Khởi sắc chiếu Cà Hom - Bến Bạ
20/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

Khởi sắc chiếu Cà Hom - Bến Bạ

 Với 80% hộ dân làm nghề là người dân tộc Khmer cùng gần 500 khung dệt, mỗi ngày Làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đưa vào thị trường 1.000 - 1.200 đôi chiếu, bà con nơi đây thu về cả trăm triệu đồng.

Làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ xã Hàm Tân, huyện Trà Cú là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được các thế hệ người dân truyền nghề nhau gần 100 năm nay. Mỗi năm làng chiếu cung cấp cho thị trường vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hàng trăm nghìn đôi chiếu có độ bền, đẹp, hoa văn độc đáo.

det chieu

Công đoạn đầu tiên để làm chiếu là phải tìm nguyên liệu cây lác cho thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác cho phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Lác được phân cỡ xong đem rửa sạch, rồi vót lại bằng lưỡi dao thật sắc và nhỏ. Công việc này đòi hỏi có nhiều thành viên tham gia mới đảm bảo được một lượng lác lớn đủ dệt trong nhiều ngày. Mỗi cọng lác sau khi vót được phơi khô, sẽ có kích cỡ to bằng cọng chân nhang. Nếu làm chiếu hoa thì giai đoạn sử dụng nước pha màu nấu sôi để luộc những cọng lác phải đảm bảo được độ nóng của nước màu, lửa quá to hay quá nhỏ sẽ dễ làm cho lác bị chín nhừ hoặc là không thấm màu.

Nghề dệt chiếu ở Cà Hom - Bến Bạ từng bước được khép kín. Nguyên liệu dệt chiếu được người dân trong xã tự trồng trên các diện tích đất lúa kém hiệu quả. Toàn xã đã có trên 37 ha đất trồng lác và cứ 1000 m2 đất trồng lác, cho ra khoảng 120 đôi chiếu lớn (khổ 2 x 1,6 mét) và 120 - 130 đôi chiếu khổ nhỏ (1 x 1,9 mét).

chieu cà hom 1
chieu cà hom 2

Ngoài những loại cây dùng để dệt chiếu phổ biến thì ở ở làng nghề Cà Hom - Bến Bạ còn sử dụng một loại cây khác đó là cây tra. Đây là một loại cây chủ yếu sống dưới nước, ven các con sông, kênh rạch, người ta tách lấy vỏ cây sau đó đem về ngâm nước, phơi khô rồi xé thành từng sợi. Mỗi sợi dài khoảng 1m, người thợ sẽ se và nối các sợi lại với nhau.

Các loại chiếu ở Cà Hom - Bến Bạ gồm hai loại chính là chiếu trắng và chiếu màu. Đặc biệt là chiếu hoa dệt 2 mặt, đòi hỏi sự khéo léo và thể hiện sự tinh tế, tính thẩm mỹ trong từng đường dệt của nghệ nhân. Màu dùng để nhuộm chiếu đều lấy từ tự nhiên như cây giang, cây nghệ, cây mít…

det chieu

 

Ưu điểm của chiếu hoa ở làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ sau khi sử dụng từ 4 -5 năm, nhưng vẫn đảm bảo chiếu không bị đổ lông, phai màu và giòn gãy. Chiếu hoa ở đây được thể hiện qua 5 màu chủ đạo là trắng, đỏ, xanh, vàng và tím. Hình ảnh hay hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu cho từng sản phẩm của mình, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Chiếu Cà Hom nổi danh nhờ hoa văn đẹp mắt, sợi lác mềm, dai nên dùng lâu hư.

chieu 2
det chieu 1

Làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) dù có tuổi đời gần 100 năm, đã truyền nghề qua bao thế hệ, trải qua bao thăng trầm nhưng đồng bào Khmer nơi đây vẫn quyết tâm giữ gìn nét đặc sắc của nghề ông cha để lại.

Hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX, nhờ sản phẩm làm ra đẹp, bền, sắc sảo, chất lượng nên chiếu Cà Hom - Bến Bạ ngày một nổi tiếng và trở thành hàng hóa từ những năm 1940 và được nhiều người biết đến trong những năm 1960. Vào những năm 1970 - 1980, sự xuất hiện tràn ngập của chiếu nylon trên thị trường làm cho làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ truyền thống bị cạnh tranh rất lớn.

Đến những năm 1990, làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ có thể nói gần như bị mai một. Nguyên nhân, do người dân làng nghề không chủ động được nguồn nguyên liệu, sản phẩm chiếu không được cách tân về mẫu mã nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

ba ngo thi pho

Đứng trước thực tế đó, một nghệ nhân trong nghề đã sáng tạo thêm sản phẩm mới  đó là chiếu hoa với màu sắc bắt mắt để đáp ứng theo yêu cầu, sở thích người tiêu dùng. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận và phản hồi tích cực.

Trong lúc bao người thợ đã bỏ nghề, thì bà Ngô Thị Pho, một thợ dệt dân tộc Khmer lão luyện trong nghề vẫn gắn bó bên khung dệt. Nhận thấy chiếu thô, chiếu trắng thường không được thị trường chấp nhận, bà đã sáng tạo ra cách dệt chiếu hoa với màu sắc bắt mắt để đáp ứng theo yêu cầu, sở thích người tiêu dùng. Bà đã tự thiết kế hoa văn, phối màu, rồi dệt thử sản phẩm chiếu hoa hai mặt.

