Ứng dụng mô hình FEM và REM để phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bài viết "Ứng dụng mô hình FEM và REM để phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam" do Võ Văn Hợp (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu sử dụng mô hình FEM và REM để ước lượng trên cơ sở dữ liệu bảng được thu thập từ các báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của 15 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2022. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng các kiểm định Hausman và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản tại các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố quy mô ngân hàng (SIZE), rủi ro tín dụng (LLR), tỷ lệ lạm phát (INF) có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều đến rủi ro thanh khoản còn tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) tác động ngược chiều đến rủi ro thanh khoản. 

Từ khóa: rủi ro thanh khoản, mô hình FEM, mô hình REM, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Từ lâu, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà làm chính sách đã khẳng định vai trò quan trọng của các NHTM là trung gian thanh toán góp phần lưu thông thị trường hàng hóa ở bất kỳ một nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào. Các định chế tài chính này đảm bảo vốn đầu tư sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mới, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, các NHTM thường phải đối mặt với rủi ro thanh khoản do người gửi tiền có thể rút tiền trước hạn làm cho ngân hàng không cân đối được vốn kịp thời dẫn đến không thể hoàn trả cho người gửi tiền (Diamond và Rajan, 2005). Thanh khoản là khả năng đáp ứng các nhu cầu về vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh ở mọi thời điểm như chỉ trả tiền gửi, cho vay, thanh toán, giao dịch vốn (Basel, 2008). Tức là tính thanh khoản phản ánh khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Rủi ro thanh khoản không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời mà còn ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống NHTM (Jenkinson, 2008). Do đó, rủi ro thanh khoản không chỉ là thách thức mà còn là mối quan ngại trong thời đại NHTM hiện đại. Một ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, thu nhập cao, nguồn vốn dồi dào vốn vẫn có thể thất bại nếu không duy trì được tính thanh khoản (Crowe, 2009). Bởi vì, có một số rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro lãi suất, có thể lên đến đỉnh điểm dưới hình thức rủi ro thanh khoản (Brunnermeier và Yogo, 2009). Hệ thống NHTM Việt Nam, từ lâu được xem như là huyết mạch của nền kinh tế, đã đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển, tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các NHTM khác trên thế giới, NHTM Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản nếu có xảy ra. Vì vậy, với nghiên cứu này, tác giả mong muốn bổ sung thêm bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của các nhân tố đến rủi ro thanh khoản của NHTM tại Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu

Có 4 rủi ro chính đe dọa bền vững của ngân hàng, cụ thể là: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và rủi ro thanh khoản (Puspitasari và cộng sự, 2021). Rủi ro là sự không chắc chắn hoặc trạng thái không ổn định. Tính thanh khoản là khả năng đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn, sự dễ dàng để chuyển đổi một tài sản thành tiền mặt và mức độ chấp nhận của thị trường (Duttweiler, 2011). Đối với các NHTM, thanh khoản là khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn khả dụng cho hoạt động kinh doanh bất cứ lúc nào như thanh toán tiền gửi, cho vay, thanh toán và giao dịch vốn (Praet và Herzberg, 2008). Aspachs và cộng sự (2005) đã sử dụng dữ liệu từ bảng cân đối kế toán của các NHTM trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 2003 đã thấy rằng lãi ròng biên, lợi nhuận, quy mô, lãi suất và tăng trưởng GDP đều có tác động tích cực đến khả năng thanh khoản của các NHTM. Lucchetta (2007) thực hiện nghiên cứu trên dữ liệu từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ở châu Âu từ năm 1998 đến năm 2004, nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cơ bản của chính phủ, khoản vay trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu và quy mô của ngân hàng đều có ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Trong khi đó, nghiên cứu của Vodová (2011) sử dụng bộ dữ liệu thu thập từ 22 NHTM ở Séc trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2009 và kết quả cho thấy sự tác động của nhóm nhân tố bên trong ngân hàng bao gồm tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, lãi suất cho vay thị trường liên ngân hàng, cũng như nhóm nhân tố bên ngoài như lạm phát, chu kỳ kinh doanh và cuộc khủng hoảng tài chính có tác động đến khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Ferrouhi và Lehadri Abderrassoul (2014), lại không tìm thấy được tác động của tỷ lệ lạm phát đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra, nghiên cứu của Bonfim và Kim (2012) đã sử dụng dữ liệu từ các báo cáo tài chính của các ngân hàng và đã đi đến kết luận rằng để đạt được khả năng quản lý rủi ro thanh khoản tốt nhất, không chỉ các yếu tố nội tại mà các ngân hàng cần quan tâm đến cả những yếu tố bên ngoài. Nghiên cứu này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và quản lý các yếu tố môi trường kinh tế, chính trị và xã hội đối với hoạt động của ngân hàng. Và trong nghiên cứu của Inonica Muntuanu (2012), tác giả đã đưa ra nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2010 đã ảnh hưởng đến khả năng quản lý rủi ro thanh khoản của ngân hàng.

