Quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay ngang hàng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu "Quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay ngang hàng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do TS. Nguyễn Quốc Anh (Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Cho vay ngang hàng là một trong những xu thế mới của hoạt động ngân hàng, được phát triển từ các ứng dụng công nghệ hiện đại. Thông qua các dữ liệu thứ cấp, bài viết tập trung nghiên cứu về các rủi ro phát sinh từ loại hình cho vay này, tìm hiểu các giải pháp đã được sử dụng để quản trị rủi ro. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhu cầu về các khoản vay P2P tại Việt Nam đã tồn tại từ vài năm nay nhưng hoạt động cho vay này vẫn còn khá mới và chưa chính thức được công nhận. Để đảm bảo các hoạt động đi đúng hướng, giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan thì cần có các giải pháp quản trị rủi ro cho nhóm hoạt động này. Sau khi đã nhận diện được nhu cầu của thị trường và bài học kinh nghiệm của các quốc gia, bài viết đã đề xuất một số giải pháp giúp phát triển hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam.

Từ khóa: công nghệ 4.0, Fintech, cho vay P2P, ngân hàng thương mại, quản trị rủi ro.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế phát triển của kỹ thuật số, công nghệ tài chính (Fintech) được đánh giá là một trong những đổi mới quan trọng nhất của ngành tài chính và sự thay đổi này đang diễn ra rất nhanh chóng. Sự phát triển của Fintech phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cơ sở hạ tầng quốc gia (mạng lưới internet, công nghệ di động, công nghệ cảm biến), sự tiến bộ của việc ứng dụng công nghệ (nền tảng, phân tích dữ liệu lớn…) và mức độ phát triển của các hoạt động kinh doanh. Trong các mô hình Fintech đang phát triển hiện nay thì 6 mô hình đang có mức độ phát triển nhanh nhất là thanh toán, quản lý tài sản, gọi vốn cộng đồng (crowfunding), cho vay ngang hàng (P2P), thị trường vốn và dịch vụ bảo hiểm. Trong đó, mô hình cho vay P2P là mô hình đang nhận được sự quan tâm rất lớn bởi chức năng quan trọng của nó trong việc chu chuyển nguồn vốn của nền kinh tế.

Cho vay P2P là hình thức cho vay gắn kết nhà đầu tư và người đi vay với nhau thông qua các nền tảng cho vay. Hình thức cho vay này đang phát triển rất mạnh trên thế giới về giá trị giao dịch và số nền tảng tham gia vào thị trường. Mặc dù hoạt động cho vay P2P tại một số nước đã xuất hiện từ rất lâu nhưng việc quản lý các hoạt động này hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong quá trình phát triển, Trung Quốc đã trở thành thị trường có nhiều nền tảng cho vay P2P nhất. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế quản lý phù hợp nên nảy sinh những vấn đề liên quan đến rủi ro về đạo đức trong quá trình cho vay đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường.

Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường cho vay P2P tại Mỹ xếp hạng thứ hai sau Trung Quốc về tổng giá trị cho vay. Điều đáng chú ý là thị trường cho vay P2P tại Mỹ chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp với một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn là phục vụ cho người tiêu dùng cá nhân. Ngành công nghiệp cho vay P2P ở Anh xếp thứ 3 sau thị trường cho vay tại Trung Quốc và Mỹ, đã tương đối thành công trong việc phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được các khoản vay P2P. Tuy nhiên, hoạt động cho vay P2P tại các nước này vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau.

P2P cũng đang nổi lên là một phương thức cho vay mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, do hoạt động cho vay P2P vẫn chưa chính thức được công nhận nên hoạt động của các công ty P2P chưa đi vào hệ thống, nhiều công ty cho vay P2P được thành lập không theo chuẩn nên tiềm ẩn không ít rủi ro. Bài viết được thực hiện nhằm tìm hiểu các rủi ro chính trong hoạt động cho vay P2P và các giải pháp quản trị nhằm vào các loại rủi ro này. Từ đó, bài viết đề xuất giải pháp để quản lý hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam.

