Trung thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn từ triết lý của Công giáo

Sự trung thực trong kinh doanh được hiểu là các hành xử chân thật và tín nhiệm khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo quan điểm của Công giáo, con người nói chung và chủ kinh doanh nói riêng cần thực hiện các hành vi ngay thẳng, chân thật hướng đến việc làm điều lành, tránh điều dữ, không gây tổn hại đến người khác, cộng đồng.

Trong buổi gặp gỡ các doanh nhân – tiểu thương Công giáo trong Giáo phận Phát Diệm vào ngày 17/08/2016, triển khai đề tài: “Người chủ kinh doanh – tiểu thương Công giáo sống lòng thương xót như thế nào”, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng khẳng định: “Khi sống lòng thương xót, điều tiên quyết là phải sống công bằng và trung thực, vì thế người chủ kinh doanh và tiểu thương cần sống công bằng và trung thực đối với khách hàng qua việc trao đổi, buôn bán hàng hóa, sống công bằng đối với những người làm công ăn lương đó chính là sống lòng thương xót.”

Đức Cha Giuse Nguyễn Năng nhắn nhủ mỗi doanh nhân phải có sự trung tín, công bằng. Làm giàu không phải bằng bất cứ giá nào nhưng hãy làm giàu chân chính, những sản phẩm làm ra phải là sản phẩm chất lượng, không giả dối, lừa gạt người khác. Biết đầu tư dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khoẻ, thời gian, tiền của… để tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.

Sự trung thực trong kinh doanh được hiểu là các hành xử chân thật và tín nhiệm khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, kinh doanh thiếu trung thực là việc người làm kinh doanh có các hành vi gian dối, lừa gạt khách hàng, đối tác, nhà đầu tư cũng như người lao động nhằm mục tiêu thu lợi tối đa về mình; từ đó, gây ra những tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, cộng đồng và môi trường thiên nhiên.

Theo quan điểm của Công giáo, dối trá là sự dữ tai hại, là tội nguy hiểm, không thể tha thứ và trong mọi hoàn cảnh thì việc nói dối đều không thể được khuyến khích. Giáo lý Công giáo nêu ra 10 điều răn để giáo dục con người làm điều lành, tránh điều dữ; trong đó, điều răn thứ Tám liên quan đến sự gian dối “Người không được làm chứng gian hại người” (Xh 20, 16).

Điều răn thứ Tám dạy con người sống trung thực, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự mọi người, cấm làm sai lệch sự thật trong mối tương quan với người khác. Các hành vi xúc phạm đến sự thật, bằng lời nói hay hành động là sự bất trung nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, và theo nghĩa này, chúng làm suy yếu các nền tảng của luân lý.

Sự trung thực hay chân thật là đức tính thể hiện sự chân thành trong các hành động và trong việc nói những lời chân thật, không nói nước đôi, giả hình, không lừa gạt. Trước quan Tổng trấn La Mã Pontius Pilatus, chính Chúa Jesus tuyên bố rằng Ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Điều này đủ cho chúng tay thấy được chiều kích quan trọng của việc không nói dối và hành xử trung thực.

Việc nói dối và hành xử không ngay thẳng chứa đựng trong nó sự chia rẽ, gây hại cho toàn xã hội, phá huỷ nền tảng tin cậy giữa con người và làm suy yếu các mối tương quan xã hội. Sống quen nói dối, lừa gạt sẽ đánh mất sự tin tưởng của người khác dành cho mình. Mỗi lần nói dối, mỗi lần hành xử phi đạo đức là một lần đánh mất đức công bình bác ái, gây gương xấu cho người khác. Thậm chí, lời nói dối, hành vi không trung thực sẽ gây tổn hại đến người khác, tạo ra sự chia rẽ và xung đột trong cộng đồng. Giống như thánh Thomas đã nói: “Con người không thể sống chung với nhau nếu họ không tin tưởng rằng họ trung thực với nhau” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2469).

Do đó, giáo lý Công giáo hướng con người sống ngay thẳng, thành thật, chính trực vì ba lẽ: một là vì Thiên Chúa là Đấng Chân thật và là chính Sự thật, hai là vì sự thành thật làm tăng giá trị con người; và ba là vì sự thành thật rất cần cho đời sống chung.