Theo nghiên cứu của Ferrouhi El Mehdi và Lehadri Abderrassoul (2014) về mối quan hệ giữa thanh khoản và hiệu quả hoạt động trong các ngân hàng tại Maroc, tác giả đã sử dụng mô hình FEM để phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có một số yếu tố giải thích cho tính thanh khoản của ngân hàng Maroc có sự phụ thuộc cùng chiều với quy mô ngân hàng, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng tài chính vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản không có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Trong nghiên cứu của Shyam Bhatiland và cộng sự (2015) đã tiến hành nghiên cứu về tính thanh khoản của các ngân hàng Ấn Độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh hiện tại của các ngân hàng Ấn Độ, tính thanh khoản dựa trên tài sản có ý nghĩa hơn so với tính thanh khoản dựa trên nợ phải trả. Điều này có nghĩa các ngân hàng cần tập trung vào việc duy trì mức độ thanh khoản của tài sản hơn là nợ phải trả để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Trong nghiên cứu của Vũ Thị Hồng (2015) về các NHTM Việt Nam, tác giả thu thập bộ dữ liệu từ 37 ngân hàng trong giai đoạn 2006 - 2011. Kết quả nghiên cứu này cho thấy mối tương quan thuận giữa tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ lợi nhuận, trong khi tỷ lệ cho vay trên huy động có mối tương quan nghịch với khả năng thanh khoản. Điều đáng chú ý là nghiên cứu này không tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng của tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng và quy mô ngân hàng đối với khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã nhấn mạnh sức ảnh hưởng của dự phòng rủi ro tín dụng đối với thanh khoản như Trần Thị Thanh Nga và Trầm Thị Xuân Hương (2018), Đặng Thị Quỳnh Anh và Trần Lê Mai Anh (2022). Hơn nữa, nghiên cứu của Võ Xuân Vinh và Mai Xuân Đức (2017) đã chỉ ra rằng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của NHTM càng cao thì nguy cơ rủi ro thanh khoản của ngân hàng càng thấp và ngược lại, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản của năm trước có tương quan cùng chiều với rủi ro thanh khoản của ngân hàng trong năm hiện tại. Thêm vào đó, nghiên cứu của Đặng Thị Quỳnh Anh và Trần Lê Mai Anh (2022) đã xác định những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố nội tại bên trong của ngân hàng có tác động mạnh đến hệ số thanh khoản, trong khi các yếu tố bên ngoài không ảnh hưởng nhiều, chỉ có lãi suất tiền gửi ảnh hưởng cùng chiều với thanh khoản. Đặc biệt, vấn đề nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng được xem là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của các NHTM tại Việt Nam.

3. Mô hình nghiên cứu

Kế thừa mô hình nghiên cứu của Vodová (2011), mô hình nghiên cứu tổng quát được sử dụng như sau: Lit = α + β’.Xit + λ1.Yit + δi + εi. Trong đó: Lit: hệ số thanh khoản ngân hàng i tại thời điểm t; Xit: các biến bên trong ngân hàng; Yit: các biến số vĩ mô; α: Hằng số; β’: Hệ số yếu tố bên trong ngân hàng; λ1: Hệ số yếu tố vĩ mô; δi: Biểu thị các yếu tố tác động cố định trong ngân hàng I; εi: Sai số.

Bảng 1. Mô tả các biến trong mô hình và dấu kỳ vọng

rui ro thanh khoan

Nguồn: Tác giả phân tích, tổng hợp và đề xuất

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 2. Thống kê mô tả các biến trong mô hình

rui ro thanh khoản

Nguồn: Kết quả tính toán dữ liệu của tác giả

Kết quả thống kê mô tả cho thấy, rủi ro thanh khoản khá cao trong giai đoạn này. Cụ thể L1 có giá trị trung bình là 18,44%, đây là chỉ số trung bình tương đối khá cao của hệ thống NHTMCP, chỉ số cao nhất là 52,09% thuộc về SSB năm 2012 và chỉ số thấp nhất là của STB năm 2018 với tỷ số là 5,13%. 

4.2. Kết quả hồi quy

Bảng 3. Kết quả hồi quy

rủi ro thanh khoản

Ghi chú: *** tương ứng với mức ý nghĩa 1%

Nguồn: Kết quả tính toán dữ liệu của tác giả

Kiểm tra lựa chọn giữa mô hình FEM và REM:

Đặt giả thuyết: Kiểm định hausman

𝐻0: Ước lượng của mô hình FEM và REM không có sự khác nhau.

