Khai giảng lớp đào tạo chuyên gia về FTA đầu tiên

Việc tổ chức lớp đào tạo chuyên gia về FTA là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới cung ứng được nguồn nhân lực cho các địa phương và cố vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các FTA hiệu quả hơn.

Sáng ngày 11/12, Bộ Công Thương phối hợp với Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương và Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Lễ khai giảng Lớp đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng năm 2023.

đào tạo FTA
Khai giảng Lớp đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng năm 2023.

Đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia FTA

Đây là lớp đầu tiên trong chuỗi khóa đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA. Học viên tham gia lớp là những cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động liên quan đến thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các cơ quan quản lý, công ty tư vấn thực thi FTA, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các cán bộ, nhân viên thực hiện nghiệp vụ xuất, nhập khẩu tại các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng...

Trong chương trình lớp đào tạo, các học viên sẽ được các chuyên gia từ các Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Hải quan… và chuyên gia quốc tế phổ biến, hướng dẫn những thông tin cơ bản, chủ yếu về các FTA mà Việt Nam đã kí kết, thực thi hay đang đàm phán và những nội dung liên quan.

Nội dung chương trình đào tạo bao gồm 05 mô-đun (học phần). Cụ thể:

Học phần 1: Tổng quan về các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tình hình đàm phán, ký kết, thực thi, định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA do chuyên gia Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày;

Học phần 2: Phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới, bao gồm: Cách tìm hiểu quy định phòng vệ thương mại của thị trường FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; cách tìm hiểu, đánh giá rủi ro về phòng vệ đối với sản phẩm xuất khẩu; cách thức xử lý rủi ro về phòng vệ thương mại; cách giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp phòng vệ thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý do chuyên gia Cục Phòng thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu;

Học phần 3: Quy trình xuất khẩu và nhập khẩu từ các thị trường FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Các quy định liên quan đến xuất khẩu; quy trình xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA thế hệ mới; các vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình xuất khẩu sang các thị trường FTA thế hệ mới và cách xử lý; các quy định liên quan đến nhập khẩu; quy trình nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường FTA thế hệ mới vào Việt Nam; quy trình nhập khẩu chi tiết; các vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình nhập khẩu từ các thị trường FTA thế hệ mới và cách xử lý do chuyên gia Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan phổ biến và hướng dẫn.

Học phần 4: Vấn đề lao động trong các FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; tình hình thực thi các cam kết lao động của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; các quy định mới về lao động của các đối tác FTA thế hệ mới; hướng dẫn cách thức xây dựng chiến lược đáp ứng các quy định về lao động tại các thị trường FTA thế hệ mới… do chuyên gia Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày và trao đổi;

Học phần 5: Xúc tiến thương mại trong các FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Cách tìm hiểu và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường FTA thế hệ mới; cách thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả; sử dụng công cụ Macmap trong xúc tiến thương mại; các quy định, chính sách hiện hành về xúc tiến thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý; các vấn đề thực tiễn liên quan đến xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu sang thị trường các FTA thế hệ mới; cách thức xử lý và xúc tiến thương mại hiệu quả. Các nội dung do chuyên gia Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương và chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ tại Việt Nam trình bày, hướng dẫn.

Lan Phương
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cập nhật về tình hình kí kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các đối tác.

Các mô-đun (học phần) được thiết kế tích hợp những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tạo điều kiện cho học viên tham gia tương tác, thảo luận và ôn tập về những nội dung liên quan đến thực thi, tận dụng các FTA.

Kết thúc lớp đào tạo, các học viên sẽ tham gia thi và được cấp Giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo cơ bản về chuyên gia FTA.

Hướng tới cung ứng nguồn nhân lực hỗ trợ thực thi hiệu quả các FTA

Thời gian qua, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều cam kết thuận lợi đã tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, nhất là xuất nhập khẩu với nhiều thị trường tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi chưa cao; số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn…

Một trong những nguyên nhân của việc tận dụng các FTA chưa đạt như kỳ vọng được cho là vấn đề nhân lực chuyên gia thực thi FTA còn hạn chế. Số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ thực thi các FTA tại các địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm. Thêm vào đó, kinh nghiệm và chuyên môn về các FTA, nhất là việc thực thi các FTA chưa có điều kiện được đào tạo và trau dồi thường xuyên.

Tại các cơ quan quản lý Nhà nước, số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các địa phương thiếu và cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA. Bên cạnh đó, nhân lực trong các doanh nghiệp nắm rõ các quy định về FTA có liên quan đến trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp như quy tắc xuất xứ, tủ tục hải quan, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu… hầu như chưa có, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt cơ hội từ các FTA.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA.

Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, việc tổ chức lớp đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA là bước đi thí điểm đầu tiên nhằm mục tiêu hướng tới cung ứng được nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn các FTA.

Trong những năm tiếp theo, Bộ Công Thương có kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng những chương trình đào tạo tổng thể và bài bản, cụ thể cho từng lĩnh vực để đáp ứng được các yêu cầu trong thực thi FTA.

lớp đào tạo

Sau Lớp Đào tạo chuyên gia FTA cơ bản 1 tại Hà Nội, theo kế hoạch trong tháng 12 này, Bộ Công Thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương) tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo tương tự tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Lớp Đào tạo chuyên gia FTA cơ bản 2 (18 - 22/12/2023 tại Đà Nẵng)

Lớp Đào tạo chuyên gia FTA cơ bản 3 (25 - 29/12/2023 tại TP. Hồ Chí Minh)

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có nhu cầu tham gia những lớp đào tạo có thể đăng kí tại link sau:

ĐĂNG KÝ THAM GIA LỚP ĐÀO TẠO CHUYÊN GIA FTA (google.com)

Việt Hằng - Huyền My