Giá dầu thô 16/6: Phục hồi trở lại, Kuwait khẳng định nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên

Trong phiên giao dịch chiều nay ngày 16/6, giá dầu thô thế giới đã phục hồi trở lại khi các dữ liệu mới cho thấy nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc ở mức tốt. Kuwait cũng khẳng định nhu cầu sử dụng dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng lên.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 14h30 chiều nay, giá dầu thô Brent đạt 75,82 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,76 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá cả hai loại dầu thô chủ chốt trên thị trường năng lượng thế giới đã bật tăng khoảng 3% khi dữ liệu mới nhất cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc đang ở mức tốt và doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ cao hơn kỳ vọng.

Cụ thể, sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức cao thứ hai trong lịch sử. Đồng thời, ông Sheikh Nawaf Saud al-Sabah, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu thô Quốc gia Kuwait (KPC) nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay. 

Ông Sheikh Nawaf Saud al-Sabah cho biết, nhu cầu nhập khẩu dầu từ các khách hàng lớn nhất của KPC tại Trung Quốc hiện “ít nhất ở mức tương đương, nếu không muốn nói là nhiều hơn, và đang tiếp tục tăng lên”. Kuwait hiện là một trong những nước cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Trung Quốc vừa phân giao hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lần thứ 3 trong năm nay với tổng mức nhập khẩu dầu thô trong nửa đầu năm 2023 dự kiến lên đến 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá dầu thô còn được nâng đỡ nhờ doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua bất ngờ tăng 0,3% so với tháng 4, và tăng tới 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, hầu hết giới phân tích nhận định doanh số bán lẻ sẽ giảm xuống do lo ngại lạm phát neo cao sẽ bào mòn sức mua của người tiêu dùng.

Hoạt động tiêu dùng hiện đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ. Do đó sự gia tăng của doanh số bán lẻ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang chống chịu tốt hơn với tình trạng lạm phát cao. Hiện chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tại Atlanta ước tính tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 2/2023 sẽ ở mức 1,8%, cao hơn mức tăng 1,1% của quý 1/2023.

Đồng thời, đà tăng của đồng USD “hạ nhiệt” so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, cũng giúp các loại nguyên liệu thô được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư, cũng như kích thích nhu cầu thu mua loại năng lượng này.

Giới phân tích hiện kỳ vọng việc Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cắt giảm mạnh sản lượng khai thác kể từ tháng 7 tới đây sẽ hỗ trợ giá dầu thô không sụt giảm quá sâu.

Hiện một bộ phận giới đầu tư vẫn lo ngại rủi ro nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc thời gian tới khi doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 5 vừa qua không đạt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất cơ bản tại châu Âu lên mức cao nhất 22 năm trở lại đây. FED vừa qua đã quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 này nhưng cho biết vẫn có thể tăng lãi suất thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay. Mức lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống.

Tường Vy