Sau nhiều lần thất bại, nhưng rồi cuối cùng bà cũng thành công. Năm 2000, chiếu hoa hai mặt của bà Pho khi được chào bán ra chợ xã đã được người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tích cực. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến bà để đặt hàng.

bà ngo thi pho 1

Năm 2001, với mong muốn xây dựng lại làng nghề và giúp nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo có việc làm, chính quyền xã Hàm Tân đã xây dựng dự án hỗ trợ kinh phí đóng khung dệt cho 40 hộ nghèo và nhờ nghệ nhân Nguyễn Thị Pho truyền nghề dệt hoa hai mặt. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ cũng từ đây dần được vực dậy.

Chiếu Cà Hom - Bến Bạ dần tạo được uy tín trên thị trường ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng chủng loại như: chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…  Nhiều phụ nữ làng chiếu đã trở thành nghệ nhân trong nghề được gần xa biết đến như bà Ngô Thị Pho, Mã Thị Dứt… mà sản phẩm của họ là những đôi chiếu cao cấp, giá thành lên đến vài trăm ngàn đồng và chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng riêng.

det chieu 1
det chieu 2
det chieu 3

Ngày 26/7/2013, Xã Hàm Tân đã thành lập được hợp tác xã chiếu thảm Hàm Tân để tập hợp mọi người cùng hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ. Song song đó, người dân làng chiếu cũng tự thân vận động, chuyển sang sản xuất những mặt hàng mới như thảm lót sàn, thảm ốp tường… xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đến năm 2014, nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ đã được tỉnh Trà Vinh đã chính thức được công nhận là làng nghề.

det chieu
          

Đến với làng nghề dệt chiếu ở Hàm Tân, những người thợ dệt chiếu vẫn miệt mài bên khung cửi, qua bàn tay khéo léo, những sợi lác thô kệch được kết thành những sản phẩm độc đáo. Không chỉ là kế sinh nhai, dệt chiếu còn là nghề truyền thống đang được người dân Khmer ở đây bảo tồn, phát huy.

          
det chieu 2

Làng chiếu truyền thống này hiện có qui mô bao trùm hai ấp Cà Hom và Bến Bạ với gần 500 khung dệt, giải quyết được khoảng ngàn lao động thường xuyên lúc nhàn rỗi. Hiện tại, làng nghề có 37 ha đất trồng lác với hơn  400 hộ dệt chiếu.

Vào dịp giáp Tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ nhộn nhịp nhất trong năm. Bên cạnh sản phẩm chiếu trắng được dệt hàng ngày, các nghệ nhân tập trung làm nhiều chiếu hoa (hay còn gọi là chiếu màu) phục vụ thị trường Tết. Bình quân mỗi ngày, một gia đình 2 người dệt được 1 đôi chiếu hoa (khổ 2m x 1,6m). Mỗi ngày làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ đưa vào thị trường 1.000 - 1.200 đôi chiếu, thu về cả trăm triệu đồng.

chieu ca hom

Trong xu thế chung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề dệt chiếu ở Cà Hom - Bến Bạ cũng đang dần chuyển mình theo phương thức và công nghệ mới. Sợi ny lon, phẩm màu công nghiệp đã thay thế dây bố, dây tra, nước dang, nước nghệ.

Trong số gần 400 hộ sinh sống với nghề dệt chiếu truyền thống thì có 80% hộ dân làm nghề là người dân tộc Khmer. Bình quân mỗi ngày, một gia đình 2 người dệt được 1 đôi chiếu hoa (khổ 2m x 1,6m). Sau khi trừ chi phí mỗi chiếc lời 70.000 đồng đến 90.000 đồng cho chiếc chiếu hoa; còn chiếu thường lời dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng cho 1 chiếc.

Làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ ngoài giải quyết việc làm cho những hộ trực tiếp làm nghề, còn gián tiếp giải quyết cho hơn 1.500 lao động ở các khâu: trồng lác, sơ chế nguyên liệu, dệt gia công và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ cung cấp ra thị trường trên dưới 150.000 đôi chiếu.

det chieu 4
dt chieu 5
 

Bằng sức sống và nội lực từ chính đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình, người dân Cà Hom - Bến Bạ hôm nay đang chung tay, góp sức đưa làng nghề truyền thống sang trang mới với những sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua quá trình nghiên cứu, các cơ quan khoa học của tỉnh Trà Vinh đã tạo ra chiếc máy dệt chiếu giúp, giảm bớt công lao động, rút ngắn thời gian ra sản phẩm. Tính riêng năm 2021, làng nghề dệt chiếu đã sản xuất được 49.600 chiếc chiếu các loại (dệt máy 16.800 chiếc, dệt thủ công 32.800 chiếc), tổng giá trị đạt 5,46 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2,5 tỷ đồng.

Nhằm ổn định kinh tế, xã hội vùng đồng bào Khmer, thời gian tới huyện Trà Cú sẽ triển khai đề án khôi phục, phát triển nghề dệt chiếu xã Hàm Tân. Các cơ sở, hộ sản xuất của làng nghề tiếp tục được hỗ trợ vốn, đào tạo nghề; hỗ trợ nghiên cứu mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm chiếu hoa. Các hoạt động đó sẽ giúp giữ gìn và phát triển nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Khmer.

          

Bài: Gia Hân
Trình bày: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí