Bia Sài gòn và câu chuyện xây dựng thương hiệu và các nhãn hiệu

Bai Sài gòn có nhiều nhạn hiệu, và Tổng công ty này đã rất thành công trong việc phát triển các nhãn hiệu ở nhóm khách hàng mục tiêu sao cho hiệu quả nhất,.
Bia Sài Gòn có nhiều chuyện để kể. Mọi người có thể nói đến một hãng bia dẫn đầu thị trường nội địa với khoảng trên 40% thị phần; có mặt ở trên 20 quốc gia, trong đó có cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia…

Người ta cũng có thể kể Bia Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 4 trong TOP 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam được công bố bởi Forbes; hay chuyện hàng loạt các nhãn hiệu Beer 333 Premium Export; Saigon Export; Saigon Lager lần lượt đoạt giải Vàng, giải Bạc, và giải Đồng quốc tế AIBA…

Nhưng điều người ta tò mò hơn cả, là trong rất nhiều nhãn hiệu của hệ thống Bia Sài Gòn, cái tên Sabeco xuất hiện với tần suất khá nhiều, mà không gắn vào một sản phẩm nào! Nhưng đó lại là điểm nổi bật trong xây dựng và quản lý nhãn hiệu của Bia Sài Gòn.

Ở Bia Sài Gòn, mỗi nhãn hiệu bia (như Saigon Specia, 333, Saigon Lager…) có người theo dõi, quản lý xây dựng riêng. Hàng năm, Tổng công ty xây dựng chiến lược chung; dưới chiến lược chung có chiến lược marketing. Căn cứ vào 2 chiến lược này, từng cá nhân phụ trách nhãn hiệu xây dựng kế hoạch hành động để đạt mục tiêu của nhãn hiệu đó.

Chẳng hạn, chiến lược của Tổng công ty đặt mục tiêu năm nay sản lượng bia Saigon Special tăng trưởng bao nhiêu phần trăm; chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần; thị trường nào thị trường trọng tâm, thị trường nào cần đầu tư, thị trường nào cần phải giữ. Xoay quanh mục tiêu đó, cá nhân phụ trách nhãn hiệu Saigon Special phải lên kế hoạch marketing, truyền thông, xây dựng hình ảnh… để thực hiện. Tất nhiên, trong quá trình chạy kế hoạch có thể điều chỉnh vì thị trường luôn biến động.

Vấn đề quan trọng nhất trong quản lý nhãn hiệu là định vị được sản phẩm, nhắm đến tập khách hàng nhất định. Với Saigon Special, khách hàng mục tiêu là người trẻ, thành công, và có thu nhập khá và cao trở lên trong xã hội, người làm nhãn hiệu sẽ nhắm đến những đối tượng này để truyển tải những thông điệp. Với triết lý cốt lõi: Anh khác biệt - Anh thành công, và Saigon Special là một phần của sự khác biệt đó. Đến nay mức độ phổ biến của nhãn bia này rất tốt, ngay cả với khu vực phía Bắc. Nếu thị phần bia của Tổng công ty chiếm 40% thì riêng Saigon Special chiếm 6,8%.

Saigon Export có lịch sử mấy chục năm, với hương vị độc đáo, dành cho người am hiểu về bia, nên mới có cái slogan: “Uống thì hiểu”, nghĩa là không cần phô trương, tôi am hiểu bia, tôi là người sành bia.

Người uống bia Saigon Export thuộc phân khúc phổ thông, thu nhập từ trung bình khá trở lên. Saigon Export rất phổ biến trong miền Nam từ Nam Trung bộ đổ vào, sông Tiền, sông Hậu; là sản phẩm dẫn đầu thị trường về sản lượng trong dòng bia chai.

Khách hàng mục tiêu trong nước của dòng bia 333 tập trung vào phân khúc khách hàng truyền thống, tuổi trưởng thành, quen với với vị đậm. Nhóm quản lý nhãn hiệu 333 đã tung ra một triết lý, rằng bia 333 khoác trên mình nét hấp dẫn của người đàn ông trong thời đại mới. Đó là tính điềm tĩnh, lòng dũng cảm và sự tự tin. Vì thế, slogan của nhãn là: “bật lịch lãm, sáng tự tin”.

Ngược với vị đậm đà của 333, Saigon Lager có vị nhẹ, để lại cảm giác nhẹ nhàng thoải mái, thiên về tính giải khát. Saigon Lager nhằm đến đối tượng khách phổ thông nhưng không bình dân.

Việc định vị sản phẩm, xác định nhóm khách hàng mục tiêu cho phép triển khai chương trình truyền thông, xây dựng hình ảnh phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các lễ hội Countdown ở các đô thị lớn trên nhiều vùng của cả nước thường gắn với nhãn hiệu Saigon Special, trong khi có nhãn hiệu thuộc hệ thống Sabeco lại đi “âm thầm”. Trong chiến lược chung từ Tổng công ty, có nhãn hiệu được đầu tư cho bán hàng, có nhãn hiệu được đầu tư cho xây dựng hình ảnh…

Vậy thì tại sao danh xưng Sabeco không gắn với dòng sản phẩm bia nào? Sabeco là thương hiệu của Tổng công ty. Thương hiệu này thường được dùng để xây dựng hình ảnh một tổng công ty mà sự phát triển gắn với trách nhiệm xã hội thông qua cung cấp cho xã hội những sản phẩm an toàn và hữu ích; bên cạnh đó luôn mong muốn cùng chia sẻ và gánh vác những trách nhiệm trong công tác xã hội và bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực, như áp dụng hệ thống quốc tế “Nhà máy xanh” gồm 3 tiêu chí: tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả cao và đặc biệt là công nghệ lọc không chất thải.

Sabeco luôn hướng tới xây dựng các mối quan hệ hợp tác “cùng có lợi”, và lấy đó làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, bằng cách xây dựng những chính sách phù hợp để những đối tác cùng tham gia và gắn bó lâu dài.

Sabeco cũng đề cao sự gắn bó trong một môi trường làm việc thân thiện, chia sẻ. Nơi mà mọi người được tạo mọi điều kiện để học tập, sáng tạo và cống hiến để cùng hưởng niềm vui của thành công.

Đồng thời, từng con người, từng bộ phận, từng nhà máy trong hệ thống không thỏa mãn với những gì đang có mà luôn mơ ước vươn lên, học tập, sáng tạo, và đổi mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu ngày càng cao và liên tục thay đổi của thị trường. Thường xuyên học tập, sáng tạo và đổi mới là phong cách của Sabeco.

Dù không gắn trực tiếp với sản phẩm nào, song Sabeco như một vị nhạc trưởng, điều tiết nhịp điệu phát triển, mức độ lan tỏa của từng nhãn hiệu ở các thị trường và khách hàng mục tiêu sao cho hiệu quả nhất, thân thiện nhất.

Nguyên Vỵ