độ canh tác ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Chất lượng nguyên liệu đảm bảo đáp ứng được yêu cầu sản xuất thuốc lá điếu trong nước và xuất khẩu. Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ về phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá và chuyển đổi cây trồng thích nghi với điều kiện kinh tế, địa lý, khí hậu, tự nhiên. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng thuốc lá đạt khoảng 40.300 ha, năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, sản lượng 88.660 tấn/năm. Nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác nông nghiệp đạt mức tiên tiến trên thế giới, sản xuất phần lớn các loại nguyên liệu cho thuốc lá trung cao cấp.

Để thực hiện chiến lược này, Vinataba tập trung vào các giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá, đặc biệt đầu tư trọng điểm vùng nguyên liệu chất lượng cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk... Nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tuyển chọn giống thuốc lá, quy trình kỹ thuật canh tác, sơ chế, sấy thuốc lá, phân cấp nguyên liệu thuốc lá. Quản lý sản xuất kinh doanh nguyên liệu như tạo nguồn vốn từ Quỹ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá. Xây dựng chính sách giá hợp lý, triển khai phương thức thu mua thích hợp. Phát triển các hình thức xây dựng trang trại, liên doanh liên kết kể cả hợp tác liên doanh nước ngoài đầu tư trồng, chế biến nguyên liệu thuốc lá. Triển khai thực hiện tốt việc hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, nâng cao khả năng cảnh báo và phòng chống các dịch bệnh cho cây trồng thuốc lá tại vùng đầu tư. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp công tác xuất khẩu trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con nhằm thống nhất hoạt động, đảm bảo hiệu quả xuất nhập khẩu của các đơn vị Tổ hợp.