Đa dạng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa

Các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước đang được Bộ Công Thương và địa phương chung tay thực hiện một cách bài bản, đa dạng, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên một niên vụ nông sản đến vụ thành công.

Xúc tiến tiêu thụ nông sản mùa vụ là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai công tác xúc tiến thương mại đa dạng, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh hiện tại và hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc kết nối cung cầu trên thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2023, trong bối cảnh thế giới vẫn còn phần nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị diễn ra ở một số quốc gia, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn, thì thị trường trong nước đang tiếp tục phát huy vai trò bệ đỡ quan trọng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa.

Bộ Công Thương đã sớm ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế.

Một trong những trọng tâm của các hoạt động này là khẩn trương triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.

Đa dạng các hoạt động xúc tiêu tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa
Đối với mặt hàng vải thiều đang đến vụ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và Hiệp hội, ngành hàng đã chung tay cùng địa phương đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng nhiều hoạt động thiết thực

Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước. Đặc biệt, các hoạt động được thực hiện với những hình thức phong phú, hướng đến nhiều đối tượng như: Hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện kinh tế - văn hóa - du lịch lớn, các chương trình giao dịch thương mại, kết nối giao thương, truyền thông thương hiệu, phát triển thương mại đa kênh trong đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch lớn trong và ngoài nước …

Đơn cử, với mặt hàng vải thiều đang đến vụ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và Hiệp hội, ngành hàng đã chung tay cùng các địa phương đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng hàng loạt chương trình, hoạt động thiết thực.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề "Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn" do Bộ Công Thương tổ chức

Bộ Công Thương đã dành riêng Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 để thảo luận về chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”, thu hút trên 300 đại biểu cùng tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng này khi vào vụ thu hoạch.

Địa phương “tiếp sức” bằng các hoạt động đa dạng

Sự chung tay của các bên đã góp phần lan toả, tiếp thêm động lực để các địa phương chủ động triển khai các kế hoạch, hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản thế mạnh của địa phương một cách bài bản.

Năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 29,2 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, trong đó vải sớm có 53.000 tấn, vải chính vụ hơn 127.000 tấn.

Trong khi đó, tại Hải Dương, vải thiều Thanh Hà năm nay có khoảng 3.265 ha, đạt gần 40.000 tấn, thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang và Hải Dương đã có những hoạt động xúc tiến tiêu thụ trái vải thiều đa dạng và thiết thực.

Không chỉ trực tiếp tổ chức các Hội nghị xúc tiến, Hội chợ kết nối giao thương tại chính địa phương, các tỉnh cũng tích cực đưa trái vải thiều đi giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các Tuần hàng nông sản, Lễ hội trái cây do địa phương khác tổ chức như Hà Nội, An Giang, Đồng Tháp,…

Năm nay, Bắc Giang đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Central Retail, giúp trái vải đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị lớn như GO!, Big C, Tops Market,… Đồng thời, cũng tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm mùa vải chín tại các vườn vải đạt tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP.

Bắc Giang đã hỗ trợ nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải chỉ trong 4 giờ bán hàng livestream (phát trực tiếp) tại chương trình "Chợ phiên OCOP" trên Tiktok Shop

Bên cạnh xúc tiến tiêu thụ trực tiếp, trái vải thiều cũng đang tích cực “phủ sóng” hàng loạt kênh thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Voso, FoodMap,… và các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok,…

Bắc Giang đã triển khai, xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại chương trình “Chợ phiên OCOP” trên Tiktok Shop - Khám phá đặc sản tỉnh Bắc Giang, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải chỉ trong 4 giờ phát trực tiếp.

Đa dạng các hoạt động xúc tiêu tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn vải Hải Dương (Ảnh: Thành Chung)

Vụ mùa 2023, Hợp tác xã Lục Ngạn xanh ở xã Đồng Cốc (Lục Ngạn, Bắc Giang) có khoảng 300 tấn vải thiều. Hiện mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ hàng trăm hộp vải thiều loại từ 5 đến 10 kg qua kênh trực tuyến. Dự kiến, sản lượng bán vải thiều của hợp tác xã trên kênh này sẽ tăng 10% với năm ngoái.

Trong khi đó, nhằm xúc tiến tiêu thụ trái vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đã tích cực tổ chức các hoạt động du lịch miệt vườn trải nghiệm mùa vải chính hay mở các điểm bán vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đáng chú ý, năm 2023 là lần đầu tiên Hải Dương đưa được trái vải lên các suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), điều này không chỉ thực khách trong nước và quốc tế biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp loại quả này bay xa hơn nữa tới các thị trường khó tính.

Những hoạt động này đã giúp Bắc Giang, Hải Dương thu về kết quả tích cực.

Đa dạng các hoạt động xúc tiêu tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa
Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách”. (Ảnh: TTXVN)

Tính đến ngày 25/6, tổng sản lượng vải chính vụ đã tiêu thụ đạt 69,5 nghìn tấn, đạt 69,6% kế hoạch. Trong đó, huyện Lục Ngạn 59,4 nghìn tấn, huyện Lục Nam 27,7 nghìn tấn, huyện Sơn Động 8,3 nghìn tấn. Các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế đã hoàn thành thu hoạch và tiêu thụ.

Lũy kế, đến nay tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ của Bắc Giang đạt hơn 125 nghìn tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 54,6 nghìn tấn.

Đối với Hải Dương, vải thiều sớm thu hoạch xong vào giữa tháng 6, vải thiều chính đang vào cuối vụ và dự kiến lượng tiêu thụ trong nước chiếm tỷ trọng gần 50%. Vải thiều Thanh Hà thu hoạch sớm giá trung bình 35.000 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm trước từ 5.000-7.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định kéo dài từ đầu mùa đến nay. Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, chưa năm nào giá vải giữ ổn định ở mức cao và kéo dài như năm nay.

Riêng tại Thành phố Chí Linh, đến ngày 19/6, đã có hơn 10.000 tấn vải của nông dân được thu hoạch và tiêu thụ, tương đương gần 70% sản lượng vải trên địa bàn. Toàn bộ sản lượng vải thiều này đều được tiêu thụ trong nước.

Đa dạng các hoạt động xúc tiêu tiêu thụ, vải thiều "phủ sóng" nội địa
Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chứng kiến lễ ký kết thoả thuận hợp tác kết nối tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên, Bắc Giang

Không dừng lại ở vải thiều, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết công tác xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được nâng cao hiệu quả, tập trung vào hỗ trợ các mặt hàng nông sản có tính mùa vụ trong thời gian tới. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ, cập nhật tình hình sản phẩm nông sản, trái cây đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm xúc tiến tiêu thụ hiệu quả, góp phần làm nên một niên vụ nông sản thành công.

Huyền My