ASEAN, AEC và cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam

Tọa đàm “50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho danh nghiệp Việt Nam” mang lại những ý tưởng mới cho sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình AEC.

Nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sáng 19/7/2017, tại Hà Nội, Bộ Ngoại và Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã phối hợp tổ chức tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Phát biểu tại buổi tọa đàm "50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho doạnh nghiệp Việt Nam" do Vụ ASEAN, Vụ Tổng hợp Kinh tế và Báo Thế giới & Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, trải qua 50 năm lớn mạnh và phát triển, ASEAN đã không chỉ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, mà còn đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan...

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, trong những năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác trong khối, thương mại của Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng 121%. FDI từ ASEAN đến Việt Nam từ 2006-2016 đã tăng lên 2,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 18% FDI vào Việt Nam. Việt Nam đã nâng cao được năng lực phát triển của mình và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tận dụng được sức mạnh của ASEAN.

“Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tham gia vào TPP, đàm phán RCEP và kí FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổng thư ký ASEAN bày tỏ tin tưởng năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Lê Lương Minh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, cách đây 22 năm, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN đánh dấu nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN tác động mạnh mẽ đến quá trình liên kết kinh tế khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, để duy trì sức hút và sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của ASEAN, việc "hiện thực hoá AEC ở tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng doanh nghiệp".

Toàn cảnh buổi tọa đàm

"Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chính phủ cần thúc đẩy", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.

Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua trong đó có Việt Nam.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Giao lưu kết nối DN trong EAC và triển lãm ASEAN 50 năm – hội nhập và phát triển cũng được tổ chức, nhằm tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng DN trong nước. Đồng thời, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch, tiềm năng, cơ hội đầu tư của các địa phương và DN tới cộng đồng AEC, khẳng định sự quyết tâm của các thành phần kinh tế Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội thời kỳ hội nhập.


Hoàng Hòa