𝐻1: Có sự khác nhau của ước lượng mô hình FEM và REM.

Mô hình có Prob (0.0970) > 𝛼 (0.05) nên bác bỏ 𝐻1, chấp nhận 𝐻0 tại 𝛼 = 5%. Khi đó không có sự khác nhau của ước lượng mô hình FEM và REM thì nghiên cứu sử dụng mô hình REM có ý nghĩa cao hơn. Kết quả hồi quy theo mô hình với ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM) có 2 biến có ý nghĩa thống kê đó là: tổng cho vay trên tổng huy động và tỷ lệ lạm phát. Trong khi đó, quy mô ngân hàng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu, nợ xấu trên tổng cho vay, dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ cho vay, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp không có ý nghĩa thống kê.

Kiểm định phương sai thay đổi đối với REM:

Đặt giả thiết

𝐻0: Mô hình không có hiện tượng phương sai thay đổi

𝐻1: Mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi

Bảng 4. Kiểm định phương sai thay đổi mô hình

rui ro thanh khoản

Nguồn: Kết quả tính toán dữ liệu của tác giả

Dựa vào kết quả phân tích Bảng 4 cho thấy Pvalue = 0.0000 < 𝛼 = 0.05 bác bỏ 𝐻0, chấp nhận 𝐻1 nên mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi. Do mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi, nên cần khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi.

Kiểm định tự tương quan mô hình:

Đặt giả thiết

𝐻0: Mô hình không có hiện tượng tự tương quan

𝐻1: Mô hình có hiện tượng tự tương quan

Bảng 5. Kiểm định tự tương quan mô hình

rui ro thanh khoản

 

Nguồn: Kết quả tính toán dữ liệu của tác giả

Dựa vào kết quả phân tích Bảng 5 cho thấy Pvalue = 0.0000 < 𝛼 = 0.05 bác bỏ 𝐻0 chấp nhận 𝐻1 nên mô hình có hiện tượng tự tương quan. Do mô hình có hiện tượng tự tương quan nên khắc phục hiện tượng tự tương quan.

Khắc phục khuyết tật mô hình:

Kết quả mô hình hồi quy sau khi chạy thống kê mô tả, hồi quy, đa cộng tuyến, kiểm định hiện tượng tự tương quan và hiện tượng phương sai thay đổi, cho kết quả mô hình có hiện tượng tự tương quan và có hiện tượng phương sai thay đổi. Do đó, tác giả tiến hành khắc phục mô hình thông qua ước lượng FGLS. 

Bảng 6. Kết quả sau khi khắc phục mô hình thông qua ước lượng FGLS

rui ro thanh khoản

Ghi chú: ***, ** tương ứng với mức ý nghĩa 1%, 5%

Nguồn: Kết quả tính toán dữ liệu của tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Yếu tố quy mô ngân hàng (SIZE) có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều đến rủi ro thanh khoản như kỳ vọng ban đầu của tác giả.

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) có ý nghĩa thống kê ở mức 1% nhưng tác động ngược chiều và phù hợp với kỳ vọng tác giả đưa ra. Khi tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng tăng thêm 1% sẽ làm khả năng thanh khoản giảm đi 0,0953%.

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ (LLR) có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Hệ số Beta của LLR là 1,080 > 0, cho thấy biến độc lập này có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc L1. Khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ tăng 1% thì sẽ làm khả năng thanh khoản tăng thêm 1,080%.

Tỷ lệ lạm phát (INF) có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Khi tỷ lệ lạm phát tăng 1% sẽ làm khả năng thanh khoản tăng thêm 0,572%. Điều này cho thấy trong thời kỳ lạm phát cao, các NHTMCP Việt Nam có xu hướng thận trọng hơn khi hạn chế các hoạt động tín dụng và nắm giữ những tài sản thanh khoản để sẵn sàng ứng phó với những biện pháp của Chính phủ nhằm kìm chế trong thời kỳ lạm phát tăng cao.

5. Hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô ngân hàng, tỷ lệ cho vay trên huy động, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ, tỷ lệ lạm phát có tác động đến rủi ro thanh khoản tại các NHTM Việt Nam. Do đó, cần có các chính sách phù hợp để phòng ngừa rủi ro thanh khoản. Cụ thể như sau:

 - Các NHTM Việt Nam nên thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, từ đó giúp làm tăng tài sản, mở rộng quy mô ngân hàng.

-  Ngân hàng áp dụng một số chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh như đầu tư vào công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ huy động vốn. Tối ưu hóa các quy trình huy động vốn, xử lý nợ và tăng cường khả năng quản lý rủi ro. Việc quản lý nợ tốt và tối ưu hóa khả năng thu hồi nợ cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng trong thời gian dài.

