Lạm phát khu vực Eurozone tháng 4/2023 bất ngờ tăng trở lại

Lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 4/2023 đã bất ngờ tăng lên mức 7% sau 5 tháng giảm liên tiếp, chủ yếu do giá năng lượng, giá thực phẩm và đồ uống đã tăng lên.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 vừa qua đã bất ngờ tăng lên 7%, sau 5 tháng giảm liên tiếp. Trước đó, các chuyên gia phân tích nhận định mức lạm phát tại khu vực Eurozone sẽ được giữ ổn định, ngang bằng mức tăng 6,9% trong tháng 3/2023.

Theo Eurostat, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng trở lại là giá thực phẩm và đồ uống đang tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn lên mức chi tiêu của các hộ gia đình tại khu vực Eurozone. Bên cạnh đó, giá năng lượng đã tăng 2,5% trong tháng 4, sau khi giảm 0,9% trong tháng 3.

Lạm phát tại khu vực Eurozone tăng trở lại
Giá thực phẩm, đồ uống và thuốc lá tăng 13,6% và giá năng lượng tăng 2,5% là nguyên nhân chính khiến lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 4 bất ngờ tăng trở lại. (Nguồn: Eurostat)

Trong số 20 quốc gia thành viên khu vực Eurozone, Luxembourg hiện có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 2,7% trong tháng 4 vừa qua. Lạm phát tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đã giảm xuống còn 7,6% trong tháng 4, so với mức 7,8% của tháng 3. Nhưng vật giá tại những nền kinh tế lớn như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Hà Lan trong tháng 4 đã tăng trở lại. Điển hình, lạm phát tại Pháp đã tăng 6,9% trong tháng 4, so với mức tăng 6,7% trong tháng 3.

Đáng chú ý, các quốc gia khu vực Đông Âu và Balkan như Latvia, Slovakia, Estonia và Lithuania ghi nhận mức lạm phát từ 13% đến 15% trong tháng 4 vừa qua.

Eurostat cho biết điểm sáng là tốc độ tăng giá thực phẩm và đồ uống đang có dấu hiệu chậm lại khi chỉ tăng 13,6% trong tháng 4, so với mức tăng 15,5% ghi nhận trong tháng 3. Đồng thời, lạm phát lõi (sau khi loại trừ giá lương thực và giá năng lượng) trong tháng 4 đã giảm nhẹ xuống mức 5,6%, so với mức 5,7% trong tháng 3.

Tuy nhiên, các con số lạm phát này hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB hiện dự báo lạm phát cả năm nay của Eurozone sẽ ở mức 5,3%, giảm xuống còn 2,9% trong năm 2024 và xuống còn 2,1% vào năm 2025.

Đánh giá về tình hình lạm phát tại khu vực Eurozone, nhà kinh tế học Carsten Brzeski của tập đoàn ngân hàng ING (Hà Lan) cho biết: “Lạm phát tăng lên là điều bất ngờ, đây là kết quả của việc giá năng lượng tăng trở lại và giá dịch tại nhiều quốc gia thành viên tăng nhẹ. Chúng tôi (ING) dự báo lạm phát tổng thể của khu vực Eurozone sẽ tiếp tục giảm nhưng lạm phát lõi sẽ vẫn ở mức cao.”

ECB đã liên tục tăng lãi suất kể từ tháng 7/2022 để kiểm chề lạm phát tại châu Âu nhưng việc siết chặt chính sách tiền tệ cũng kìm hãm sự phụ hồi kinh tế và gia tăng rủi ro của khu vực tài chính.

Quỳnh Trang