Viettel Post (VTP) bứt phá thị trường giao nhận nhờ chiến lược tập trung "Last Mile"

Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian giao hàng, Tổng công ty Cổ phần Bưu Chính Viettel (Viettel Post, mã cổ phiếu VTP) đang tập trung cải thiện khâu “last mile” nhằm gia tăng chiếm lĩnh thị phần.

Thời gian giao hàng rút ngắn hơn 38%, lãi ròng tăng thêm gần 49%

Giá cổ phiếu VTP Viettel Post
Giá cổ phiếu VTP của Viettel Post hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử. (Nguồn: TradingView)

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đã chính thức chấp thuận niêm yết hơn 121,7 triệu cổ phiếu VTP của Tổng công ty Cổ phần Bưu Chính Viettel (Viettel Post). Số cổ phiếu này sẽ được giao dịch trên HoSE kể từ ngày 12/3 tới đây.

Mức gia tham chiếu của cổ phiếu VTP trong ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE là 65.400 đồng/cổ phiếu với biên độ giao dịch trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.

Trước đó, cổ phiếu VTP đã có phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM thuộc quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 29/2 với mức giá chốt phiên đạt 75.900 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, tính từ cuối tháng 12/2023 đến nay - thời điểm xuất hiện thông tin HoSE chấp thuận việc chuyển “nhà” của cổ phiếu VTP, thị giá cổ phiếu này đã tăng 56% và đạt mức cao nhất lịch sử kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào tháng 11/2018.

Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Viettel Post ghi nhận 19.590 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9,4% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 48,7%, đạt 380 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến doanh thu của Viettel Post “đi lùi” là do cuộc chiến cạnh tranh gay gắt về giá giữa các đơn vị vận chuyển. Bên cạnh đó, sức mua giảm cũng khiến tăng trưởng toàn ngành suy yếu.

Tuy nhiên, Viettel Post vẫn đang duy trì được mức biên gộp và lãi ròng khả quan nhờ nỗ lực tái cơ cấu và tối ưu hóa chi phí trên từng đơn hàng được thực hiện hiệu quả.

Viettel Post trung tâm Quang Minh
Việc sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hoá và các ứng dụng công nghệ khác vào quản lý, khai thác đơn hàng đã giúp Viettel Post rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thành đơn hàng.

Đặc biệt, doanh nghiệp này đang mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên tất cả các khâu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng hiệu quả và năng suất hoạt động cho Viettel Post trong dài hạn.

Vừa qua, công ty đã đưa vào hoạt động Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), giúp thời gian toàn hành trình của đơn hàng gửi qua Viettel Post khu vực miền Bắc rút ngắn thêm 8 - 10 giờ, hiệu suất tăng gấp 3,5 lần.

Viettel Post cũng là đơn vị chuyển phát đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ thu hộ COD, và khách hàng có thể theo dõi toàn trình hàng hoá của mình trên hệ thống. Đến nay, hoạt động chuyển phát đã được mobile hóa 100%.

Đại diện Viettel Post cũng cho biết, với các ứng dụng công nghệ, Viettel Post có thể tiếp nhận và xử lý số lượng xấp xỉ 2 triệu đơn hàng vào thời điểm cuối năm - cao điểm của ngành bưu chính. Con số này gấp 2 lần số lượng đơn hàng Viettel Post phục vụ trung bình mỗi ngày thông thường.

Theo dữ liệu của SSI Research, hiện thời gian giao hàng trung bình của Viettel Post đã giảm mạnh từ 62 giờ xuống chỉ còn khoảng 41 giờ, tương đương giảm gần 34% tổng thời gian hoàn thành đơn hàng.

Cải thiện chất lượng dịch vụ lõi, đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần

Bên cạnh việc tận dụng sức mạnh công nghệ, trong 2 năm qua, Viettel Post đã nỗ lực cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ của nhân viên giao hàng. Đây từng là lý do chính khiến công ty mất thị phần vào các đối thủ mới nổi trong khoảng thời gian trước đây.

Viettel Post cũng quay trở lại hình thức sử dụng nhân sự nội bộ cho việc vận chuyển chặng cuối (last mile delivery) kể từ năm 2022. Trước đó, công ty đã sử dụng lao động thuê ngoài, bán thời gian, thông qua nền tảng MyGo từ năm 2018 đến năm 2021 nhưng điều này đã khiến chất lượng phục vụ của nhân viên giao hàng tổng thể dưới mức trung bình.

Viettel Post
Tận dụng lợi thế cấu trúc tài chính lành mạnh, Viettel Post đang chấp nhận hi sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để giành lấy thị phần trong dài hạn.

Chi phí vận chuyển chặng cuối thường chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hoá. Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, mặc dù việc tự đảm nhiệm khâu này sẽ khiến Viettel Post gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận nhưng điều này sẽ chỉ gây tác động trong ngắn hạn do sự dịch chuyển của dòng hàng ở khâu cuối cùng này đang dần đóng vai trò quyết định trong chiến lược quản lý chất lượng dịch vụ khách hàng.

Đáng chú ý, tại thời điểm hiện tại, Viettel Post hầu như không có nợ dài hạn và lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng chiếm tới hơn 38% tổng tài sản do đầu tư vốn thấp trong vài năm qua. Do vậy, công ty có nguồn lực tài chính khá vững chắc để theo đuổi chiến lược trên.

Chiến lược này sẽ đem lại “quả ngọt” trong dài hạn khi thị phần đủ cao để bù đắp lại phần chi phí tăng thêm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ đang chịu áp lực chi phí khi lỗ với mặt bằng giá giao nhận trên thị trường hiện nay đã giảm mạnh từ mức trung bình 43.000 đồng/đơn hàng xuống chỉ còn khoảng 20.000 đồng/đơn hàng trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ưu thế về công nghệ, dịch vụ khách hàng dần cải thiện, và cơ cấu tài chính lành mạnh đang giúp Viettel Post lấy lại các tệp khách hàng đã mất và đẩy mạnh hợp tác với phân khúc khách hàng lớn, đặc biệt là các đối tác sàn thương mại điện tử lớn nhằm tăng tốc chiếm lĩnh thị phần.

Xem thêm: "Nhu cầu chuyển phát bùng nổ, lãi ròng năm 2023 của Viettel Post (VTP) tăng gần 49%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dữ liệu của SSI Research cho thấy, trong năm 2022, thị phần của Viettel Post chỉ cải thiện được thêm khoảng 1%. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, công ty này đã giành thêm tới 3% thị phần, chiếm 18% thị phần toàn ngành.

Hiện Viettel Post đặt mục tiêu nâng thị phần lên mức 21%. Hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) hiện đánh giá, Viettel Post có thể sớm đạt được mục tiêu này nhờ sản lượng của công ty đang tăng liên tục hơn 1 năm qua với tốc độ nhanh hơn mức tăng trưởng chung của ngành.

Duy Quang