Soi chiếu vào các hoạt động kinh doanh hiện nay, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn thì việc giả dối trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân do việc theo đuổi triết lý kinh doanh trung thực có thể khiến một số chủ kinh doanh trước mắt mất đi các lợi thế cạnh tranh về chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm - dịch vụ, quy mô khách hàng…Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, uy tín là lợi thế cạnh tranh mạnh nhất trên thương trường, giúp doanh nghiệp duy trì tăng trưởng bền vững và vượt qua các cú sốc thị trường. Để có được uy tín  với các mối quan hệ đa chiều trong hoạt động kinh doanh của mình, hầu hết các doanh nghiệp phải trải qua một quá trình xây dựng và phấn đấu thông qua chuỗi các hành xử có đạo đức, trung thực và tôn trọng các bên có liên quan.

Theo đó, người làm kinh doanh trung thực sẽ không kinh doanh gian lận như: bán các sản phẩm không có nguồn gốc, những sản phẩm pháp luật cấm kinh doanh…; không lừa dối khách hàng như: quảng cáo sai sự thật, bán các sản phẩm kém chất lượng…; không trục lợi nhà đầu tư, đối tác như: che dấu năng lực kinh doanh, cung cấp dữ liệu giả…; không hành xử thiếu trách nhiệm, phi đạo đức trong các mối quan hệ, đối với cộng đồng cũng như môi trường sinh thái: như không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, xả thải ra môi trường…. Bên cạnh đó, yếu tố trung thực trong kinh doanh còn được biểu lộ qua việc doanh nghiệp sẵn sàng đối diện và sửa lỗi sai về các tác động do hoạt động kinh doanh của mình gây ra.

Sự tồn tại và phát triển của những doanh nghiệp có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, qua các biến động thương trường khốc liệt, đều có điểm chung là giữ chữ “tín”, hành xử ngay thẳng, có trách nhiệm đối với các. Sự trung thực giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển bền vững, tốt đẹp các mối quan hệ. Sự trung thực giúp tạo nên lòng tin, để gắn kết các mối quan hệ, từ đó tạo nên một môi trường tốt để các mối quan hệ phát triển. Khi tạo được lòng tin với đối tác, doanh nghiệp có thể có được sự hợp tác tốt, giúp dễ dàng tiết giảm chi phí, ổn định tiêu thụ và mở rộng quy mô hoạt động. Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải được xây dựng, phát triển trên nền tảng lương tâm ngay chính của chủ kinh doanh mới kỳ vọng thu lại được kết quả tích cực. Mà một lương tâm ngay thẳng sẽ tỏ lộ tính trung thực trong suy nghĩ và hành động.

Thiết nghĩ các giáo lý của Giáo hội Công giáo về sự trung thực rất thiết thực với tất cả những ai đang lao động, thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh để kiếm sống. Bởi lẽ với bất cứ nghề nghiệp, công việc nào thì trung thực là điều kiện không thể thiếu để sống lòng thương xót. Điều này đặc biệt quan trọng với các chủ kinh doanh khi các hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động sâu rộng đến các mối quan hệ trong xã hội cũng như môi trường sinh thái xung quanh.

Có trung thực thì người làm nghề nông sẽ không sử dụng các chất cấm, gây hại cho sức khoẻ người khác. Có trung thực thì người làm sản xuất sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, quy định bảo vệ môi trường. Có trung thực thì người làm thương mại sẽ tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Có trung thực thì chủ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ đề cao lợi ích của cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Như vậy là đã sống lòng thương xót Chúa.

Con người rất cần đến sự chân thật của nhau. Sự chân thật là động lực giúp người ta gần nhau, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Những lời nói dối, những hành xử không chân thật thường làm con người ta trở nên bất an. Cho nên những thói quen nói sai sự thật, sống không trung thực sẽ không hợp với đời sống của tín hữu Công giáo, bao gồm các chủ kinh doanh.

Dù biết rằng giữa một xã hội mà một bộ phận doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua các nguyên tắc đạo đức để thu lợi lớn nhất về phần mình thì việc tồn tại, cạnh tranh và vươn lên thông qua “kinh doanh trung thực” sẽ là thử thách lớn. Tuy nhiên, người tín hữu Công giáo có quyền tin rằng hãy giữ tay sạch, lòng ngay trong công ăn việc làm thì “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,12). 

Minh Trang