2. Tổng quan về cho vay P2P

2.1. Khái niệm cho vay P2P

Cho vay ngang hàng là một loại giao dịch tài chính trực tiếp giữa các cá nhân. Đây là loại hình cho vay không có bảo đảm giữa người cho vay và người đi vay thông qua các nền tảng trực tuyến, không có sự tham gia của bất kỳ tổ chức trung gian tài chính nào vào quá trình thẩm định và cho vay. Hình thức cho vay này tạo điều kiện thuận lợi và tăng hiệu quả trong việc đăng và tìm kiếm thông tin, cung cấp tất cả các chức năng cần thiết để hoàn thành giao dịch (Lee, 2012).

Điểm mạnh chính của nền tảng P2P là quy trình cho vay được đơn giản hóa thông qua giao diện trực tuyến. Nhiều tính năng của nền tảng mang lại lợi ích cho người đi vay và người cho vay như người đi vay biết được mức lãi suất nhanh sau khi cung cấp một số thông tin cơ bản về thu nhập, điểm tín dụng trên trang web P2P.

2.2. Quy trình cho vay P2P chung

Hình 1 thể hiện quy trình cho vay P2P chung. Trong quy trình cho vay P2P, người đi vay và người cho vay gắn kết với nhau thông qua nền tảng cho vay P2P.

Hình 1: Quy trình cho vay P2P

cho vay ngang hàng
Nhập chú thích ảnh

Bước đầu tiên của quy trình là người đi vay đăng ký khoản vay trên nền tảng, người cho vay đăng ký cho vay trên nền tảng. Sau khi đăng ký xong, nền tảng cho vay sẽ thực hiện đánh giá rủi ro tín dụng của người đi vay thông qua các hành vi tín dụng, chấm điểm tín dụng và các thông tin cung cấp của bên thứ ba (nếu có) và cung cấp cho bên cho vay để ra quyết định đầu tư. Nếu việc cho vay được thực hiện, bên thứ ba bao gồm ngân hàng, cơ quan dịch vụ tài chính sẽ tham gia vào để hỗ trợ cho quá trình thanh toán. Sau khi cho vay, đến hạn thanh toán người đi vay sẽ hoàn trả tiền vay cho bên cho vay thông qua sự hỗ trợ của các bên thứ ba tương tự như trong bước chuyển tiền cho vay (Suryono và cộng sự, 2019).

3. Rủi ro trong hoạt động cho vay P2P

Dựa vào quy trình cho vay, có thể xác định các rủi ro có thể phát sinh theo từng bước, bao gồm rủi ro trong khâu đăng ký vay, rủi ro trong khâu đánh giá, rủi ro trong khâu thanh toán, rủi ro trong khâu hoàn trả nợ vay, rủi ro trong khâu quyết định đầu tư và rủi ro trong khâu đăng ký nền tảng cho vay P2P (Bảng 1).

Bảng 1. Các rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay P2P

STT

Các khâu

Các loại rủi ro

1

Đăng ký

Ý định cho vay

Ý định sử dụng nền tảng vay

Gian lận từ yêu cầu vay của người đi vay

2

Rủi ro trong khâu đánh giá

Thông tin bất cân xứng

Thiếu thông tin

Đánh giá tín dụng

Phân biệt giới tính

3

Rủi ro thanh toán

 

