Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết nối, tận dụng hiệu quả lợi thế của các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh triển khai.
Nhằm hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của mình, Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"

Hàng loạt chương trình hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử được triển khai

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã,… trong tiêu thụ sản phẩm hàng hoá địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về thương mại điện tử cho bà con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó, giúp địa phương tăng cường phổ biến các  thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng thương mại điện tử.

Cục cũng phát triển các giải pháp về thanh toán điện tử và các giải pháp liên quan đến logistics giúp thiết lập được các hạ tầng hỗ trợ, tạo môi trường cho các doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số thành công.

Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối theo vùng thông qua các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm hàng hoá lên sàn thương mại điện tử. Thông qua các động như Tuần lễ nông sản Việt, ngày đặc sản Sơn La hay Ngày hội xứ dừa đặc sản Bến Tre,… Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã góp phần đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ tại các kênh thương mai điện tử.

Ngoài ra, Cục Thương mại điệt tử và Kinh tế số cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó các sản phẩm đặc sản của Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu thông qua các kênh này.

Ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Tồn tại nhiều khó khăn trong ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm

Tuy nhiên, ông Nguyễn An Sơn cũng cho rằng, vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định trong việc ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, liên quan đến trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán và quy mô về dân số,…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử vẫn còn cạnh tranh nhau, liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng bị hạn chế trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm, dễ bị lừa đảo. Đặc biệt, do phương thức cạnh tranh trên thương mại điện tử hiện nay hầu hết là về giá và chương trình khuyến mại, hình chức cạnh tranh bằng tín nhiệm chưa được phổ biến, khiến thị trường thương mại điện tử phát triển không được lành mạnh và bền vững, ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất liên quan.

Đồng thời, những hạn chế về nguồn nhân lực và quy trình đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng cũng là một trong số những rào cản, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của bà con.

Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm

Từ thực tế doanh nghiệp, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm cho biết, khó khăn lớn nhất mà 3T Farm gặp phải đó là Hợp tác xã có 100% là nông dân, kiến thức về công nghệ gần như bằng 0, vì vậy việc khai thác và sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả cao thì doanh nghiệp vẫn chưa làm được.

Đồng tình với những chia sẻ này, ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh chia sẻ, Trà Vinh hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp. Cùng với đó, công tác đào tạo tập huấn về thương mại điện tử mặc dù được chú trọng quan tâm nhưng các doanh nghiệp của địa phương thì chưa nắm được công nghệ và chưa quan tâm nhiều đến mức độ có thể vận hành và thực thiện tốt.

Ngoài ra, ông Phạm Thành Nam cũng cho biết, do chi phí tham gia các kênh thương mại điện tử còn khá cao đối với các doanh nghiệp của địa phương và cách thức quản lý, thực hiện đăng tải sản phẩm, kỹ năng livestream bán hàng của doanh nghiệp địa phương còn hạn chế và yếu kém, ảnh hưởng nhiều đến việc ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm của bà con.

Ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh

Nhiều giải pháp “gỡ khó” cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhận thấy được những khó khăn của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là khó khăn trong quá trình vận chuyển, vấn đề về logistics, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai Đề án về logistics cho nông sản, nhất là nông sản tươi Việt Nam tại 63 đơn vị trên 63 Bưu điện tỉnh tại Việt Nam để chung tay góp sức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Vậy, để hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, ông Nguyễn An Sơn cho biết, thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết những khó khăn liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, liên tục tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng thương mại điện tử cũng như công nghệ số cho các tỉnh, thành, địa phương. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử tại địa phương nói chung và cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Đồng thời, liên tục tổ chức các Chương trình để xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương như: Chương trình mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online,… và tổ chức các gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tại địa phương.

Tiến xa hơn nữa, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hỗ trợ ứng dụng các quy trình, những giải pháp liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử tại các thị trường quốc tế, trước hết là thị trường Hoa Kỳ và thị trường Trung Quốc.

"Đối với riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp, cung ứng dịch vụ chuyển phát như VNPost để hình thành mạng lưới, hỗ trợ chuyên biệt cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng như người nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xúc tiến tiêu thụ hiệu quả sản phẩm hàng hoá của mình." - Ông Nguyễn An Sơn nhấn mạnh.

Huyền My