 - Tăng cường kiểm soát quá trình cho vay và phân tích khả năng trả nợ của khách hàng trước khi cho vay tiền. Điều này giúp ngân hàng tránh những khoản nợ không bảo đảm, không thu hồi được và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Ngoài ra, để quản lý các khoản nợ xấu, ngân hàng nên có những chính sách riêng biệt và giám sát chặt chẽ các khoản nợ này, đồng thời lập kế hoạch xử lý kịp thời. Điều này giúp đảm bảo tính ổn định và giảm thiểu rủi ro về vay nợ. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cần được thực hiện đầy đủ và đúng quy định theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aspachs, 0., Nier, E. & Tiesset, M. (2005). Liquidity, banking regulation and the macroeconomy: Evidence on bank liquidity holdings from a panel of UK-resident banks. Bank of England Working Paper, 1-26.
  2. Brunnermeier, M. K., & Yogo, M. (2009). A note on liquidity risk management. American Economic Review, 99(2), 578–83. https://doi.org/10.1257/aer.99.2.578
  3. Bonfim, D, & Kim, M, (2012). Liquidity risk in banking: is there herding. European Banking Center Discussion Paper, 24, 1-31.
  4. Crowe, C. T. (2009). Engineering fluid mechanics. US: Mass Market Paperback. https://doi.org/10.1201/9781315372556.
  5. Diamond, D. W., & Rajan, R. G. (2005). Liquidity shortages and banking crises. Journal of Finance, 60(2), 615–47. https:// doi.org/10.1111/j.1540-6261.2005.00741.x.
  6. Duttweiler, R. (2011). Managing liquidity in banks: A top-down approach. Hoboken: John Wiley & Sons.
  7. Lucchetta, M. (2007). What Do Data Say About Monetary Policy, Bank Liquidity and Bank Risk Taking?. Economics Notes by Bcmca Monte dei Paschi di Siena SpA, 36:189-203
  8. Shyam Bhatiland, Anura De Zoysa và Wissuttorn Jitaree (2015). Determinants of Liquidity in Nationalised Banks of India. World Fonance & Banking Symposium.
  9. Inonica Muntuanu (2012). Bank Liquidity and its Determinants in Romania. Procedia economics and finance, Journal ISSN: 2212-5671.
  10. Ferrouhi El Mehdi & Lehadiri Abderrassoul (2014). Liquidity Determinants of Morocan Banking Industry. MPRA Paper No. 59888, posted 14. November 2014.
  11. Vodová, P. (2011). Liquidity of Czech Commercial Banks and Its Determinants. International Journal of Mathematical Models and Methods in Applied Sciences, 5 (6), 1060-1067.
  12. Puspitasari, D. M., Febrian, E., Anwar, M., Sudarsono, R., & Napitupulu, S. (2021). Determinants of default risks and risk management: evidence from rural banks in Indonesia. Journal of Asian Finance, Economics, and Business, 8(8), 497-502. https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8. no8.0497
  13. Praet, P., & Herzberg, V. (2008). Market liquidity and banking liquidity: linkages, vulnerabilities and the role of disclosure. Financial Stability Review, 11, 95–109. https://ideas.repec. org/s/bfr/fisrev.html.
  14. Jenkinson, N. (2008). Strengthening regimes for controlling liquidity risks: Some lessons from the recent turmoil. Bank of England Quarterly Bulletin, 2, 111-121. https://ssrn.com/ abstract=1147090.
  15. Đặng Thị Quỳnh Anh, Trần Lê Mai Anh (2022). Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, Số 241, tháng 6, 1-13.
  16. Vũ Thị Hồng (2015). Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của cá ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 23(33), tháng 7-8, 32-49.
  17. Võ Xuân Vinh, Mai Xuân Đức (2017). Sở hữu nước ngoài và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 33, số 3.
  18. Trần Thị Thanh Nga, Trầm Thị Xuân Hương (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản ngân hàng. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 148, tháng 5, 78-91.

 

Using FEM and REM to analyze the factors affecting the liquidity

risk of Vietnamese commercial banks

Vo Van Hop

Industrial University of Ho Chi Minh City

Abstract:

This study uses FEM and REM to explore the factors affecting the liquidity risk of Vietnamese commercial banks. The study’s panel data is collected from audited consolidated financial statements of 15 Vietnamese commercial banks in the period 2010 - 2022. The study also uses Hausman and Breusch and Pagan Lagrangian multiplier tests to choose the model that best explains the factors affecting the liquidity risk of Vietnamese commercial banks. The study finds that the factors of bank size (SIZE), credit risk (LLR), and inflation rate (INF) have statistical significance and have positive impacts on the liquidity risk. Meanwhile, the loan-to-deposit ratio has a negative impact on the liquidity risk of Vietnamese commercial banks.

Keywords: liquidity risk, FEM, REM, commercial banks.

Tạp chí Công Thương