Khách hàng bị vỡ nợ

Thanh toán không đúng

Lạm dụng dữ liệu riêng tư

4

Rủi ro hoàn trả nợ vay

Khả năng kiểm soát rủi ro không hiệu quả

Không hoàn trả nợ vay đúng hạn

5

Quyết định đầu tư

Niềm tin vào người đi vay

Niềm tin vào đơn vị trung gian thứ ba

Rủi ro về đạo đức

Sự lựa chọn đối nghịch

Ý định đầu tư

Hành vi bầy đàn

Sự mù quáng trong đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao

Khuyến nghị đầu tư

Quyết định của người cho vay

Tái đầu tư

Phát hiện những người cho vay bất thường

6

Đăng ký nền tảng cho vay P2P

Yêu cầu về các chức năng của nền tảng tài chính điện tử P2P

Nền tảng bị buộc phải đóng cửa

Rửa tiền

Đánh giá nền tảng cho vay P2P

Hiệu quả của nền tảng

Nền tảng P2P thiếu sự giám sát đầy đủ

Hoạt động gian lận

Các quy định

Nguồn: (Suryono và cộng sự, 2019)

  • Rủi ro trong khâu đăng ký

Các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình đăng ký bao gồm rủi ro về ý định cho vay, ý định sử dụng, các yêu cầu cho vay mang tính chất lừa đảo, ý định phạm pháp. Trong đó, rủi ro về ý định cho vay phát sinh khi bên cho vay gặp vấn đề về niềm tin và thông tin bất cân xứng. Nếu có sự bất cân xứng trong thông tin thì điều này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin và ý định cho vay, từ đó người đi vay rất khó vay được từ nền tảng cho vay.

  • Rủi ro trong khâu đánh giá

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong khâu đánh giá là thông tin, tuy nhiên hoạt động cho vay có thể phải đối mặt với rủi ro do thông tin bất cân xứng, rủi ro này xuất hiện khi các bên không cung cấp thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là bên đi vay dẫn đến các đánh giá của nền tảng cho vay không chính xác.

Trong trường hợp các hoạt động cho vay P2P còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa có luật và quy định phù hợp được thiết kế riêng và thiếu các tiêu chuẩn cụ thể cho các mô hình thì chất lượng của nền tảng cho vay P2P rất khó xác minh. Điều này có thể dẫn đến kiểm tra tín dụng không đầy đủ, nền tảng cho vay thực hiện chức năng trung gian không hiệu quả, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, thiếu thanh khoản, thiếu minh bạch, lỗi vận hành, đòn bẩy quá mức, và thiếu đạo đức trong kinh doanh (Chen, 2018).

  • Rủi ro thanh toán

Cho vay ngang hàng là hình thức cho vay không có tài sản bảo đảm, đồng thời việc xác minh khả năng trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào thông tin của khách hàng cung cấp do đó khả năng vỡ nợ xảy ra cao nếu không có biện pháp quản trị hiệu quả. Trong quá trình tham gia vào hoạt động cho vay P2P, một số tổ chức tài chính đóng vai trò là bên thứ ba, cung cấp thông tin hoặc thực hiện thanh toán. Các bên thứ ba này có khả năng lạm dụng dữ liệu quyền riêng tư của bên cho vay và bên đi vay cung cấp để thực hiện cho các mục đích khác.

  • Rủi ro hoàn trả nợ vay

Rủi ro này có thể xuất hiện do nền tảng cho vay không kiểm soát tốt rủi ro tín dụng dẫn đến khách hàng vay không có khả năng thanh toán, đặc biệt đối với những nền tảng cho vay mới, do không kiểm soát tốt rủi ro tín dụng nên dẫn đến nợ vay không hoàn trả đúng hạn hoặc không có khả năng hoàn trả.

  • Rủi ro trong khâu quyết định đầu tư

Việc quyết định đầu tư của người cho vay cũng đồng thời với người cho vay đã cấp tín dụng đối với người đi vay. Niềm tin vào người cho vay và nền tảng cho vay là rất quan trọng, người cho vay và nền tảng không tạo được niềm tin cho người đi vay thì không thể thực hiện được khoản vay.

