Việt Nam trong dòng chảy FTA

Điểm nhấn lớn nhất trong quan hệ ngoại thương nước ta với những thị trường FTA là đều đạt tốc độ lưu chuyển hàng hóa cao thông qua tận dụng ưu đãi thuế quan cho nhau.

Tận dụng tốt cơ hội

Trung tuần tháng 12 năm trước, WB tại Việt Nam đã công bố Báo cáo thường niên 2018. Trong đó nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,8% cao hơn con số 6,3% của các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo cho rằng, con số 6,8% còn có ý nghĩa hơn khi Việt Nam kiểm soát được một số chỉ tiêu tài chính khác ở mức hợp lý. Điều này cho thấy Việt Nam vững vàng trước những biến động từ bên ngoài trong suốt 1 năm qua nhờ vào sự năng động của các ngành chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu đến các thị trường, nhất là các thị trường  FTA.

a

 

Cho đến nay, chúng ta đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA song phương và đa phương, với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 10 FTA đã thực thi có 7 FTA đa phương (gồm Atiga, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia - New Zealand và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu); 3 FTA song phương (với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Với các FTA này, tỷ lệ các doanh nghiệp nước ta sử dụng ưu đãi đạt mức khá cao. Cụ thể, thị trường Chile dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) lên đến 68%. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng C/O theo FTA đa phương Asean - Hàn Quốc và FTA song phương Việt - Hàn 56%. Tiếp theo là thị trường Ấn Độ 44%; Nhật Bản 37%. Các thị trường còn lại từ 30%. Cộng chung lại, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường FTA đạt khoảng 40%, tăng so với 35% của năm 2017 và khoảng 10% của những năm đầu thực thi FTA.

Nhìn từ cơ cấu mặt hàng sử dụng ưu đãi, có 2 nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi cao nhất, gồm nông sản và công nghiệp chế biến truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ. Với thị trường Australia và New Zealand (theo FTA Asean - Australia, New Zealand) tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung của hàng Việt Nam xấp xỉ 30%, riêng nhóm rau quả có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 72%. Tại thị trường Chile, tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung của hàng Việt Nam 68%; trong đó, giày dép 90%, gạo 70%. Với Nhật Bản, chúng ta cũng có 2 FTA đa phương (Asean - Nhật Bản) và song phương (Việt Nam - Nhật Bản) có tỷ lệ sử dụng ưu đãi chung 37%; nhóm rau quả lên tới 70%, thủy sản 62%, nhựa và sản phẩm nhựa 88%, giày dép 96%. Với thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu, tỷ lệ sử dụng ưu đãi nhóm hàng dệt may 78%, giày dép 59%, nhựa và các sản phẩm nhựa 87%...

a

 

Tỷ lệ các mặt hàng sử dụng ưu đãi thuế quan đã nói với chúng ta nhiều điều. Thứ nhất, nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ… vẫn là những mặt hàng tận dụng ưu đãi tốt nhất. Trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018, chỉ có 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu truyền thống nói trên, còn lại 7 nhóm hàng khác thuộc loại công nghiệp chế biến hiện đại đều không thuộc Top mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan, gồm Điện thoại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Máy vi tính, sản phẩm điện tử, và linh kiện; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; Sắt thép; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Sản phẩm từ sắt thép. Điều đó cho thấy, nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện đại vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng… của nhiều nước không nằm trong khối các thị trường có FTA với nước ta.

Thứ hai, một mặt các mặt hàng nông sản nước ta có tỷ lệ ưu đãi rất tốt chủ yếu do đáp ứng hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô/sơ chế và quy tắc Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hoặc Chuyển đổi mã số HS (CTC) đối với nông sản có hàm lượng chế biến sâu. Nhưng mặt khác chứng tỏ rằng, phần lớn những mặt hàng nông sản nước ta đã vượt qua hàng rào kỹ thuật, đến được những thị trường khó tính như Nhật Bản (tỷ lệ sử dụng C/O rau quả 70%; thủy sản  62%); hoặc Australia- New Zealand (tỷ lệ sử dụng C/O rau quả 72%); Hàn Quốc (tỷ lệ sử dụng C/O thủy sản 92%, hạt tiêu gần 95%, cà phê 93%, rau quả 82%.

Tốc độ xuất khẩu cao hơn nhập khẩu

Điểm nhấn lớn nhất trong quan hệ ngoại thương nước ta với những thị trường FTA là đều đạt tốc độ lưu chuyển hàng hóa cao thông qua tận dụng ưu đãi thuế quan cho nhau. Điển hình, chúng ta có cả FTA song phương Việt - Hàn (VKFTA) và FTA đa phương Asean - Hàn Quốc (AKFTA). 2 FTA này đã  mở đường gia tăng kim ngạch 2 chiều nhanh chóng.

