Điều chỉnh nhiệm vụ phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030

Xây dựng Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới"; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến ngành cà phê, trung tâm tài chính, trung tâm logistics.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 176/NQ-CP ngày 30/10/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Buôn Ma Thuột
Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá của vùng Tây Nguyên

Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến cà phê, tài chính, logistics

Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh nhiệm vụ thứ 6, phần II "xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên" thành “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá của vùng Tây Nguyên”.

Trong nhiệm vụ thứ 6 này, điều chỉnh nội dung tại gạch đầu dòng thứ 7 như sau: Xây dựng và chủ động đăng cai, tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, du lịch của tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, nâng cao và phát huy chương trình phát triển thương hiệu Cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng hình ảnh của thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố Cà phê của thế giới". Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến ngành Cà phê, trung tâm tài chính, trung tâm logistics.

Điều chỉnh nội dung tại mục 4.5 Phụ lục I: Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, du lịch của tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030.

Không quy định nội dung nhiệm vụ tại mục 4.2 Phụ lục I: “Xây dựng Chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại...”

Xây dựng Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên

Ngày 09/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 103/NQ-CP đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột với tốc độ nhanh và bền vững trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý là trung tâm vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 62%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân hằng năm 14%, giai đoạn 2020 - 2025 đạt 125.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 77%; cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đạt trên 80%; duy trì 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm. Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 65%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 240.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%; tiếp tục duy trì và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 3%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt trên 80%, nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được xử lý đạt 100%; tổng lượng chất thải rắn được xử lý đạt 100%; có trên 20 bác sỹ/1 vạn dân.

Tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm và cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên.

Thanh Hà