Ý định đầu tư và hành vi bầy đàn cũng có thể là những rủi ro trong quá trình ra quyết định đầu tư bởi vì việc đầu tư không có mục đích rõ ràng, không xác định được dòng tiền hoặc kế hoạch đầu tư, sự mù quáng trong đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hoặc các khuyến nghị đầu tư chưa hợp lý cũng có thể dẫn đến những rủi ro nhất định cho hoạt động cho vay P2P.

  • Rủi ro trong khâu đăng ký nền tảng cho vay P2P

Đối với các nền tảng cho vay, các rủi ro có thể đối mặt trong hoạt động cho vay bao gồm việc không thể đáp ứng yêu cầu về các chức năng của nền tảng tài chính điện tử P2P, nền tảng bị buộc phải đóng cửa trong một số trường hợp bất khả kháng hoặc do hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu các nền tảng cho vay P2P không được giám sát hiệu quả hoặc không có cơ chế đánh giá hoạt động tốt có thể dẫn đến sự biến tướng của cho vay P2P. Ngoài ra, hoạt động cho vay P2P cũng có thể đối mặt với hoạt động phạm pháp của bên cho vay như rửa tiền.

4. Kinh nghiệm quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay P2P

Hiện nay hoạt động cho vay đã trở thành một hoạt động phổ biến tại nhiều quốc gia. Trong quá trình cho vay P2P, nhiều rủi ro đã được nhận diện và đưa ra các giải pháp quản trị. Các giải pháp này được chia thành 2 nhóm bao gồm nhóm giải pháp kỹ thuật và nhóm giải pháp phi kỹ thuật.

  • Quản trị rủi ro hoạt động trong khâu đăng ký

Khâu đăng ký là khâu đầu tiên của hoạt động cho vay P2P, các giải pháp quản trị rủi ro thuộc nhóm kỹ thuật trong khâu này bao gồm hoàn thiện chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin, đảm bảo cấu trúc của nền tảng phù hợp để các bên có liên cảm nhận sự hữu ích và dễ sử dụng.

Liên quan đến nhóm phi kỹ thuật, các nhà quản trị đã tập trung vào việc toàn vẹn thông tin cung cấp, bảo vệ quyền riêng tư của các thông tin, chú ý đến các tiêu chuẩn chủ quan của nền tảng, nâng cao độ tin cậy của nền tảng để thu hút các bên tham gia. Các nhà quản trị còn tập trung vào việc nâng cao danh tiếng để thúc đẩy sự hài lòng từ đó lôi kéo người dùng hướng đến nền tảng. Thông qua các giải pháp nhận diện đặc điểm cá nhân và phỏng vấn để sàng lọc khách hàng mục tiêu.

  • Quản trị rủi ro trong khâu đánh giá

Trong khâu đánh giá tín dụng, để quản trị rủi ro thông tin bất cân xứng, thiếu thông tin sử dụng để đánh giá hoặc đánh giá tín dụng chưa hiệu quả, các giải pháp kỹ thuật đã được sử dụng bao gồm giải pháp dữ liệu lớn, sử dụng thuật toán, dự đoán hiệu suất khoản vay bằng khai thác dữ liệu, kỹ thuật phát hiện gian lận, dự báo rủi ro tín dụng, chấm điểm khả năng sinh lợi, thiết lập hệ thống hỗ trợ quyết định, đánh giá khoản vay và danh mục đầu tư. Các nhà quản trị còn sử dụng mô hình phân bổ, kỹ thuật thống kê dựa trên sự khác biệt về lợi nhuận, kỹ thuật thống kê dựa trên sự khác biệt về chi phí, khai thác văn bản, sử dụng lý thuyết bước đi ngẫu nhiên.

  • Quản trị rủi ro trong khâu thanh toán

Để giảm rủi ro vỡ nợ, giải pháp kỹ thuật được sử dụng là thông báo bởi nền tảng khi có vấn đề xảy ra. Đối với giải pháp phi kỹ thuật, các nhà quản trị đánh giá chi tiết từng khoản vay, phân tích nguyên nhân, tình trạng tài chính, tình trạng tín dụng, thông tin cá nhân, quy tắc đạo đức.

