Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.000 USD sau thông tin kinh tế Hoa Kỳ suy yếu

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 5/4, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce khi các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu và FED có thể phải sớm đảo ngược chính sách tiền tệ.
Diễn biến giá vàng thế giới
Diễn biến giá vàng thế giới trên thị trường giao ngay trong 3 phiên giao dịch gần đây (Nguồn: kitco.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 4/4, giá vàng giao tháng 6/2023 trên Sàn giao dịch hàng hoá New York (COMEX) tăng 40 USD, lên mức 2.038,10 USD/ounce. Trong phiên giao dịch sáng ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng đạt 2.022,4 USD/ounce.

Giá vàng được hỗ trợ mạnh sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cụ thể, dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng trong tháng 2/2023 tại nước này đã giảm xuống dưới 10 triệu vị trí lần đầu tiên trong gần 2 năm trở lại đây.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Hoa Kỳ tháng 3/2023 chỉ đạt 46,3 điểm, đánh dấu sự thu hẹp các hoạt động sản xuất tháng thứ 5 liên tiếp khi nhu cầu suy yếu. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng cho biết lượng đơn đặt hàng của các nhà máy tại nước này đã giảm 0,7% trong tháng 2/2023 và giảm 2,1% trong tháng 1/2023. Tất cả những yếu tố này làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm đảo ngược chính sách tiền tệ hiện nay. Điều này sẽ khiến đồng USD suy yếu, tạo động lực gia tăng cho giá vàng.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) nhận định giá vàng hiện vẫn còn triển vọng gia tăng tiếp nhưng sẽ cần thêm các dữ liệu mới cho thấy các hoạt động kinh tế suy yếu.

“Nếu như các rủi ro suy thoái kinh tế tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay, giá vàng có thể đạt ngưỡng 2.100 USD/ounce”, ông Edward Moya nhận định. Thị trường dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong tuần này

Giá vàng còn được hỗ trợ khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng tốc mua vàng. Dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua vào thêm 52 tấn vàng trong tháng 2/2023, xác lập tháng mua ròng thứ 11 liên tiếp. Trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua 25 tấn, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua 22 tấn, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan mua 8 tấn và Cơ quan Tiền tệ Singapore mua 7 tấn vàng.  

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 125 tấn vàng - mức mua ròng cao nhất kể từ năm 2010. Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua vào tới 1.136 tấn vàng, cao gấp đôi so với năm 2021 và đạt mức cao nhất trong 55 năm trở lại đây. WGC đánh giá nhu cầu về vàng trên toàn cầu đang tăng lên với động lực chính đến từ chính sách tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu đầu tư cá nhân.

Trong một tin tức có liên quan, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase ông Jamie Dimon cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay tại Hoa Kỳ và một số quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và hậu quả của đợt khủng hoảng này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Những rủi ro trong hệ thống ngân hàng có thể khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn khi đóng vai trò là kênh trú ẩn, bảo toàn vốn cho các nhà đầu tư.

Quỳnh Trang