Xôi ngũ sắc – Nét văn hoá của người vùng cao

Nét văn hoá gắn với hạt gạo nếp của người vùng cao được thể hiện tinh tế và độc đáo qua món xôi ngũ sắc. Nhờ sự sáng tạo, khéo léo trong sự kết hợp giữa các màu lá tự nhiên khác nhau, từ lâu, người vùng cao đã sáng tạo ra món xôi ngũ sắc vừa đẹp mắt bởi 5 màu sắc hài hoà, tự nhiên.

Cùng là xôi ngũ sắc nhưng ý nghĩa của xôi ngũ sắc với mỗi dân tộc lại khác nhau.

Xôi ngũ sắc của người Mường Phú Thọ

Từ lâu, xôi ngũ sắc đã được biết đến là ẩm thực đặc sản, món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Mường (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.

xôi ngũ sắc
Người Mường dùng các loại lá trên rừng để nhuộm màu gạo làm xôi ngũ sắc

Nguyên liệu để làm xôi màu tím, xanh lam, đỏ là từ 3 loại lá cây cơm nếp ngâm gạo; màu vàng từ hoa khô của một loại cây trên rừng, còn màu trắng thì để nguyên gạo, thế là được 5 màu rất đẹp.

Để đảm bảo màu đẹp, người hái lá phải tránh không được để lẫn các loại cây màu với nhau. Tiếp đó là sự cầu kỳ trong khâu nấu lá, giã lá, củ để lấy nước màu dùng cho việc trộn vào gạo nếp để tạo màu. Gạo nếp cái sau khi được ngâm nước sẽ được trộn theo từng màu khác nhau, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo nếp. Sự kỹ tính của món xôi ngũ sắc còn ở chỗ các loại cây, lá màu cũng phải được nấu ở các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.

Khâu đồ xôi cũng đòi hỏi sự cầu kỳ không kém khi người đồ cũng phải bỏ từng lượt gạo đã trộn màu vào trõ. Gạo nhuộm những màu sắc mạnh, dễ bị dây màu sang các màu khác như vàng, đỏ, tím thường được rải ở lượt dưới cùng trõ đồ, ngăn cách nhau bằng lá chuối và trên cùng chắc chắn phải là lớp gạo nếp nguyên thủy, màu trắng. Riêng màu trắng được để trên cùng để tránh bị nhuộm màu bởi những màu khác. Quá trình đồ xôi ngũ sắc cũng đòi hỏi phải có một sự cảm nhận đủ chuẩn của người nấu để có thể nấu một nồi xôi đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu.

xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc của người Mường mỗi màu tượng trưng cho Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ

Người Mường quan niệm năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu xanh lam tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và tím tượng trưng cho Mộc. Đồng thời, nó còn thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc ở miền Tây Bắc nói chung. Sắc màu của xôi còn thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống.

Có lẽ vì thế, mà xôi ngũ sắc là món ăn thường được đồ để sử dụng trong các dịp lễ, tết, những bữa tiệc tiếp khách quý. Xôi ngũ sắc thường hiện diện trên bàn thờ dịp Tết Nguyên đán hay các dịp rằm tháng riêng, tháng 5, tháng 8 để cúng tổ tiên, ông bà như một lời khẳng định tấm lòng thơm thảo con cháu tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên.

Xôi ngũ sắc của người Tày

Vào vụ lúa mùa, mỗi gia đình người Tày đều dành riêng một mảnh ruộng cấy nếp nương để Tết nấu xôi, làm bánh chưng. Nếp nương tròn hạt, thơm, hạt xôi mọng, dẻo, ngọt thơm hương vị đặc trưng vùng núi cao. Món xôi ngũ sắc của người Tày ngon hơn khi thưởng thức với cá nướng hoặc thịt nướng.

xôi ngũ sắc
Vào vụ lúa mùa, mỗi gia đình người Tày đều dành riêng một mảnh ruộng cấy nếp nương để Tết nấu xôi, làm bánh chưng.