Để giảm rủi ro thanh toán không đúng, giải pháp kỹ thuật được sử dụng là thông báo bởi hệ thống. Đối với giải pháp phi kỹ thuật, các nhà quản trị thực hiện hướng dẫn thanh toán, cung cấp các phương thức thanh toán sẵn có.

Để giảm việc lạm dụng dữ liệu riêng tư, giải pháp kỹ thuật được sử dụng là thông báo bởi hệ thống. Đối với giải pháp phi kỹ thuật, các nhà quản trị xem xét quy tắc đạo đức của các đơn vị hỗ trợ, thực hiện yêu cầu đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu.

  • Quản trị rủi ro trong bước hoàn trả nợ vay

Nhằm giảm thiểu việc kiểm soát rủi ro không hiệu quả, các nhà quản trị thiết lập hệ thống thông báo cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, để giảm thiểu vấn đề hoàn trả nợ vay không đúng hạn, các hình thức phạt được quy định đối với bên đi vay.

  • Quản trị rủi ro đối với bước quyết định đầu tư

Để giảm các rủi ro liên quan đến niềm tin của người đi vay, niềm tin vào đơn vị thứ ba, các giải pháp kỹ thuật được sử dụng bao gồm nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin. Để giảm rủi ro tái đầu tư và phát hiện những người cho vay bất thường, các nền tảng đã sử dụng kỹ thuật phân cụm và cơ chế đấu thầu tự động, sử dụng các chiến lược đặt giá thầu, theo dõi số lượng hồ sơ dự thầu, thời gian cấp vốn, nội dung tin nhắn.  

  • Quản trị rủi ro trong bước đăng ký nền tảng cho vay P2P

Để giảm các rủi ro trong bước này, khi thiết lập nền tảng cho vay, các nhà quản trị đã chú trọng đến các mô đun, phân hệ quản lý, thiết kế web và dịch vụ khách hàng. Bên cạnh đó, thực hiện luật pháp hóa hoạt động cho vay P2P để có cơ sở quản lý và thiết lập các cơ chế chính thức. Các quy định, luật pháp liên quan đến hoạt động cho vay P2P đã dựa vào các kinh nghiệm thực hiện, chú trọng đến an toàn, tính thanh khoản, khả năng sinh lợi và các dịch vụ khách hàng.

5. Hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam

Cùng với xu thế phát triển của internet và điện thoại di động thông minh, hoạt động cho vay P2P cũng dần được hình thành. Mô hình cho vay P2P hiện nay được chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất là mô hình các công ty cung cấp công nghệ đơn thuần (còn gọi là P2P truyền thống), các công ty này chỉ cung cấp nền tảng công nghệ, hưởng phí, đóng vai trò là trung gian kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Nhóm thứ hai là nhóm hợp tác với ngân hàng để cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Nhóm thứ ba là nhóm tự huy động vốn, rồi cho vay, phương thức hoạt động tương tự như các ngân hàng. Nhóm thứ tư là nhóm các công ty cầm đồ xây dựng app và website riêng để cho vay dưới hình thức cho vay nặng lãi, hoặc có thể liên kết với công ty công nghệ để ứng dụng trong cho vay cầm đồ.

Về hình thức, đa số các nền tảng P2P hoạt động theo phương thức P2P truyền thống, đối tượng khách hàng chủ yếu là khách hàng vay tiêu dùng và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các khoản cho vay chủ yếu là cho vay tín chấp, tập trung ở các thành phố lớn, có nguồn vốn nhỏ. Lãi suất cho vay thường không quá 20%/năm, nhưng thu nhiều loại phí như phí tư vấn, phí trả nợ trước hạn và tổng các khoản phí và lãi khách hàng phải trả thậm chí lên đến 30% - 50%/tháng (Theo Vụ Chính sách tiền tệ, 2020).

