Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu

Theo Quyết định phê duyệt, dự toán công tác lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1,984 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 220/QĐ - BGTVT phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

1,984 tỷ đồng dự toán lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu

Theo quyết định này, cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Bộ Giao thông vận tải; cơ quan lập quy hoạch là Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Cơ quan lập quy hoạch theo quy định hiện hành. Cục Hàng không Việt Nam sẽ có 90 ngày để lập quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định. Dự toán công tác lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1,984 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch; phê duyệt dự toán chi tiết khi sử dụng “chi phí dự phòng” trong phạm vi dự toán kinh phí được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tuân thủ các quy định hiện hành.

Lai Châu
Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu là nhằm bố trí không gian hợp lý để bảo đảm phát triển Cảng hàng không Lai Châu phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không và định hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không; quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác sân bay; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu mặt đất cũng như các nội dung liên quan khác; xác định tính chất, vai trò, quy mô Cảng cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật…

Dự án động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu

Trước đó, tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ: Về Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:

14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;

16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (trong đó sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).

Tại Quyết định số 648/QĐ-TTg, Cảng hàng không Lai Châu được phê duyệt quy hoạch với quy mô là cảng hàng không quốc nội, quy mô cấp 3C, công suất thiết kế 0,5 triệu hành khách/năm (định hướng đến năm 2050 là 1,5 triệu hành khách/năm), diện tích sử dụng đất là 117,09ha, vị trí xây dựng được quy hoạch là tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không và sân bay toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lai Châu đã có Công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Lai Châu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đánh giá, Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng an ninh; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Xác định là dự án động lực nên tỉnh Lai Châu mong muốn sớm được đầu tư nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thanh Hà