Trong 2 FTA song phương và đa phương với Hàn Quốc, doanh nghiệp nước ta đã tận dụng tốt ưu đãi chứng nhận xuất xứ. Mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc từ 2016 (tức 1 năm sau khi VKFTA có hiệu lực) thường cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường này. Cụ thể, 2016 tăng trưởng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 27,9%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng 16,3%; năm 2017 tăng trưởng nhập khẩu cao hơn tăng trưởng xuất khẩu với Hàn Quốc (45% so với 29,96%); nhưng đó là năm Hàn Quốc đầu tư FDI vào Việt Nam với số vốn kỷ lục 8,49 tỉ USD (chiếm 23,7% tổng vốn FDI cả nước); riêng Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.Năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 24,7%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng 1,7%. Nhìn tổng quan, với các đối tác FTA chính, Việt Nam đều có mức trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.

Ngay cả với Asean, một khu vực trước đây thường tăng trưởng xuất khẩu âm, 6 tháng đầu năm 2016 giảm 13,4%, trong khi ATIGA - Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, là FTA đầu tiên sau khi nước ta gia nhập WTO. Đến hết năm 2016 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này đã giảm xuống còn âm 4,4%; năm 2017 đảo chiều tăng trên 20% và năm 2018 tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 14%, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu 13,5%. Tương tự với thị trường Trung Quốc, năm 2018 tăng trưởng xuất khẩu đạt 23,2%, mức rất cao so với tăng trưởng nhập khẩu 13% từ thị trường khổng lồ này.

Một phần trong chuỗi giá trị

Đâu là động lực đích thực giúp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường FTA cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Điều đầu tiên là trong đàm phán FTA, chúng ta đưa ra được những phương án cân bằng lợi ích hai bên và đặt ưu tiên hàng đầu các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu Việt Nam là nông sản, da giày, dệt may, đồ gỗ… Chẳng hạn, với AKFTA, các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, surimi vốn chiếm trên 30% kim ngạch thủy sản nước ta vào Hàn Quốc, chịu thuế suất rất cao trên 20% được đàm phán giảm sâu ngay khi AKFTA có hiệu lực từ 1/1/2016. Dệt may, mặt hàng năm trong Top 3 hàng xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc cũng được giảm về 0% ngay khi có hiệu lực.   

Thứ hai, cũng trong đàm phán, các bên đã nhất trí cho khối doanh nghiệp FDI được thành lập tại Việt Nam được phép sử dụng chuỗi nguyên liệu nội khối FTA và áp dụng nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường FTA. Kim ngạch tăng trưởng vượt bậc của các mặt hàng điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính sản phẩm điện tử; đồ gỗ của Việt Nam sang Hàn Quốc là minh chứng mạnh mẽ nhất. Ở mức độ thấp hơn là hàng dệt may, da giày, đồ gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu sang Nhật Bản...

Thứ ba, công tác phổ biến quy tắc xuất xứ được đặc biệt chú trọng, trung bình 50 tập huấn, hội thảo mỗi năm. Cùng với đó, các hoạt động đoàn ra, đoàn vào của Bộ Công Thương hết sức nhộn nhịp với công tác XTTM, mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối hiện đại nước ngoài. Chỉ riêng Trung Quốc, nước có nhiều cam kết thương mại song phương và FTA đa phương (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc) với Việt Nam; bên cạnh các cuộc làm việc song phương giữa Bộ Công Thương - Bộ Thương mại 2 nước, Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt - Trung, có rất nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác trực tiếp với cấp địa phương nước bạn. Năm 2016, 2017, 2018 Bộ Công Thương đã chủ trì tiếp các đoàn của tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Cát Lâm, Trùng Khánh, Sơn Đông, Sùng Tả… Thông qua đó, làm rõ được nhu cầu, cơ hội của doanh nghiệp 2 nước trong các hình thức thương mại chính ngạch, tiểu ngạch, thương mại qua biên giới, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất…

Thứ tư, Bộ Công Thương đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp C/O, bước đầu tạo chuyển biến tích cực với hình thức cấp C/O qua mạng Internet. Cùng với đó, thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN từ cuối năm 2017 được triển khai hiệu quả và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp khi cho phép thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc xin cấp tại các Tổ chức cấp C/O.

Kết quả dẫn đến là tạo ra cơ sở vật chất và pháp lý, cùng sự lan tỏa ý thức “phải là một phần trong chuỗi giá trị” của phần lớn doanh nghiệp đã giúp họ tận dụng tối đa những ưu đãi thâm nhập thị trường FTA.

 

Vũ Trung