Bên cạnh các nền tảng hoạt động theo mô hình 1 và 2 còn rất nhiều nền tảng hoạt động theo mô hình 3 và 4. Tuy nhiên, các mô hình này tương tự như hoạt động của ngân hàng nên được xem là không chính thống. Như vậy, có thể thấy nhu cầu về các khoản vay P2P tại Việt Nam đã tồn tại từ vài năm nay nhưng hoạt động cho vay này vẫn còn khá mới và chưa chính thức được công nhận. Để đảm bảo các hoạt động đi đúng hướng, giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan cần có các giải pháp quản trị rủi ro cho nhóm hoạt động này.

6. Giải pháp quản trị rủi ro cho các hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và bài học kinh nghiệm của các quốc gia, để giúp hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam đi đúng hướng, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia, bài viết đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần luật pháp hóa hoạt động cho vay P2P tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các quy định về việc cấp phép hoạt động cho các nền tảng hiện hành. Đây là cơ sở nền tảng quan trọng nhất để điều chỉnh hoạt động của thị trường. Sau khi đã luật pháp hóa hoạt động cho vay P2P thì cần thiết lập khung pháp lý cho hoạt động này, có thể thiết lập các quy định mang tính chất tạm thời (quy định hộp cát).

Thứ hai, để giảm rủi ro trong khâu đăng ký, nền tảng phải chú ý đến chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin, đảm bảo cấu trúc, tính dễ cảm nhận và tính hữu ích của hệ thống. Mặt khác, chú trọng đến vấn đề đảm bảo thông tin, bảo vệ an ninh, các tiêu chuẩn chủ quan, độ tin cậy, nhận thức, danh tiếng, sự hài lòng của người dùng. Có thể lường trước được mối quan tâm về các yêu cầu cho vay giả và ý định phạm pháp bằng cách chú ý đến các đặc điểm cá nhân và phỏng vấn ngắn. Để giảm rủi ro trong bước đánh giá, các nhà quản trị cần chú trọng vấn đề bất cân xứng thông tin, sử dụng các ứng dụng hiện đại như sử dụng các phương pháp phân tích khối dữ liệu lớn, thuật toán học máy.

Thứ ba, xác định tiêu chuẩn tín dụng yêu cầu cho các nền tảng, đây được xem là điều kiện tiên quyết tuyệt đối để đảm bảo hoạt động của dự án hoặc nền tảng tài chính liên quan, tránh sự biến tướng trong hoạt động cho vay P2P. Trong đó quy định tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết cho các khoản vay, tiêu chuẩn tài chính, tiêu chuẩn tín dụng và thông tin cá nhân của người đi vay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chen, J, J Jiang, and Y.-J. Liu. (2018). Financial Literacy and Gender Difference in Loan Performance. J Empir Finance 48: 307-
  2. Lee, E., & Lee, B. (2012). Herding behavior in online P2P lending: An empirical investigation. Electronic Commerce Research and Applications, 11(5), 495-503.
  3. Suryono, R. R., Purwandari, B., & Budi, I. (2019). Peer to peer (P2P) lending problems and potential solutions: A systematic literature review. Procedia Computer Science161, 204-214.

RISK MANAGEMENT SOLUTIONS FOR P2P LENDING AND LESSONS LEARNT FOR VIETNAM

Ph.D Nguyen Quoc Anh

Faculty of Banking, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

Peer-to-peer (P2P) lending is one of the new trends in the banking industry and it has been developed through apps. By analyzing secondary data, this study explores risks arising from P2P lending and proposes solutions to manage these risks. The study finds out that Vietnam has witnessed the demand for P2P loans for several years but this lending type is still relatively new and it has not yet officially recognized. To ensure the sustainable development of P2P lending and minimize risks for stakeholders, it is necessary to have risk management solutions for P2P lending.

Keywords: 4.0 technology, Fintech, P2P lending, commercial banking, risk management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương