Hà Nội: 19.000 hộ dân được xem xét trả đất dịch vụ bằng đất đấu giá, xen kẹt

Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát đất đấu giá, xen kẹt, vi phạm đất đai,... để đề xuất bổ sung vào quỹ đất dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký văn bản gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã về việc giao đất dịch vụ.

Mới đây, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân, hoàn thành trước ngày 30/9.

Với địa phương đã có quỹ đất dịch vụ, lãnh đạo thành phố yêu cầu giao đất ngay với quỹ đất đã xây xong hạ tầng kỹ thuật. Còn quỹ đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần được hoàn thiện thủ tục về đầu tư, đất đai để nhanh chóng bàn giao.

đất dịch vụ hà nội
UBND TP. Hà Nội yêu cầu địa phương xây dựng kế hoạch trao trả đất dịch vụ cho người dân trước ngày 30/9

Với địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, UBND Thành phố yêu cầu sử dụng quỹ đất khác thay thế, gồm quỹ đất đấu giá, tái định cư còn lại, quỹ đất thương phẩm, các dự án sử dụng đất vi phạm về đất đai và các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư. Quỹ đất này cần phù hợp với quy hoạch để bố trí cho nhu cầu đất dịch vụ.

Địa phương thiếu quỹ đất dịch vụ cần tăng cường vận động người dân có thể nhận tiền thay thế. Mỗi lô đất dịch vụ thường có diện tích 40-50 m2, được địa phương tổ chức bốc thăm sau khi xây xong cơ sở hạ tầng.

Trước đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội có gần 55.600 hộ gia đình, cá nhân cần được giao đất dịch vụ với quy mô hơn 360 ha. Đến đầu tháng 2/2024, thành phố đã giao đất cho hơn 36.500 hộ. 

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 19.000 hộ dân chưa được giao đất với hơn 112 ha, tập trung ở quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai, Thanh Trì. Sở Tài nguyên cho biết việc giao đất dịch vụ gặp nhiều vướng mắc do chính sách đất đai các thời kỳ, từng địa phương gồm tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Mê Linh), tỉnh Hà Tây (cũ) và Hà Nội trước khi mở rộng năm 2008.

Liên quan đến vấn đề trao trả đất dịch vụ cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ trước năm 2008), huyện thu hồi hơn 2.000 ha đất nông nghiệp của các hộ dân để triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội với giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ 12 - 18 triệu đồng/sào (tương đương 360 m2). Số hộ dự kiến được giao đất dịch vụ là 6.420 hộ, với tổng diện tích đất trả cho các hộ dân là 28,2 ha. Đây là những hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Xem thêm: Hà Nội: Huyện Mê Linh dự kiến đấu giá 500 thửa đất đón đầu dự án vành đai 4 trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đất dịch vụ hay còn được gọi là đất thương mại thường được biết đến qua chính sách hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp của Nhà nước. Đất được Nhà nước quy hoạch và phân cho công dân hoặc các hộ gia đình có đất nông nghiệp nhưng đã bị thu hồi, để phục vụ cho các dự án khác.

Đất dịch vụ là phần đất nhà nước đền bù cho người dân bị thu hồi trên một phần ba diện tích đất nông nghiệp, nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đây là một trong những chính sách thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các mục đích khác nhau như triển khai dự án.

Thanh Huyền