Xôi ngũ sắc (còn gọi là cơm đen cơm đỏ) là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu sắc chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng đại diện cho cây lúa, loại hoa màu, ngũ cốc, màu tím đại diện cho đất đai trù phú; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt; màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống của người Tày.

xôi ngũ sắc
Chõ đồ xôi của người Tày

Người Tày dùng cây cơm đen, cơm đỏ để nhuộm gạo thành màu tím, lấy củ nghệ để nhuộm màu vàng, màu xanh làm từ cây cơm đen, màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu đỏ từ cây cơm đỏ và 1 loại tro của cây vừng hoặc tro rơm nếp. Cây cơm đen, cơm đỏ là những loại cây rừng có lá hình bầu dục, màu xanh, thân tròn, trên mặt lá cây cơm đen có hình bán nguyệt màu trắng. Người Tày hái hai loại cây này, rửa sạch, nấu chín, lọc lấy phần nước, ngâm với gạo để có được gạo màu tím, đỏ. Lấy 2 - 3 củ nghệ tươi đem giã cho nhỏ mịn, lọc nước để ngâm gạo tạo thành màu vàng.

Sau 5 - 6 tiếng ngâm, gạo chuyển màu, người nội trợ vớt gạo ra cho vào chõ đồ chín. Chõ đồ xôi cao thành và làm bằng gỗ. Đồ xôi bằng chõ gỗ giúp gạo chín đều, không bị nhão ở đáy, khi chõ xôi lên hơi, mùi thơm tỏa ra là xôi chín.

Xôi ngũ sắc của người Thái

Cũng như các dân tộc khác, người Thái đều có những nét văn hóa riêng biệt thể hiện nền văn hóa đặc sắc của riêng họ. Văn hóa không những thể hiện qua lễ hội mà còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực. Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn thể hiện nét văn hóa của người Thái.

Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn quan trọng không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Thái. Với 5 màu: xanh, đỏ, trắng, vàng và tím thể hiện ngũ hành và đặc biệt hơn khi những màu sắc này được tạo ra từ màu sắc của lá cây trong vườn.

xôi ngũ sắc
Khi có chuyện buồn, người Thái không tuyệt đối không làm xôi màu tím

Theo quan niệm của người Thái, xôi ngũ sắc không chỉ thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, mà còn tượng trưng cho âm dương ngũ hành, tình đoàn kết cộng đồng và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, cho những ước mơ; xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ và phồn thịnh; xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng đại ngàn Tây Bắc, màu của bầu trời xanh bao la; và xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung... Khi gia đình có chuyện buồn, người Thái tuyệt đối sẽ không dùng xôi màu tím.

Xôi ngũ sắc của người Dao

Khác với các dân tộc khác, xôi ngũ sắc của người Dao, ngoài màu trắng, vàng, xanh, đỏ còn có màu đen. Mỗi màu xôi sẽ được nhuộm từ cỏ cây của đồng rừng. Màu trắng là màu nguyên của hạt gạo nếp nương, trắng ngà dẻo thơm. Màu đỏ được tạo ra từ cây cơm lông, màu đen của cây sau sau, màu xanh của lá gừng và màu vàng của nghệ. Những lá cây này mang về được rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước, rồi ngâm gạo qua một đêm cho thấm màu. Người Dao có chõ đồ xôi ngũ sắc riêng, trong chõ có năm vách ngăn năm màu, sau khi ngâm gạo chỉ việc đổ năm màu vào năm vách tương ứng rồi bắc lên bếp đồ.

xôi ngũ sắc
Khác với các dân tộc khác, xôi ngũ sắc của người Dao, ngoài màu trắng, vàng, xanh, đỏ còn có màu đen.

Khi lấy xôi trong nồi, xếp ra đĩa cũng cần tuân theo quy tắc nhất định. Trong đĩa xôi ngũ sắc màu trắng sẽ đặt ở giữa tượng trưng cho sự hội tụ tinh túy của trời đất. Bốn màu sẽ đặt xung quanh tượng trưng cho bốn phương của trời đất, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong năm. Đĩa xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất: đỏ là hỏa, đen là thủy, trắng là kim, vàng là thổ, xanh là mộc.

Mỗi loại xôi mang một ý nghĩa riêng và có hương vị đặc trưng. Màu trắng có vị thơm dẻo nguyên chất của hạt gạo nương, tượng trưng cho sự tinh khiết của đất trời, của hạt sương sớm mai trên núi. Màu đen biểu trưng cho những khó khăn hạn hán, mất mùa, những  vất vả nhọc nhằn của người làm lên bông lúa giữa chênh vênh núi đồi. Màu xanh mang niềm hy vọng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Màu đỏ tượng trưng bếp lửa hồng của người rẻo cao với ước mong hạnh phúc gia đình mãi quây quần bên nhau. Màu vàng mang khát vọng no đủ ngàn đời cho con cháu không bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc.

Nguyên Vỵ tổng hợp