TP. Hồ Chí Minh: Cam kết không thiếu hàng, không tăng giá dịp Tết

Ngày 16/1, Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh về tình hình đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp.

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn hàng tập trung từ 3 Chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức) và 221 chợ truyền thống. Trong đó, lượng nông sản cung ứng thị trường Thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Nguồn cung hàng hóa dồi dào 

Nhiều kênh phân phối hiện đại

Trên địa bàn Thành phố có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố hiện đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng: thời gian phục vụ khách hàng từ ngày 20 đến sáng 30 tháng Chạp kéo dài đến 23 - 24 giờ đêm. Khai trương năm mới sáng mùng 2 và tới mùng 5 Tết mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Chương trình kết nối cung cầu hàng hoá

Năm 2023 là năm cao điểm Thành phố đẩy mạnh liên kết vùng, Thành phố đã tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 05 vùng kinh tế trên cả nước. Trong đó, Chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thành phố, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng Thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết.

Thông qua các chương trình này, hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP đã được tiếp cận, chào hàng người tiêu dùng Thành phố; nhiều hệ thống phân phối có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như: Coopmart với 70 sản phẩm, hệ thống GO!, BigC, Top Market với 145 sản phẩm, hệ thống Satra với 34 sản phẩm, MM Mega Market với 106 sản phẩm…, trong đó nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.

Tết Nguyên đán
Nhiều chương trình khuyến mại tại các siêu thị

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP. Hồ Chí Minh năm 2023 tăng 3,3% so với bình quân cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng chung của cả nước (CPI bình quân năm 2023 của cả nước tăng 3,25% so với năm trước).

Trong những tháng cuối năm 2023, sức mua nội địa tiếp tục được duy trì, Thành phố đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện vận tải. Tuy nhiên, người dân vẫn có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, thị trường mua sắm, tiêu thụ hàng hoá vào tháng giáp Tết chưa sôi động.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết: TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả dịp cuối năm cũng như rất tích cực trong công tác phối hợp, báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa và tình hình thị trường Tết Nguyên đán giúp Bộ Công Thương nắm bắt sát được tình hình thị trường tại địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung.

hang hóa tết
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương trao đổi

Để thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách hiệu quả, thiết thực, đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung:

 - Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng gạo và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa với giá bình ổn theo đúng kế hoạch bình ổn giá của Thành phố.

- Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng gạo, thịt lợn để phục vụ Tết; triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường; Chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, có phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

- Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác chuẩn bị Tết của địa phương, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để tránh tâm lý đầu cơ, tích trữ đẩy giá tăng cao.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

 - Đẩy mạnh các họat động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng về các khu công nghiệp, khu chế xuất để mọi người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm với giá hợp lý.                                                              

Kim Huệ